“Ở đây, có đi mỏi chân anh cũng không tìm được điểm vui chơi dành riêng cho thiếu nhi đâu, mà chỉ có một vườn hoa nhỏ dành cho tất cả mọi người sống ở KĐT này thôi. Cứ chiều đến, nhiều bậc phụ huynh dắt theo con nhỏ ra đó ngồi hóng mát, gọi là có chút không gian công cộng cho người khuây khoả” – chị Nguyễn Thuý Anh, 33 tuổi, sống ở KĐTM Trung Hòa – Nhân Chính nhắn nhủ chúng tôi.

trang9

Cả KĐTM Trung Hoà – Nhân Chính, chỉ duy nhất có một vườn hoa nhỏ là điểm vui chơi công cộng dành chung cho mọi lứa tuổi hóng mát.

Chơi trong… siêu thị

Về sống ở KĐTM Trung Hòa – Nhân Chính đã 7 năm nay, con gái lớn đã lên 5 tuổi, nhưng chưa năm nào chị Anh thấy thuận lợi khi đưa con gái đi đến những điểm sinh hoạt, vui chơi công cộng tại KĐT này. Năm trước, gần khu chị ở, có một điểm sinh hoạt vui chơi dành riêng cho thiếu nhi, do tư nhân bỏ tiền thành lập. Giá vé ban đầu là 20 nghìn đ/em/lượt, sau đó nâng lên thành 30 nghìn đ/em/lượt, song vẫn rất đông phụ huynh đưa con em đến vui chơi. Song mấy tháng nay, chủ cho thuê đã lấy lại mặt bằng đó và dùng để kinh doanh loại hình khác. Điểm vui chơi cho thiếu nhi KĐTM Trung Hòa – Nhân Chính đã thiếu, nay càng vắng hơn.

“Các cháu không điểm vui chơi nên các gia đình khu nhà tôi đã họp nhau rồi đóng góp tiền mặt, trên tinh thần tự nguyện, mua một số đồ chơi, con giống nhựa về đặt ở trước dãy nhà để cho các cháu có chỗ hoạt động, chạy nhảy hay đùa nghịch” – chị Anh nói. Khi được hỏi về dự định đưa 2 con gái đi chơi ở đâu nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, người mẹ trẻ thân thiện cho biết: “Vợ chồng tôi sẽ đưa con đi chơi ở siêu thị. Ở đó vừa tránh nắng cho các cháu vừa ít vấp phải cảnh xô bồ, bon chen ở các điểm vui chơi ở ngoài trời mà theo tôi, ngày ấy chắc sẽ rất đông”.

Có mặt tại khuôn viên vườn hoa KĐTM Trung Hoà – Nhân Chính lúc 5h chiều 27/5, chúng tôi gặp nhiều phụ huynh đưa con nhỏ ra công viên vui chơi. Vì là vườn hoa công cộng, chỉ có ghế đá và cây xanh, tuyệt nhiên không có một phương tiện, dụng cụ hay đồ chơi chuyên dụng gì dành cho trẻ em. Nên những gì các em có thể chơi được ở đây chỉ là đi bộ hoặc đi xe đạp, ôtô nhựa do gia đình tự trang bị và mang đi theo. Tiếng cười tuy thỉnh thoảng có hiển hiện trên những đôi môi thơ ngây, song sự hào hứng, hăng say của trẻ thời lên 5 lên 3 với các trò chơi, con vật… là hoàn toàn không có.

Ông Lê Văn Cường, 75 tuổi, người thường xuyên ra vườn hoa hóng mát, bộc trực: “Các cháu làm báo, cứ đi thực tế như thế này thì sẽ biết, giờ đất quý như vàng, chỗ nào trống thì ôtô, xe máy đã xếp gửi gần kín rồi, thì hỏi còn đâu ra chỗ dành cho con trẻ chơi. Có lẽ, Nhà nước cần phải quy định chặt chẽ hơn nữa ở những KĐTM như thế này, những điểm vui chơi dành riêng cho các cháu hoạt động, phát triển thể chất cũng như tinh thần. Vì những nơi như thế này, số lượng trẻ em rất đông”.

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho thiếu nhi

546784

Không riêng gì KĐTM Trung Hoà – Nhân Chính, mà tình trạng thiếu điểm vui chơi cho trẻ em là khá phổ biến ở nhiều KĐT khác ở Hà Nội như khu Nam Trung Yên hay Mỹ Đình… Theo TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì, nguyên nhân của việc thiếu vắng sân chơi cho trẻ em tại các KĐT một phần là do chúng ta thiếu quy định chặt chẽ trong quá trình nghiệm thu: “Quy định hiện nay, tại các dự án, chúng ta chỉ tổ chức nghiệm thu cái nhà chứ không ai quy định nghiệm thu cả khu nhà, KĐT. Do vậy, việc xây dựng các KĐTM, mặc dù quy định bắt buộc phải có công viên cây xanh, có khuôn viên vui chơi giải trí, nhưng thực tế thì tình trạng thiếu điểm vui chơi công cộng vẫn phổ biến ở nhiều đô thị hiện nay”.

Tại Hà Nội, cứ đến dịp lễ tết, phụ huynh lại quen thuộc với lựa chọn đưa con cháu đến với các địa điểm nằm trong “menu” từ hàng chục năm nay như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất… dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm vui chơi này. Sự quá tải kinh niên ở những điểm giải trí công cộng này khiến không ít bà mẹ, ông bố phát sinh tâm lý ngại khi đưa con em đến đây vui chơi. Hoặc do thiếu địa điểm thay thế, hoặc vì bố mẹ không điều kiện đưa con nhỏ đi chơi xa, nên nhiều em đành phải đá bóng, đánh cầu ở các đường phố gần nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đáng tiếc.

“Trước đây, Hà Nội từng hạ quyết tâm xây dựng mới nhiều điểm vui chơi công cộng dành cho thiếu nhi, tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn rất khiêm tốn. Quyết tâm của Hà Nội tuy có, nhưng giải pháp để thực hiện nó thì còn rất nhiều điều đáng bàn” – TS Liêm cho biết. Những khẩu hiệu: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” hay “Chúng ta hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ”... đã có từ lâu, nhưng đến nay, dường như khi đi vào thực tiễn, nó vẫn rất nhạt nhoà. Đến những KĐTM, cuộc sống mới, nhưng nhìn cảnh các em nhỏ chỉ có thể đi bộ và ngồi ghế đá công viên, liệu chăng người lớn như chúng ta có tự tin nói rằng chúng ta đã, đang dành những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ măng non của đất nước hay chưa?

Trần Đình Hà – Theo Báo xây dựng

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

chungcucu caitao head
Quy chế thí điểm xây dựng cải tạo các khu nhà chung cư cũ tại Hà Nội

Sự đồng hành giữa lợi ích của Nhà nước, thành phố, DN và người dân, trong đó lấy lợi ích Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more