Kienviet.net – Nhiều năm nay, từ khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và chuyển sang nền kinh tế thị trường, thì một bộ phận người dân trở nên giầu có. Rất nhiều người sở hữu những khu biệt thự vườn rộng hàng ngàn, hàng chục ngàn m2 có giá trị vài trăm tỷ đồng. Khi có tiền và rất nhiều tiền, thì việc đầu tư để tạo dựng cho mình một chỗ ở tiện nghi, thoải mái để hưởng thụ không có gì lạ.
Ảnh minh họa – Tạp chí nhà đẹp
Thế nhưng không biết tự lúc nào, các đại gia khi xây những ngôi nhà bạc tỷ đã đua nhau bỏ tiền của để đem về trồng trong khuôn viên nhà mình những cây cảnh quý và đặc biệt là các cây cổ thụ. Nếu như vào thập niên 90, việc trồng vài cây cau vua trước cửa nhà ai đó vừa xây dựng, đã có thể được người qua đường trầm trồ, ngưỡng mộ, thì chỉ sau mươi năm, loại cây này đã trở nên lỗi thời, thậm chí chẳng mấy nhà giầu nào ngó ngàng. Bây giờ, vườn nhà các đại gia phải là cây cổ thụ có tuổi hàng trăm năm, hoặc ít thì cũng vài chục năm. Những cây này chắc chắn không phải mua ở các công ty cây xanh, các nhà vườn chuyên cung cấp cây thế, cây cảnh, mà nó được thu mua từ các đầu nậu, lâm tặc chuyên chở từ tít trên miền ngược trong những cánh rừng đại ngàn heo hút hiểm trở. Nhà càng có nhiều cây cổ thụ, nhất là loại cây quý như sưa chẳng hạn thì chủ nhân của nó càng được vì nể.
Mộc góc vườn nhà Bí thư tỉnh ủy Hải Dương – Ảnh Vnexpress
Mới vài hôm nay thôi, khu nhà vườn rộng hơn 4 ngàn mét vuông ở xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang của con trai ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương với nhiều cây cổ thụ hơn trăm tuổi, có giá trị vài trăm tỷ đồng đang làm dư luận xôn xao. Nhiều báo, nhất là báo điện tử đều đăng bài viết kèm theo rất nhiều ảnh chụp các cây cổ thụ mà người ta cho là cây sưa và đá cảnh trong khu vườn còn đang xây dựng dở dang này. Khoan hãy nói đến tính pháp lý của khu vườn vốn là đất trồng lúa được mua gom của 5 hộ dân nghèo với giá gần 850 triệu đồng, hay chuyện chủ nhân của nó là một trưởng phòng của tỉnh, tuổi còn rất trẻ, lương công chức chưa quá 4-5 triệu đồng một tháng thì lấy đâu ra nguồn tiền khổng lồ để đầu tư cho cái tư gia khủng của mình, mà vấn đề ở đây, là những cái cây cổ thụ quý kia. Chúng ta đang làm hết sức để bảo vệ rừng, cấm chặt phá rừng bừa bãi, bởi đó không chỉ là nguồn lợi quốc gia mà còn là tấm lá chắn xanh của thiên nhiên bảo vệ cuộc sống của toàn xã hội. Nhưng dường như mọi cố gắng của các cấp, các ngành, thậm chí phải trả bằng máu của hàng trăm chiến sỹ kiểm lâm cũng không ngăn chặt được nạn phá rừng, đặc biệt là việc khai thác các cây cổ thụ quý. Cái lối sống vương giả học đòi của một lớp người giầu bất thường đã và đang góp phần làm chảy máu rừng ngày một nhiều thêm. Chúng ta đang kêu gọi một nền kiến trúc xanh, nhưng không phải là bằng mọi giá kể cả bất chấp pháp luật, mang cổ thụ trên rừng về trồng trong vườn nhà, trong khu đô thị… để trở thành công trình xanh, khu đô thị xanh, khu đô thị sinh thái?! Chúng ta khuyến khích mọi người trồng cây xanh để lấy bóng mát cho ngôi nhà, cho mỗi con đường và cho thành phố, để nơi trú ngụ của chúng ta được trong lành, môi trường sống được cải thiện và bền vững cho mai sau.
Một góc của khu đô thị sinh thái – Ảnh minh họa
Chuyện khu vườn có rất nhiều cây cổ thụ quý trị giá hàng trăm tỷ đồng của con trai ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kia không phải là hiện tượng hiếm lạ, mà nó đã trở thành trào lưu trong giới nhiều tiền lắm của cách đây vài mươi năm rồi. Chỉ có điều, hậu quả mà nó gây ra, những người có trách nhiệm không biết, hay cố tình không biết mà thôi./.
KTS Phạm Thanh Tùng