Là hoạ sĩ, nhà thiết kế nội thất, con đường đi tìm cái tôi của anh cũng chính là con đường đi tìm bản ngã của kiến trúc Việt, văn hoá Việt, làm mới nó trong vẻ đẹp quyến rũ mang tính công năng cao. Anh hiểu rằng, chỉ khi dám sống trong một không gian mang đường nét quá khứ, mới tạo ra nội thất kiến trúc đẹp và sang trọng.
Trong cuộc đời làm thiết kế nội thất của mình, anh từng mắc sai lầm rất “giống Tây”, để rồi cuối cùng mới dám… giống mình?
Công trình trung tâm thương mại ở Bờ Hồ, Hà Nội của tôi hồi đó dù được giải thưởng về kiến trúc nhưng chỉ là sự bắt chước kiến trúc Pháp cổ điển. Thực ra lúc đó, vẻ đẹp ấy chiếm hết con người mình. Sau đó tôi mới nhận ra nó thuộc về người khác, thế giới khác, đất nước khác. Mình chỉ mượn nó để tạo ra hưng phấn cho mình. Khoảng 1995, tôi được thiết kế một số nhà hàng cho Khải Silk và những cửa hàng ở đường Đồng Khởi – TP.HCM. Tôi muốn làm cái gì đó khác đi, mạnh dạn đưa kiến trúc Việt như cột kèo, gỗ vào trong công trình, và gây được sự chú ý với du khách phương Tây.
Ngôn ngữ bản địa sống dậy, tôi tìm cách làm sao cho đẹp hơn, đơn giản hơn, chỉ giữ lại cái tinh tuý, và không thiếu công năng cho cuộc sống hiện đại, đó là điều quyết định trong kiến trúc và trang trí nội thất. Tôi không phục cổ một cách hoàn toàn. Một ngôi nhà chỉ toàn những kiến trúc cổ kính cũ mèm phủ kín là một không gian chết, ai mà ở. Cuộc sống bây giờ khác xưa, đi lại khác, thời lượng giao tiếp ngắn, không gian sống cũng khác, phải dùng những lượng thông tin cô đọng, thâu tóm nhất về đường nét, không gian thoải mái rộng lớn, thoáng hơn, tầm nhìn xa hơn. Khi vẻ đẹp Việt Nam làm người khác tự hào, xúc động, không ai bảo ai cũng tự nguyện tìm tới, từ đó thành xu hướng thôi.
Theo anh, liệu đã thực sự có một phong cách thuần Việt trong thiết kế, kiến trúc?
Thực sự bản ngã kiến trúc Việt chưa được xác định rõ do ảnh hưởng của các trào lưu kiến trúc khác nhau. Trách nhiệm của người làm kiến trúc là làm mọi cách cho cái tôi cội nguồn được xác định rõ hơn, xuất hiện nhiều hơn để người Việt có thể tự hào. Nhìn về phương Đông, nếu không tinh tường, dễ nhầm lẫn tất cả đều là Trung Hoa. Nhưng thực ra cái gọi là Việt Nam, là Nam Á rất mạnh. Nhật Bản khác xa Trung Quốc, Việt Nam càng khác so với Trung Hoa. Trung Quốc là một nước lớn, họ phô diễn sự lớn của họ bằng những cửa, cột cao, những mái ngói cong vút lên trời. Những cánh cửa sau khi chạm trổ còn vẽ thêm màu sắc, thể hiện rõ ở những dầm, đà, đầu đao. Việt Nam cũng biết dùng kết cấu cột kèo, nhưng quá khứ đầy thăng trầm bởi bão lũ và chiến tranh liên miên nên mái nhà thường thấp, không phải vì ta thiếu gỗ, mà để ngôi nhà chở che nhiều hơn, yên ấm hơn. Tất cả những đường nét tinh khôi chạm vào gỗ thường để mộc, không sơn xanh đỏ. Sự chia nhỏ những bản ghép cũng không phải vì thiếu gỗ, mà để người thưởng ngoạn được đắm đuối vào chi tiết. Trở lại với vẻ đẹp thuần Việt đang trở thành một xu hướng rất mạnh, đánh thức mỹ cảm sâu xa của con người bởi sự thăng trầm của màu sắc ẩn hiện. Những màu tươi như đỏ cũng ẩn trong khoảng tối, không lồ lộ trong khoảng sáng như người Trung Hoa.
