Yokohama là TP quản lý đô thị tốt nhất Nhật Bản và là một trong 11 TP tương lai được chọn để xây dựng thành nơi “mọi người muốn sống” và “mọi người đều khỏe mạnh”. Năm 2011, TP này đã giành giải thưởng TP thông minh trên thế giới. Yokohama đang hướng đến mục tiêu trở thành một TP toàn cầu có kinh nghiệm tốt nhất về phát triển đô thị. Ông Hashimoto – Trưởng ban Hợp tác kỹ thuật TP Yokohama đã có cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh công tác quy hoạch và quản lý đô thị ở Việt Nam và Nhật Bản:
Trong quá trình đô thị hóa, Yokohama có gặp phải những thách thức giống như ở Việt Namkhông, thưa ông?
– Có chứ! Chỉ riêng từ năm 1960 – 1980, dân số Yokohama đã tăng từ 1,37 lên 2,77 triệu người. Kéo theo đó là tình trạng thiếu nhà ở và phát triển không kiểm soát. Hạ tầng xã hội như trường học, đường sá và thoát nước phát triển không tương xứng. Các vấn đề về môi trường, sử dụng đất công nghiệp xen lẫn khu vực dân cư khá phổ biến. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm không khí và nước, kẹt xe… Chúng tôi đã phải từng bước vượt qua thử thách trong công tác quy hoạch bằng những cách làm sáng tạo, cởi mở, cầu tiến với những phương pháp độc đáo.
Cụ thể TP đã được quy hoạch như thế nào?
– Chúng tôi quy hoạch 6 dự án chính của TP bao gồm: Cải thiện chức năng của các khu trung tâm TP, xây dựng hệ thống đường cao tốc, phát triển KĐTM, xây dựng cầu qua vịnh, lấn biển và xây dựng hệ thống đường sắt. TP khuyến khích phát triển các ý tưởng về TP thông minh, sáng kiến bảo vệ môi trường; yêu cầu các chủ đất ký “cam kết cơ bản phát triển đô thị” thực hiện các quy tắc cơ bản dành cho tòa nhà. Ngoài ra, một số nội dung trong cam kết mang tính pháp lý cao, được xem như quy hoạch vùng và thực hiện theo luật quy hoạch của TP…
Tại Việt Nam, các đô thị ít khi phát triển mới mà thường phát triển trên các đô thị cải tạo, vì vậy hay liên quan đến lợi ích của chủ đầu tư, cộng đồng, người dân… Vậy theo ông làm thế nào để có thể hài hòa được lợi ích của các bên?
– Quyền lợi của chủ đầu tư và người dân bao giờ cũng có sự khác biệt. Sự phát triển của khu vực tư nhân thường quá nhanh, đôi khi chính quyền không theo kịp. Chẳng hạn như chủ đầu tư xây nhà để bán nhưng không xây trường vì cho đó là việc của chính quyền. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tạo ra được sự hài hòa lợi ích giữa các bên.
TP Yokohama đã lập ra một Ban Quy hoạch và ra sắc lệnh chủ đầu tư phải dành đất để xây trường. Lúc đầu DN không đồng ý vì luật không quy định như vậy. Nhưng lâu dài việc không xây trường sẽ phá vỡ quy hoạch của địa phương. Chủ đầu tư xây nhà không xây trường sẽ khó bán, giá rẻ vì trẻ không có chỗ học, ít người mua. Chúng tôi cũng khuyến khích triển khai các sáng kiến cụ thể chứ không máy móc theo luật.
Ví dụ ở Tokyocó rất nhiều đường cao tốc trong TP nhưng ở Yokohamađường cao tốc lại nằm dưới đất. Chúng tôi đã phải thuyết phục chính quyền Trung ương cho phép xây dựng đường cao tốc trong lòng đất để không cản trở tầm nhìn và ô nhiễm môi trường. Sau này ý kiến của chúng tôi đã được chuẩn hóa thành quan điểm của Trung ương.
TP Yokohama đã làm thế nào để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vốn đang là một vấn đề cấp bách của các đô thị Việt Nam hiện nay?
– TP đã lên kế hoạch Yokohama G30: “Vận động người dân giảm thiểu 30% chất thải”. Chỉ trong hai năm, chúng tôi đã tổ chức 11 nghìn lần giải thích phân loại rác thải cho người dân, tuyên truyền 600 lần trước nhà ga, hướng dẫn tại các điểm thu gom hơn 3.300 lần… Nhờ vậy đã hủy bỏ được 3 trong 7 nhà máy tiêu hủy chất thải rắn, tăng thêm thời hạn sử dụng của các bãi chôn lấp, giảm lượng khí thải khoảng 40%… ô nhiễm môi trường đã giảm đáng kể.
Tại một số TP lớn của Việt Nam, tình trạng kẹt xe đã đến mức nghiêm trọng. Đường phố từ chỗ xe đạp, xe máy là chính giờ có rất nhiều ôtô trong khi đường sá vẫn thế. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của TP Yokohama về vấn đề này?
– Quy hoạch giao thông phải gắn kết với phát triển đô thị. Đặc biệt giao thông công cộng phải được nghĩ đến đầu tiên. Phát triển TP mới phải dành đất cho giao thông công cộng. Nếu càng xây thêm đường thì sẽ càng có nhiều ôtô. Xây một khu dân cư mới cũng phải có đường sắt, xe buýt… Vì vậy, chúng ta nên đưa ý tưởng mới vào ngay cả một khu dân cư cũ.
Xin cảm ơn ông!
Vân Anh – Theo Báo xây dựng