Chính phủ Việt Nam khuyến khích các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu học tập kinh nghiệm các nước, để áp dụng mô hình phát triển bền vững, quản lý đô thị hiện đại trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Phát triển các đô thị phải tuân thủ chiến lược phát triển bền vững, kiến trúc xanh thân thiện với môi trường, tiện lợi và tiết kiệm. Trên đây là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về phát triển các đô thị ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai, tại Hội thảo “Các thành phố bền vững – Thách thức và cơ hội”, diễn ra ngày 10-7, tại Hà Nội.
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội thảo. (Ảnh TTXVN)
Hội thảo do Bộ Xây dựng, Công ty TNHH Siemens Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Tham dự hội thảo có hơn 200 chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, đại diện một số tổ chức quốc tế, các bộ, ban ngành trung ương và địa phương.
Có thể thấy rõ, cùng với xu thế phát triển rất nhanh, mạnh của nền kinh tế, xu thế đô thị hóa là điều tất yếu. Sự phát triển của các trung tâm đô thị lớn đã đặt các nhà lãnh đạo và các nhà quy hoạch đô thị trước thách thức to lớn. Những thách thức này không chỉ bao gồm việc bảo đảm chất lượng cuộc sống tiện lợi, có chất lượng cao cho người dân, mà còn phải bảo đảm tính cạnh tranh về mặt kinh tế của các trung tâm đô thị, cũng như bảo đảm các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách có hiệu quả.
Các đại trao đổi và trả lời chất vấn tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hòa
Một thách thức nữa của các thành phố lớn tại Việt Nam cũng như nhiều thành phố khác trên thế giới, đó là làm thế nào vẫn vừa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải kiểm soát được những ảnh hưởng về hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng xã hội trong quá trình đô thị hóa.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mục tiêu phát triển đô thị là tạo lập một môi trường sống phát triển bền vững vì con người. Phát triển đô thị bền vững vừa là mục tiêu vừa là giải pháp sống còn đối với toàn thể nhân loại và người dân Việt Nam. Kinh tế phát triển kéo theo môi trường đang dần bị hủy hoại. Những hiện tượng như biến đổi khí hậu, phân hóa giàu nghèo…ngày một trở nên gay gắt hơn. Để có những đô thị phát triển theo bền vững thực sự, cần giải quyết tốt bài toán các mâu thuẫn trên.
Ông Nguyễn Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Nguyễn Hòa
Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI), cho biết, hiện Việt Nam có 755 khu vực đô thị và thành phố. Trong số này có hai đô thị đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại hầu hết các đô thị, vướng mắc lớn nhất vẫn là vấn đề quy hoạch, bao gồm có quy hoạch giao thông vận tải, môi trường, cấp thoát nước… Trả lời câu hỏi của phóng viên: Vậy đã có thành phố nào của Việt Nam hiện tiệm cận với các tiêu chí của một thành phố được coi là xanh, sạch, phát triển bền vững? Ông Vinh cho biết: Hiện tại chưa có báo cáo nào đề cập chi tiết tới vấn đề này. Trước mắt các nhà quản lý ở các cấp đang phối hợp với nhau để từng bước giải quyết tốt các hạng mục trong xây dựng hạng thành phố bền vững như vấn đề khí thải, rác, vấn đề giao thông, nước sạch, thoát nước, quy hoạch…
Vậy chúng ta cần làm gì? Theo ông Vinh, tại Việt Nam, đại hội đồng vì sự phát triển bền vững của Việt Nam đã thành lập các nhóm phát triển các thành phố bền vững. Các nhóm có kế hoạch phối hợp với Siemens và các tập đoàn đa quốc gia khác để phối hợp tư vấn và tổ chức thực hiện một số công việc cụ thể. “Thông qua các nhóm này chúng tôi sẽ làm việc với lãnh đạo các thành phố, tỉnh – những nơi đã, đang, sẽ có các quy hoạch phát triển bền vững để đề ra và bắt tay ngay vào xây dựng các thành phố bền vững ngay từ ban đầu”, ông Vinh cho biết.