Theo anh, làm thế nào để tạo ra một không gian sống đẹp? Sai lầm lớn nhất trong thiết kế hiện nay là gì?
Công việc của người thiết kế là công việc hàng ngày của cuộc sống, không phải cái gì quá xa lạ. Không gian kiến trúc không chỉ để phô trương vẻ đẹp, nó phản ánh đời sống văn hoá của chủ nhân, tương xứng với không gian tâm lý từng người. Tôi đã thấy nhiều ngôi nhà đắt tiền, nhiều đồ thiết kế lộng lẫy nhưng không có đời sống. Không gian sống là bản thân tất cả các đồ vật phải sống, biết trò chuyện với mình, tương tác hoà hợp với mình, đến mức không nỡ bỏ đi một cái gì thì không gian ấy mới bền vững, mới khiến người ta không quên được, đi xa có khi chỉ nhớ một chỗ ngồi buổi sớm. Mình sống và đồ vật cũng sống, tất cả kích thích cho cuộc sống giá trị hơn, sống tốt hơn. Ngôi nhà phải vừa với mình, hợp với mình, là da thịt của mình, tạo cảm giác êm ái… Tất cả phải được tính tới khi xây dựng không gian kiến trúc nội thất cho từng người. Nhiều người mua những món đồ đắt tiền không phải để sử dụng mà để chinh phục nó, chinh phục sự thèm khát, thiếu thốn của mình, để người khác nhìn nó ngưỡng mộ. Người không tự tin trong cuộc sống mới phải mang rất nhiều hàng hiệu để tô điểm cho mình, cân đo mọi thứ bằng đồng tiền. Giàu như thế chưa chắc đã sang. Sự xa hoa đến trước rất dễ gây phản cảm, tới một lúc nào đó sẽ tạo ra lối sống thực dụng, làm cho ngôi nhà chỉ là chốn ăn chơi. Việc sử dụng đồ đạc phải cộng thêm kiến thức xã hội, văn hoá, không thể bỏ tiền mua đồ cổ, đắt tiền, mà coi đó là văn hoá.
Cái đẹp trước tiên là cái thiện, cái lành. Cái đẹp không có khuôn khổ, tất cả những gì đẹp phải gắn liền với cuộc sống, tương tác với con người, tương tác với tất cả những gì xung quanh nó, làm rung động trái tim. Tính cộng đồng trong không gian sống quan trọng vô cùng. Nếu một ngôi nhà bị ô nhiễm, tác động cả cộng đồng.
- Người không tự tin trong cuộc sống mới phải mang rất nhiều hàng hiệu để tô điểm cho mình, cân đo mọi thứ bằng đồng tiền. Giàu như thế chưa chắc đã sang.
Nghề thiết kế với anh dường như không có giới hạn. Sau series tám du thuyền cho Hạ Long, anh đang thiết kế du thuyền cho Huế?
Du khách đến Huế không thể chỉ cưỡi ngựa xem hoa. Cái nhịp sống chầm chậm, mưa dai dẳng, da diết, cái bếp lửa nồng nàn với ẩm thực tinh tế nếu không sống bên trong lòng của Huế làm sao thấm được? Người Huế không thích cái gì to lớn. Nho nhỏ, tinh tế, đó là văn hoá Huế. Tạo hình cho du thuyền Huế vì thế khác hẳn Hạ Long. Huế có một dòng sông thanh bình, hiền hoà, gần gũi, khiến con người không có cảm giác quá bé nhỏ trước thiên nhiên. Có thể chạm vào mặt nước, cảm nhận được đời sống đầm ấm của cư dân hai bên bờ sông Hương, với quá nhiều điểm đến, mỗi điểm là một câu chuyện dài thi vị. Chính vì thế, khi tôi đưa ra dự án du lịch trên sông, đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của nhiều đối tác. Với vai trò tạo dáng và tìm giải pháp đầu ra cho những sản phẩm mặt nước sông Hương trong quy hoạch tổng thể du lịch Huế từ 2012 đến 2032, nhờ kinh nghiệm tàu bè từ Hạ Long, tôi muốn du khách nhìn Huế với cái nhìn từ bên trong, để thấy được vẻ đẹp văn hoá, cuộc sống, lịch sử Huế…
Đam mê sưu tập đồ cổ cũng là một thú chơi mang đến cho anh cảm giác an lành, tĩnh lặng?
