Nhiều người dân Hà Nội cho biết không quan tâm đến việc cầu vượt nhẹ xấu hay đẹp, quan trọng nhất là hiệu quả giảm ùn tắc rõ rệt của những cây cầu này.
Hai cầu vượt nhẹ đầu tiên của Hà Nội tại ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc – Tây Sơn và Thái Hà – Láng Hạ – Huỳnh Thúc Kháng được đưa vào sử dụng đã hơn một tháng. Bước đầu, hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông của hai cầu vượt nhẹ này đã được thể hiện rõ rệt, mặc dù vẫn còn những ý kiến trái chiều về tính thẩm mỹ và việc nhân rộng loại công trình giao thông này.
Để thông tin khách quan và đa chiều, Đất Việt đã phỏng vấn nhiều người dân sinh sống quanh khu vực và thường xuyên qua lại các nút giao thông có cầu vượt nhẹ tại Hà Nội.
Xấu hay đẹp tùy mắt mỗi người
Mới đây, tiến sỹ Hồ Tuấn Sỹ, một chuyên gia cầu đường, người thường xuyên đi làm qua hai cầu vượt nhẹ ở Hà Nội, đã trả lời phỏng vấn Đất Việt và cho rằng: “Cầu vượt nhẹ có nguy cơ phá vỡ cảnh quan và quy hoạch thành phố Hà Nội”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về mặt thẩm mỹ của hai cây cầu vượt nhẹ đã đưa vào sử dụng, người dân bày tỏ những quan điểm và đánh giá khác nhau.
Trả lời về vấn đề này, chị Nguyễn Thương Huyền (24 tuổi, ở Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hai Bà Trưng) cho hay: “Về góc độ mỹ quan đô thị thì tôi thấy vẫn bình thường. Hai cây cầu vượt nhẹ đã xây dựng không có gì xấu cả, tôi thấy nó là một nét đẹp đấy chứ”.
Có nhiều ý kiến khác nhau về tính thẩm mỹ của những cây cầu vượt nhẹ đã được xây dựng.
Đồng quan điểm với chị Huyền, anh Nguyễn Đức Tâm (21 tuổi, sinh viên năm thứ 3 – Khoa Kiến Trúc, trường đại học Kinh Doanh Công Nghệ Hà Nội) cho rằng: “Từ khi có cầu vượt nhẹ, giao thông tại khu vực này giảm ùn tắc, đường phố thông thoáng hơn nên rõ ràng mỹ quan đô thị đã được cải thiện nhiều”.
“Tôi không cho rằng những cây cầu này gây mất thẩm mỹ. Theo tôi thì chúng rất đẹp. Tôi nghĩ nên xây nhiều cầu vượt như này là đúng. Xây như thế này vừa đỡ tắc đường, vừa làm đẹp thành phố”, anh Tâm nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Hồng Minh (23 tuổi, chủ cửa hàng thời trang tại ngã tư Thái Hà – Tây Sơn) cho biết ý kiến: “Cây cầu vượt này ở phía trước mặt cửa hàng tôi nên nhìn cũng hơi vướng. Tôi thấy nó được thiết kế đơn giản quá, chưa có gì đặc sắc và đẹp mắt cả. Lan can cầu trông mỏng manh thế kia, không may có xe nào đâm phải rồi lao xuống đường thì nguy hiểm lắm”.
Không giảm ùn tắc quanh khu vực cầu vượt
Là người trực tiếp tham gia giao thông và chịu tác động từ các cây cầu vượt trên, nhiều người dân khẳng định cầu vượt nhẹ đã “bắt đúng mạch” và cải thiện được tình trạng ùn tắc lâu nay. Hầu hết những người dân được hỏi thể hiện sự đồng tình với phương án xây dựng cầu vượt nhẹ tại các “điểm nóng” về giao thông trên địa bàn thành phố.
Ông Đặng Thành Lẵng (61 tuổi, ở Thái Thịnh – Đống Đa) cho biết: “Tôi thường xuyên đi tập thể dục tại vườn hoa Đại học Thủy Lợi vào những buổi chiều tối, giờ tan tầm của các cơ quan làm việc, trường học. Trước đây, khi chưa có cây cầu, các phương tiện tham gia giao thông lấn chiếm hết cả vỉa hè, làm ảnh hưởng đến người đi bộ và những người tập thể dục. Xe cộ nhảy cả lên vườn hoa để đi, người đi bộ, tập thể dục bị hạn chế rất nhiều. Từ khi có cây cầu hết ùn tắc ngay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng không còn”.
Nhiều người dân cho rằng, hiệu quả giảm ùn tắc giao thông của cầu vượt nhẹ là quan trọng nhất. Ảnh: Ngân Phượng.
“Những cây cầu vượt nhẹ xấu hay đẹp không quan trọng bằng việc giải quyết được vấn đề trước mắt là giảm ùn tắc giao thông”, ông Lẵng khẳng định.
Cùng quan điểm trên, bà Hoàng Thị Vinh (62 tuổi, ở Khương Thượng – Đống Đa) cho rằng: “Việc xây cây cầu này là hoàn toàn hợp lý để giải quyết ùn tắc giao thông trước mắt. Ngày nào tôi cũng đi qua đây, xây dựng được cây cầu này đỡ khổ rất nhiều cho người dân. Từ khi có cây cầu, giao thông thông thoáng hẳn, Trước kia, khi chưa có cầu, ùn tắc ghê lắm. Xe máy, ô tô xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ từ cuối đường Chùa Bộc đến ngã tư, đặc biệt là vào những giờ cao điểm. Là một người dân sinh sống ở khu vực này, tôi nhất trí với việc xây dựng cầu vượt nhẹ và nên duy trì càng lâu càng tốt”.
“Tôi thường xuyên đi làm qua cầu vượt nhẹ Thái Hà – Láng Hạ. Trước đây, khi chưa có cầu, vào buổi trưa, tôi phải chờ đợi đèn đỏ rất lâu dưới cái nắng như thiêu đốt để đi qua ngã tư. Hôm nào tắc đường thì không còn gì khổ bằng. Bây giờ thì tôi có thể phóng thẳng lên cầu để qua ngã tư mà không phải dừng đèn đỏ dưới trời nắng nữa”, chị Khúc Thị Vân Anh (26 tuổi, ở Yên Hòa – Cầu Giấy) chia sẻ.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tình trạng giao thông tại các ngã tư gần khu vực có cầu vượt nhẹ chưa có nhiều thay đổi so với trước đó. Cầu vượt nhẹ mới chỉ giảm ùn tắc cho hai ngã tư chúng bắc qua.
Thực tế cho thấy, dù đã chứng minh được hiệu quả giảm ùn tắc giao thông nhưng vẫn còn những ý kiến chưa hoàn toàn đồng tình với chủ trương xây dựng thêm nhiều cầu vượt nhẹ tại Hà Nội và TP HCM. Các ý kiến của người dân, những người trực tiếp tham gia và chịu tác động từ thực trạng giao thông hiện nay, sẽ là đóng góp quan trọng giúp cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp cải thiện giao thông có hiệu quả hơn nữa.
Thủy Ngân – Đinh Phượng – Theo Báo xây dựng