Chúng ta đã thấy sự phá sản văn hóa, hay nói mỹ miều hơn là chuyển đổi văn hóa diễn ra ở Huế, Hội An, Hà Nội, Phố Hiến (Hưng Yên) trong đó người dân không giữ nổi lòng tự hào về ngôi nhà truyền thống. Những ngôi nhà cổ biến đổi tuy chậm nhưng dần dần và bị chèn vào bởi những ngôi nhà mới, cao tầng.
Ông Nguyễn Huy Chưởng, người Cựu chiến binh đầy tâm huyết trong căn nhà cổ có thâm niên hơn 200 năm tuổi của gia đình tại thôn Đông Sàn, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Từ đó chúng ta đã có được nhiều bài học về bảo tồn. Có thể đưa ra ví dụ như: cảnh quan chùa Kim Liên khi các khách sạn biến nó thành một bao diêm nhàm chán. Chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Keo… được khai thác cạn kiệt theo lối chợ làng. Đặc biệt hơn khi về thành nhà Mạc (Tuyên Quang), thành cổ nay đã được “tu bổ” mà theo người dân địa phương cho biết nó giống như cái lò gạch. Về thăm thành cổ Sơn Tây cũng vậy, những nét tích xưa bị thay bằng nối kiến trúc pha tạp… Lý do cũng đơn giản là vì bản chất những cuộc tu bổ hay sửa chữa đó là do thiếu hiểu biết về văn hóa. Và hệ lụy dẫn đến là phá tan tính chân thực lịch sử của văn hóa truyền thống.
Nói như vậy để thấy rằng, bảo tồn một ngôi nhà cổ, một ngôi chùa đã khó, với một quần thể như phố cổ, làng cổ càng khó khăn hơn gấp cả trăm lần. Việc bảo tồn ấy phải gắn liền với rất nhiều giải pháp cụ thể và có tính chiến lược: mật độ dân số được duy trì ở mức phù hợp, nếu tăng thì phải giãn dân; tổ chức các tour du lịch nhằm tăng thu nhập do du lịch văn hóa; xây sẵn một khu tương tự cho người dân chuyển đổi và Nhà nước giữ lại nhà cũ; có quy định, chính sách bảo trợ ngành nghề truyền thống (nghề thủ công, làm ruộng), cho đến khi tự cân bằng được thu nhập; người dân được sống trong khu được bảo tồn phải cam đoan giữ lối sống cũ, nếu muốn thay đổi buộc phải ra khu mới; không phát triển dịch vụ sinh hoạt cho du khách trong điểm bảo tồn… Như vậy quy hoạch làng cổ, phố cổ là bước quan trọng, trong đó khu vực được quy hoạch bao gồm cả ruộng canh tác chứ không nhất thiết chỉ là ngôi làng trong lũy tre. Ở tất cả khu định cư cổ nằm trong diện bảo tồn (ở những nước phát triển) bao giờ người ta cũng xây một khu mới nhằm giải quyết các vấn đề dân sinh tất yếu và du lịch. Vậy phải bảo tồn tính chân thực của những giá trị truyền thống ấy như thế nào cho hợp lý. Bởi vì di sản chứa đựng trong mình những giá trị của truyền thống, của lịch sử văn hóa, đồng thời là những nơi mà con người đang sinh sống. Đây chính là tính hai mặt của một vấn đề. Nhưng không có nghĩa bảo tồn kìm hãm sự phát triển, hay ngược lại phát triển là xóa bỏ hay phủ định cái cũ. Cho nên chí ít phải đặt vấn đề bảo tồn song hành cùng phát triển chứ không thể lấy cái nọ đối chọi với cái kia. Phải lấy công tác cải tạo thích ứng làm cầu nối giữa cái gọi là bảo tồn và phát triển.
Mặt khác nên chăng cũng phải có một sự phân định rõ ràng, các cấu trúc phố cổ, làng cổ cần phải được xem là di sản đô thị hay di sản kiến trúc nông thôn. Vì khái niệm này bao quát hơn, “mềm” hơn, gồm cả những di tích, những thành phần kiến trúc cũ và mới đang phục vụ cuộc sống hôm nay, là “cơ thể” đang phát triển…
Đức Hiệp – Theo Đại đoàn kết