Dự báo năm 2050, mực nước biển sẽ dâng thêm 30cm so với hiện tại. Mô hình nhà ở thích ứng với mực nước biển dâng và bão, gọi nôm là nhà kiểu “Sơn tinh – Thủy tinh” đang được nhiều địa phương quan tâm. Cà Mau là một trong những địa phương đang nhân rộng mô hình nhà sàn thích ứng với nước biển dâng. Cuộc thi Ngôi nhà đa mục tiêu chống biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, với tổng số giải thưởng lên đến 75 triệu đồng.
Nhà Cộng đồng thôn Suối Rè, Lương Sơn (Hòa Bình) vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, vừa là nơi trú bão an toàn cho người dân địa phương
“Thông minh với khí hậu”
BĐKH đang là mối đe doạ môi trường lớn nhất đối với toàn nhân loại. Chịu tác động trực tiếp của BĐKH, song lĩnh vực xây dựng có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH thông qua các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng của bản thân các công trình. Việc cải tạo và xây dựng mới những ngôi nhà, chung cư, khu đô thị… theo hướng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường có ý nghĩa thiết thực và lâu dài với chúng ta hiện nay và trong tương lai. Đây là một trong các giải pháp nhằm làm giảm thiểu tình trạng trái đất ngày một nóng lên. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc xanh vẫn còn là thiểu số. Tư duy thiết kế bền vững, ứng phó với BĐKH chưa hình thành và phổ biến.
Cuối năm trước khi phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với BĐKH”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, việc lồng ghép mục tiêu chống BĐKH vào thiết kế chung cư, toà nhà, công sở, nhà nông thôn… cần có cách tiếp cận là xây dựng những tiêu chuẩn, kế thừa kiến thức truyền thống nhằm đáp ứng được đa mục tiêu, đó là an toàn và sử dụng năng lượng tiết kiệm, vật liệu hiệu quả.
Ngày 7-6 vừa qua, tại hội thảo “Cải thiện khí hậu và ứng phó thiên tai thông qua liên kết bảo trợ xã hội, quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH” (Trung tâm Thông tin Phát triển Việt Nam (VDIC) phối hợp với nhóm Quản lý Rủi ro Thiên tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương tổ chức), một chuyên gia trong lĩnh vực rủi ro thiên tai ở Ethiopia chia sẻ, cần thúc đẩy thị trường, hỗ trợ giúp đỡ người dân như vận động từng hộ dân, từng gia đình lao động công ích, trồng cây xanh để tăng cường phủ xanh, tăng mực nước ngầm, bảo vệ môi trường, tiếp cận phòng ngừa để ngăn chặn thiên tai từ gốc, chứ không đợi thiên thai xảy ra mới ứng phó và khắc phục hậu quả… Ethiopia có sáng kiến mới mang tên “thông minh với khí hậu”, nhằm tìm kiếm các nguồn vốn của các nhà tài trợ để triển khai các chương trình tương tự với quy mô rộng hơn nhằm giảm thiểu tối đa các thảm họa do thiên tai gây ra.
Cà Mau nhân rộng mô hình nhà sàn thích ứng với nước biển dâng
2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng. Hiện có trên 3.000 hộ dân ở đây đang sinh sống ven sông, ven biển, thường xuyên phải đối mặt với triều cường. Cất nhà sàn để ở là cách tốt nhất để sống chung với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đó.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) cho biết: Mô hình nhà sàn ở ven sông, ven biển thích ứng kịp thời với BĐKH và nước biển dâng là mô hình không chỉ phù hợp với điều kiện thiên nhiên, mà còn phù hợp với điều kiện kinh tế eo hẹp của người dân Ngọc Hiển.
Sau 3 năm thử nghiệm, ở 2 huyện trên có hơn 600 căn nhà được cất mới theo hình thức nhà sàn. Đây là nhà được cất cao, cách mặt đất từ 1 – 1,5 m làm bằng cây gỗ đước, ít tốn kém. Sống trong nhà sàn trên cao nên tránh được ẩm thấp của nước mặn ven biển, đặc biệt là khi nước triều cường lên cao nhà không bị ngập nước. Ngoài ra, ở nhà sàn không cần phải trang bị bàn ghế, giường ngủ. Chi phí cất 1 căn nhà sàn từ 1-2 triệu đồng phù hợp với túi tiền của người nghèo, giá trị sử dụng 10 năm trở lên. Nhà sàn đủ sức chống chọi với nước biển dâng cao 1 m nhưng lại không chịu đựng được bão có gió mạnh, dông và gió giật. Chủ trương của chính quyền địa phương là khuyến khích người dân cất nhà sàn cách xa cửa biển, sông lớn. Khi có bão phải di tản ngay về những nơi trú ẩn an toàn.
Hiện nay, một số mô hình nhà ở điển hình có khả năng thích ứng với nước biển dâng và bão đã được các nhà khoa học đưa ra, như mô hình nhà sàn, nhà nổi, nhà văn hóa cộng đồng… Vấn đề là nhà “Sơn tinh – thủy tinh” phải vừa thích hợp với sở thích của người dân, vừa có khả năng thích ứng với BĐKH, có khả năng nhân rộng ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và bão.
Thanh Như – Theo Đại đoàn kết