Tôi không quan tâm giá trị kinh tế của đồ cổ mà yêu thích vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc. Âm nhạc cũng là điều không thể thiếu, có khi chỉ là tiếng gió thôi cũng gây cảm giác rất mạnh. Tôi thích tất cả những gì tạo sự hưng phấn cho các giác quan, cho tinh thần, cảm xúc của mình. Điều đó giúp tôi tưởng tượng được ra không gian trước khi đặt bút vẽ nó. Sung sướng hơn nữa là khi thấy tất cả những gì mình tưởng tượng được hiện nguyên hình.
Vừa thiết kế, vừa là nhà thầu xây dựng, có bao giờ anh bị đồng tiền dẫn dắt đến mức không còn cảm hứng để vẽ nữa?
Vẽ giúp tôi cảm giác về màu chính xác, cách phối để tạo nên ánh sáng long lanh, còn thiết kế lại giúp tôi rất mạnh về cấu trúc khi trở lại với hội hoạ. Thiết kế nội thất là làm đẹp cuộc sống, công việc ấy không xa với tạo hình, chỉ là tạo ra những sản phẩm đẹp bằng các ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau. Vấn đề là làm sao tách bạch, không lẫn lộn giữa các ngôn ngữ. Điều đó quả thật không dễ. Mình phải thiết lập một thói quen trong tư duy, giống như những ngăn kéo vậy, khi cần đến ngăn nào là lấy nó ra.
Chừng này tuổi rồi, nhìn lại đời mình, mất nhiều lắm chứ. Nghề này cứ hai đấm là một đạp. Mất nhiều nhất là sự ngây ngô trong kinh tế, và mất cả thời gian để được sống với chính mình. Khi có công trình là phải tạm quên đi hội hoạ. Mỗi lần đối diện với bão táp là buổi tối mình lại lục cục đốt đèn lên vẽ tranh. Chính chuyện vẽ nuôi dưỡng cho tâm mình trong sáng, yêu đời, yêu cuộc sống… Điều làm mình dễ bị tổn thương nhất là khi người ta không hiểu được việc mình làm, không thấy được giá trị của những sáng tác thiết kế một cách đúng mực. Đôi khi người ta còn lạm dụng mình nữa. Nhưng những muộn phiền đó chỉ là khoảnh khắc, sau đó lại tự mình tặc lưỡi, xuề xoà ngay, như những khe nứt nhỏ, dễ hàn gắn. Mình còn nhiều niềm vui khác, nhiều công việc khác để làm.
Tôi có một cõi riêng, đó là những bức tranh. Mình vẫn đi giữa hai bờ của cuộc đời, nhưng không đánh mất cõi riêng đó. Hạnh phúc đâu cần cái gì lớn lao, chính là công việc mình làm, luôn gắn với niềm đam mê tạo hình, tạo dáng cho tất cả mọi thứ xung quanh. Đôi khi cuộc sống không trong sáng, nhưng khi vẽ tranh là mình lập tức lấy lại được sự trong lành. Tôi vẽ tranh không nhiều, một năm chỉ rảnh nhất là vào dịp tết, nhưng khi đặt bút vẽ là mấy chục bức nối đuôi ra đời, như thể mình dồn nén rất lâu để chờ dịp được bung ra… Cuộc sống quá nồng nàn với mình, nếu mình nhìn thấy, nó sẽ cho mình rất nhiều. Khó khăn thì lúc nào cũng có, làm sao tránh khỏi, nhưng trong tranh của tôi, cuộc sống luôn hiện lên với vẻ thanh bình, tĩnh tại, bởi những khoảnh khắc đó vô cùng hiếm trong một ngày, càng hiếm trong một đời. Vấn đề là làm sao tích tụ nó nhiều hơn để khoả lấp những khoảng trống. Mình là người phương Đông, chất phương Đông sâu đậm đến mức không bao giờ có thể mất. Tư tưởng phương Tây phát triển theo trục tung, chinh phục đỉnh cao, những nhà thờ cũng cao vút, còn triết lý phương Đông đi tới bằng sự quay về, phát triển theo trục hoành, trầm hơn, không còn đối chọi nữa, như thế mới bình tâm được.
