Trong khuôn khổ của Hội chợ triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2012 (Vietarc 2012) vừa diễn ra tại TP.HCM, Hội KTS TP.HCM đã tổ chức Hội thảo bàn về KTS và Luật hành nghề kiến trúc với hơn 100 đại biểu tham dự. Nhiều ý kiến cho biết, khi luật ban hành thì KTS có nhiều ràng buộc nhưng đây là sự cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích cho cộng đồng trong đó có KTS và đảm bảo sự phát triển và hội nhập thế giới của nền kiến trúc Việt Nam.
Thừa nhận thực tế
Các KTS đã xác định nền kiến trúc Việt đang ở giai đoạn phải đối mặt với nhiều thách thức và bất cập từ công tác đào tạo đến công tác quản lý hoạt động và hành nghề. Hiện nay, hoạt động của kiến trúc chỉ được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật và rải rác trong các luật vì vậy tạo nên sự chồng chéo, thiếu đồng bộ và lỏng lẻo, dẫn đến nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho nhiều KTS vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tác động xấu tới cảnh quan đô thị. Với những lập luận của mình, các KTS bày tỏ quan điểm, Luật hành nghề KTS là “chìa khóa vàng” cho sự phát triển và hội nhập của kiến trúc Việt Nam.
Mặc dù KTS đã và đang hoạt động trong một tổ chức nghề nghiệp khá mạnh, đó là Hội KTS nhưng hầu hết các GS, TS, KTS đều khẳng định: Hội KTS chỉ mang tính động viên mang tính xã hội chứ chưa hỗ trợ cho các hội viên về mặt hoạt động nghề nghiệp. KTS Nguyễn Văn Tất – Phó chủ tịch Hội KTS TP.HCM phân tích: Trong quá trình hoạt động, Hội KTS Việt Nam cũng đã được xem như một tổ chức nghiệp đoàn của giới KTS. Tuy nhiên, với nhiều trách nhiệm xã hội nặng nề, phức tạp đáng ra hội phải đảm đương nhưng thực tế Hội chỉ động viên, cổ vũ mà thiếu hẳn năng lực pháp quy để hoạt động hiệu quả. Hoạt động ngành nghề của KTS được chi phối bởi Luật Xây dựng, các văn bản khác và Bộ Xây dựng. Việc quản lý này chỉ mang tính hành chính chứ không quản được đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy nước ta cần thiết phải có Luật KTS và quản lý Nhà nước.
Theo nghiên cứu của PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, Luật hành nghề kiến trúc hay Luật Kiến trúc đã có tại nhiều quốc gia với mục tiêu kiểm soát nghiêm ngặt người hành nghề kiến trúc, phục vụ đảm bảo lợi ích cộng đồng trong việc sử dụng các dịch vụ tư vấn có chất lượng tốt do các tổ chức hành nghề KTS hoặc KTS cung cấp. Tuy nhiên, tại nước ta hành nghề KTS còn nhiều bất cập như quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc hay quy chế sửa đổi đồ án thiết kế quy hoạch, xây dựng và công trình kiến trúc… Chính vì vậy nhiều KTS cho rằng, cần có Luật KTS nhằm chỉnh đốn việc hành nghề KTS để phục vụ và bảo vệ lợi ích của xã hội bởi đây là một ngành nghề có tính đặc thù giúp nhà nước quản lý hoạt động hành nghề KTS và khi có Luật KTS thì đây như lời cam kết với cộng đồng thế giới.
Vấn đề được quan tâm
KTS Nguyễn Huy Khanh khẳng định: Luật hành nghề kiến trúc là yêu cầu bức thiết của hội viên Hội KTS Việt Nam bởi đội ngũ này đang cần một công cụ để thanh lọc đội ngũ, chỉnh đốn lại việc hành nghề của các KTS, các Cty kiến trúc hiện nay. Ông Khanh đề nghị, khi soạn thảo Luật, các nhà xây dựng luật cần chú ý tới điều luật quy định rõ về năng lực hành nghề, trình độ của KTS cũng như chất lượng sáng tạo… Đồng quan điểm này, KTS Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở QH-KT TP.HCM nhấn mạnh, Luật hành nghề KTS cần xác định tiêu chí để phân loại năng lực của KTS và nội dung hoạt động phù hợp với năng lực, công việc của họ.
Vấn đề quyền tác giả đối với tác phẩm và việc sửa đổi thiết kế kiến trúc, các công trình kiến trúc được nhiều KTS đề cập bởi thói quen “khó chữa” của nhiều KTS hiện nay là sao chép ý tưởng, sản phẩm vì vậy cần phải đưa tác quyền vào luật để ngăn ngừa. KTS Nguyễn Văn Tất cho biết: Quyền tác giả và các vấn đề liên quan được luật hóa bằng các điều khoản hợp lý về ứng xử và quản lý dự án, giúp KTS toàn tâm toàn ý sáng tạo cho tác phẩm kiến trúc.
KTS Trịnh Ngọc Phương – Giám đốc Sở Xây dựng Tây Ninh – Chủ tịch Hội KTS Tây Ninh đề nghị: Mặc dù nhà nước đã tạo môi trường và hành lang pháp lý cho hành nghề KTS trong lĩnh vực xây dựng và quy hoạch đô thị, nhưng hệ thống này còn thiếu và không làm rõ được những đặc thù riêng của nghề KTS, đặc biệt không đề cập được những vấn đề then chốt như: Kiến trúc và hành nghề kiến trúc đối với KTS trong nước và KTS nước ngoài làm việc tại Việt Nam…
Việc thành lập Đoàn KTS cũng được nhiều KTS đề nghị. Theo nghiên cứu của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính và TS.KTS Ngô Doãn Đức thì việc thành lập Đoàn KTS không có nghĩa là giải thể hay vô hiệu hóa Hội KTS. Đoàn KTS sẽ là một tổ chức tự quản của giới KTS hành nghề và đây là một đơn vị có nhiệm vụ đại diện; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của KTS trong hành nghề tại địa phương. Đơn vị này sẽ giám sát thực hiện bản quy tắc đạo đức hành nghề của các thành viên.
Xây dựng Luật KTS hay Luật Kiến trúc hay Luật hành nghề kiến trúc… Vì vậy, giới KTS muốn các nhà làm Luật cần nghiên cứu kỹ.
Theo Báo xây dựng