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hòa
Theo ông Vinh, để triển khai cụ thể kế hoạch xây dựng thành phố bền vững, ngay từ khâu quy hoạch đầu tiên bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chí của một thành phố phát triển bền vững, như cung cấp năng lượng, cấp thoát nước, các tòa nhà thông minh…
Có thể thấy rõ hướng đi trên đang thực sự phù hợp với thực tế ở Việt Nam. Theo số liệu do Bộ Xây dựng đưa ra tại cuộc hội thảo, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang đứng vào hàng nhanh nhất ở nhất Đông Nam Á; dân số đô thị chiếm 34% dân số toàn quốc; tốc độ tăng trưởng 3 – 4% mỗi năm. Đến 2020, dự báo sẽ chiếm 45% dân số toàn quốc. Định hướng phát triển đô thị ở Việt Nam với tầm nhìn 2030 – 2050 đã đề ra mục tiêu phát triển đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội phù hợp, đồng bộ hiện đại và có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến giàu bản sắc, có vị thế xứng đáng có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia khu vực và quốc tế.
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Lothar Herrmann, Tổng Giám đốc Siemens khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, để giải bài toán phát triển bền vững cho các thành phố, Việt Nam đang đối mặt với thách thức ở nhiều lĩnh vực, như giao thông, quy hoạch, các tòa nhà, chiếu sáng, năng lượng, y tế, nước và an ninh… Để làm được điều này, cần làm từng bước, trong từng công trình, ngay từ bây giờ cần có sự đồng bộ hóa trong tất cả các lĩnh vực và đưa ra các giải pháp kĩ thuật có tính tới yếu tố tương lai.
Về vấn đề này ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: Một số mô hình chuẩn theo vùng, miền, địa lý sẽ được quy hoạch làm trước, thành công và bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra, từ đó nhân rộng ra các thành phố khác. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ thông qua chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Một trong ba nội hàm của chiến lược này là xanh hóa sản xuất; đưa ra các mục tiêu giảm khí thải từ nay tới năm 2020 và 2050; xanh hóa lối sống và tiêu dùng. Tới đây Việt Nam sẽ có nhiều hơn các chung cư xanh, công sở xanh, các công trình tiết kiệm năng lượng…điều này giúp Việt Nam ngày càng xanh hơn, sạch hơn.
“Tôi cũng cần khẳng định thêm rằng, ngoài một số đô thị có quy hoạch tốt, vẫn còn một số đô thị phát triển không theo quy hoạch phát triển bền vững. Vẫn còn những đô thị phát triển manh mún. Đây là những đô thị phát triển không bền vững, bởi ở các đô thị này, thiếu đồng bộ từ điện, giao thông, cấp thoát nước…do đó cuộc sống người dân ở đây không thể nói có chất lượng tốt được”, ông Vinh nói.
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Bá. Ảnh: Nguyễn Hòa
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: Có thể khẳng định, quá trình đô thị của chúng ta đã bắt đầu từ ngày thống nhất đất nước, năm 1975. Tuy nhiên, sau chiến tranh chúng ta khó khăn, không thể đủ lực để làm đồng bộ. Hiện nay là cơ hội rất tốt cả về nhận thức, cả về kinh tế và quan hệ quốc tế để Việt Nam chúng ta tiệm cận với công nghệ, kiến thức và kinh nghiệm của thế giới.
Về chủ quan chúng ta cần làm gì? Trước hết, nhà nước cần làm cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và cùng vào cuộc. Bởi trên thực tế, sau khi triển khai quy hoạch ở thành phố Hà Nội, đã bộc lộ khá nhiều vấn đề. Theo tôi, những vấn đề ở Hà Nội đang vấp nằm chính ở con người, vì thế, cần làm cho mọi người “thông” tư tưởng, từ đó mới có thể triển khai các kế hoạch cụ thể. “Cơ hội đã đến, chúng ta cần bắt tay ngay vào triển khai”, ông Bá nói.
Về vấn đề trên, cũng tại hội thảo, nêu rõ khó khăn và thực trạng tại Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần có sự phối hợp tốt của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Bởi mỗi công trình, mỗi sự quy hoạch đều có tác động liên quan và dây chuyền tới tất cả các đối tượng này. Phối hợp giữa các bên liên quan để xây dựng các đô thị phồn vinh và bền vững sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh các doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân và vị thế của đất nước.
Trong phần trả lời trực tiếp tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội đã khẳng định tất cả các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng như điện, nước, các công trình đã và đang xây dựng sẽ tuân thủ nghiêm các chỉ số tiêu chuẩn theo hướng một thành phố bền vững, xanh, sạch, tiết kiệm, văn minh và hiện đại. “Để phát triển thành công thành phố bền vững, phải có quy hoạch và phải thực hiện bằng được những quy hoạch phù hợp”, ông Bá khẳng định.
Theo QĐND