Kienviet.net – “Điểm sáng trong loại hình kiến trúc công sở Hà Nội đó là mang dấu ấn của giai đoạn hình thành mà không mang theo chân dung những cá nhân quyết định khai sinh ra nó. Đó là những công trình công sở phong cách châu Âu đầu thế kỉ XX (Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GTVT, Thư viện Quốc gia…)”
Thủ đô Hà Nội và những trụ sở làm việc cũ kỹ Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên có nhiều trụ sở của trung ương và của Thành phố, theo tin trên báo thì có 9 trụ sở các bộ, ngành có chủ trương di dời (chưa đủ vì danh sách còn bỏ lửng), chưa kể vài công sở có mới rồi nhưng nơi cũ vẫn giữ nguyên. Có điểm chung là khi tiếp quản Hà Nội (1954). Các bộ ngành của nước ta bố trí vào các trụ sở các Nha- Sở xây dựng trước đó. Bộ Ngoại giao (số 1 Tôn Thất Đàm) là Nha Tài chính; Bộ GTVT (80 Trần Hưng Đạo) là Công ty Hỏa xa Vân Nam; Tổng cục Cảnh sát (40 Hàng Bài) là doanh trại Bảo an; Bộ Nông nghiệp và PTNT (số 2 Ngọc Hà) là cơ sở Nha Nông lâm… Công sở này vốn thưa vắng nhân viên, hoạt động gọn nhẹ. Nay nhân viên nhiều, phòng ban lắm nên các khoảng trống khuôn viên đã xen cấy đủ kiểu, cơi nới nâng tầng, có nơi đập bỏ từng phần hay toàn bộ làm lại mà vẫn bí bách, chật chội… ấy là nói 4 cái trụ sở cũ.
Xây những năm 1960 là Bộ Xây dựng (37 Lê Đại Hành), Bộ Nội vụ (37 Nguyễn Bỉnh Khiêm)… Nhưng 3 cái mới toàn bộ, cải tạo lớn vào những năm 1980 là Thanh tra Chính phủ (220 Đội Cấn), Bộ Tài nguyên môi trường (83 Nguyễn Chí Thanh). Riêng trụ sở Bộ Công an (44 Yết Kiêu) khi khánh thành Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô thì Bộ Công an (có mật danh 66A) vẫn đang hoàn thiện… ấy là nói 5 cái trụ sở mới. Tất cả các trụ sở cơ quan của Hà Nội giống nhau ở chỗ rất hay cơi nới, sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang… giống như quy hoạch Hà Nội thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, nhanh thì vài năm, chậm thì mươi năm một lần . Ấy là nhu cầu luôn vượt khỏi những gì đang có, nên có cơ hội là lăm le đập bỏ để thay bằng cái khác. Bé như cái phòng làm việc, lớn hơn là trụ sở, to như cả thành phố, nhịp điệu đập cũ làm mới chưa có dấu hiệu dừng lại… Có điều chưa chắc chắn là cái mới hay hơn cái cũ. Theo dõi bình luận của giới chuyên môn thì vô số những yếu kém trong các trụ sở mới xây và cải tạo lớn, trong khi chưa có một thành công nào thuộc thể loại này được ghi nhận. Đặc tính này có gợi ý cho các vị đứng đầu các cơ quan: trong nhiệm kỳ công tác của mình tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, thay vì loạy hoay sa lầy vào việc xây dựng cải tạo trụ sở… cái công việc tốn kém nhiều tâm trí, thời gian mà hầu hết không để lại ấn tượng hay ho. Điểm sáng trong loại hình kiến trúc công sở Hà Nội đó là mang dấu ấn của giai đoạn hình thành mà không mang theo chân dung những cá nhân quyết định khai sinh ra nó. Đó là những công trình công sở phong cách châu Âu đầu thế kỉ XX (Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GTVT, Thư viện Quốc gia…) ; Cấu trúc phương Tây kết hợp với hình thức phương Đông và điều kiện địa phương – còn gọi là phong cách Á Đông (Bộ Ngoại giao, Đại học Dược, Viện Vệ sinh dịch tễ, Bảo tàng Lịch sử…). Kiến trúc hiện đại nửa đầu thế kỉ XX (Bộ KH-CN, Bộ Công thương…). Những công sở mới xây sau tiếp quản Hà Nội (Bộ Xây dựng, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT, Sở Xây dựng Hà Nội, Đại học Thủy lợi…). Những công trình kiến trúc