- Tính cộng đồng trong không gian sống quan trọng vô cùng. Nếu một ngôi nhà bị ô nhiễm, tác động cả cộng đồng.
Nhiều lần triển lãm chung với ba người bạn Hoàng Tường, Thanh Bình, Trần Trung Tín, có gì chung giữa bốn người đàn ông có phong cách hoàn toàn trái ngược?
Vẫn là tinh thần phương Đông ngự trị, nhưng mỗi người sử dụng ngôn ngữ, trường phái hội hoạ khác nhau. Níu kéo nhiều nhất giữa chúng tôi vẫn là sự gắn bó từ thuở còn là bạn học, những ngày đi thực tế vẽ tranh ở vùng xa. Đặc biệt trong hội hoạ, giữa chúng tôi có sự cạnh tranh ngấm ngầm, nhìn nhau để cùng đi tới, lôi cuốn nhau thôi thúc sáng tạo, đó là điều lớn nhất lưu lại được tình bạn trên đời. Tôi có nhiều bạn, bạn làm ăn, bạn nhậu, bạn chơi, nhưng đặc biệt ba người bạn thân này đều không nhậu… Tôi còn có những người bạn hoạ sĩ ở làng nghệ sĩ Hàm Long. Cùng nhau tạo dựng ngôi làng mang kiến trúc Việt, cũng là nơi để cùng sáng tác, đàm đạo. Chính những nếp nhà dân dã, chân quê ấy đã trở thành tuyến du lịch đường sông không thể thiếu cho du khách nước ngoài khi đến Sài Gòn, phim trường cho các đoàn phim cổ trang.
Làm thế nào để mỗi buổi sáng với anh đều mở ra một ngày mới bình yên?
Kiến trúc sư không chỉ là người vẽ đẹp, tìm kiếm vật liệu giỏi, mà phải có kiến thức xã hội rộng và đặc biệt thấu hiểu văn hoá ứng xử và văn hoá đời sống, để tạo ra một sản phẩm kiến trúc hoàn chỉnh. Nghệ thuật là công việc sáng tạo vô cùng, tôi luôn thấy mọi chuyện là không đủ, áp lực lớn nhất là thời gian. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi thường bắt đầu một ngày mới bằng cách tặng thưởng cho mình sự tĩnh lặng, với một ly càphê trong không gian xanh rộn tiếng chim. Nhấm nháp ly càphê một cách thanh thản, không nghĩ gì, đó là cách tôi làm sạch mình, buông xả tất cả những dính mắc, phức tạp, để có thể bình yên trở lại. Chỉ có bình yên mới giúp mình thấy được những cái lớn hơn, thai nghén tác phẩm mới, đó chính là lúc hạnh phúc nhất.
Bận rộn thế với công việc, sáng tác, làm thế nào anh hoàn thành vai trò làm chồng, làm cha?
Tôi may mắn có một người vợ thấu hiểu công việc, yêu thích công việc của chồng. Người đàn ông khi thành công không nghĩ nhiều đến người thân, nhưng khi thất bại chỗ chở che chính là gia đình. Chẳng ai chia sẻ với mình nhiều bằng người vợ trong những thăng trầm của cuộc đời. Làm nghề này thất bại cũng nhiều, nên chữ gia đình với tôi vô cùng thấm thía. Chính vì thế mà mình luôn phải làm gương cho con, giống một ông giáo phải dọn mình mỗi lần đến lớp… Con tôi không chọn nghề thiết kế của bố, mà học về tổ chức sự kiện vui chơi giải trí phục vụ du lịch. Tôi chỉ mong con biết yêu công việc mình đang làm. Chọn việc mình thực sự yêu mến, đó là cách cho mình nhiều sức mạnh nhất.
Kim Yến – Theo SGTT