hiện đại sau 1975 (Viện Công nghệ thông tin, Trung tâm âm thanh Đài tiếng nói VN – phần KTS. Tạ Xuân Vạn thiết kế, Cung thiếu nhi HN…). Những công trình công sở không chỉ đóng góp vào vẻ đẹp của sự đa dạng, duyên dáng của Hà Nội mà còn là mốc giới lịch sử kiến trúc thành phố. Không biết trong chiến dịch di dời, các vị có trách nhiệm có lưu tâm đến giá trị có thật đang hiện hữu này không hay chỉ coi nó là những khu đất có thể quy ra vàng, sẵn sàng đập bỏ để thay vào đó cái gì đó mà bây giờ xã hội vẫn chưa tỏ tường? Mở rộng Hà Nội và lý do của các cuộc di dời. Nhiều cư dân Hà Nội đã quen với chuyện di dời. Trước năm 1930, Hà Nội đã có kế hoạch di dời các bệnh viện bên đường Tràng Thi (nay là BV Việt Đức, Viện C, Viện K…) xuống BV Bạch Mai, gom các trường đại học, khu ký túc xá sinh viên xuống khu Việt Nam học xá (nay là toàn bộ phường Bách Khoa). Những năm chiến tranh thì rời thành phố về các miền quê sơ tán tránh bom rơi đạn nổ. Hòa bình về thì nghe bóng gió quy hoạch thành phố mới, lúc thì Vĩnh Yên, khi thì Xuân Hòa, Xuân Mai. Thời bao cấp thì mong rời khỏi căn nhà cấp 4 để leo lên nhà tầng lắp ghép. Thời mở cửa thì thấp thỏm di dời để dành cho mở đường mới, khu công nghiệp, đô thị mới mọc lên. Chuyện di dời các nhà máy ô nhiễm nghe đã lâu, những tưởng nhà máy ra thì thay vào là trường học, công viên công cộng… ai ngờ nhoằng một cái lại là siêu thị, văn phòng với căn hộ nhà giàu. Mấy nơi ruộng lúa di dời để dành nơi xác định rõ là công viên thì lại là cây xanh, thảm cỏ tư viên sân golf, hay hồ cảnh khách sạn tư nhân…

Gần đây lại rộn ràng cuộc di dời trụ sở, những tưởng chuyện này quy hoạch mở rộng Thủ đô đã tính đến, ai ngờ vẫn loay hoay câu hỏi “Đất vàng” Thủ đô sẽ vào tay ai?”. Ai cũng biết quy hoạch là công cụ điều chỉnh lợi hại của nhà nước nhằm “… Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.” (Luật QH ĐT). Theo dõi bàn thảo thì nổi lên hai ý kiến đáng quý. Một là của KTS. Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: “Từ nay tôi không bao giờ đặt bút ký cho bất cứ một khu chung cư nào xây trên vị trí cũ của các trường đại học, bệnh viện, trụ sở các bộ trong diện phải di dời”. Ông Thảo còn đề nghị TP xin mua lại đất trụ sở của các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành nhằm giữ đúng mục đích dành cho sinh hoạt công cộng, hình thức mua cũng từ vốn ngân sách, ghi thu, ghi chi, có vậy mới đạt được mục đích giảm ùn tắc. “Nếu để lấy tiền cho các bộ xây trụ sở mới thì buộc chúng ta phải bán diện tích trụ sở cũ cho tư nhân, như vậy mục đích di dời để giảm tải không đạt được”. Hai là của TS Phạm Sĩ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng là “… nên giao lại cho Thành phố Hà Nội vì nếu giao cho từng bộ, ngành tự xử lý trụ sở cũ – mới, sẽ sinh ra lộn xộn trong quy hoạch. Trụ sở các bộ là tài sản công chứ không phải của riêng bộ, các bộ có lúc tách hoặc sáp nhập song trụ sở vẫn là của Nhà nước…” Trao đổi với giới chuyên môn quy hoach, kiến trúc, các bạn cũng cho rằng nhân Hà Nội đang mời góp ý về quy hoạch phân khu đô thị thì đóng góp đầu tiên là các bản quy hoạch này làm rõ vị trí các công sở mới ở đâu, công sở cũ sẽ sử dụng như thế nào. Bản quy hoạch phân khu có giá trị sẽ là phương thuốc hữu hiệu chữa bệnh “đau đầu” các vị chủ trì di dời công sở tính toán chi li là nên bán cho các đại gia để nhà thấp hay cao tầng, chung cư hay siêu thị; bán đắt hay rẻ, bán vội hay bán từ từ…
KTS. Trần Huy Ánh