Bộ Xây dựng và Hội KTS Việt Nam đang chuẩn bị cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật KTS hay Luật hành nghề KTS để trình Quốc hội vào tháng 5/2012. Dự thảo Luật KTS quy định các hoạt động quan trọng của ngành kiến trúc tại Việt Nam, trong đó bao gồm hoạt động hành nghề, đào tạo, phản biện, quản lý, và quan hệ quốc tế. Điều này có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng nền móng vững chắc cho các hoạt động nghề nghiệp của giới KTS, đem lại sự thay đổi khả quan hơn cho bộ mặt đô thị Việt, cũng như giúp cho tiến trình phát triển quốc gia và hội nhập quốc tế được thuận lợi hơn.

IMG 3652 1600x1067 1024x683

Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác giảng dạy và hành nghề chuyên môn trong nước và tại nước ngoài, và là thành viên của nhiều tổ chức chuyên ngành quốc tế về quy hoạch và kiến trúc, người viết xin nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng mà chúng ta, những người hoạt động trong lãnh vực kiến trúc cần phải cùng nhau xác định rõ hơn để việc xây dựng Luật KTS thực sự hiệu quả và theo sát cuộc sống cũng như hành nghề thực tế của giới KTS.

Quan hệ quốc tế và hội nhập trong Kiến trúc

Mục Quan hệ quốc tế và Hội nhập được xếp sau cùng trong dự thảo Luật KTS, nhưng cần phải được làm rõ trước tiên.

Sau khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, và WTO, thách thức hội nhập quốc tế cho các KTS Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, vì nó gắn liền với tương lai phát triển đô thị và đất nước. Mô hình giáo dục đào tạo và hoạt động hành nghề kiến trúc tại Việt Nam hiện nay, cần phải được thẳng thắn nhìn nhận là có khoảng cách khá xa với chuẩn quốc tế tại các nước tiên tiến, do đó chưa được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, gây trở ngại cho hoạt động nghề nghiệp của các KTS Việt Nam.

nha

Luật KTS sẽ được nâng lên tầm cao có ý nghĩa lịch sử nếu chúng ta xem trọng vấn đề hội nhập quốc tế của nghề kiến trúc, đề xuất các quy định, tổ chức hoạt động đào tạo, hành nghề kiến trúc của Việt Nam phù hợp với quy chuẩn quốc gia, quốc tế. Việc hướng đến quy chuẩn quốc tế trong giáo dục đào tạo cũng như trong hành nghề kiến trúc tại Việt Nam giúp cho:

1. Việc tu nghiệp, hành nghề hoặc thực tập tại nước ngoài của KTS Việt được thuận lợi hơn khi văn bằng đại học và chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam được các nước ASEAN và APEC công nhận tương đương.

2. Các KTS Việt Nam có thể tự tin hơn về mặt chuyên môn khi hợp tác với các KTS nước ngoài tại Việt Nam, thực lực của họ được quốc tế công nhận để dần dần “Việt hóa” vai trò KTS khi thực hiện các dự án lớn trong nước; 3. Các kiến thức mới nhất của ngành nghề được cập nhật trong giáo dục đào tạo cũng như trong hành nghề được dễ dàng, mau chóng và đồng thời với các nước tiên tiến, nhờ vào hệ thống tiêu chuẩn liên thông với nhau.

Hội Kiến trúc sư

Hội KTS Việt Nam cần được tổ chức lại với ba tiêu chí bổ sung thêm:

1. Hội KTS Việt Nam là một tổ chức giúp liên kết những người hoạt động kiến trúc lại với nhau, bao gồm những người là KTS và không phải KTS (các ngành nghề có liên quan). Nghề kiến trúc đã trở nên phức tạp và cần liên kết đa ngành hơn bao giờ hết. Do đó một tổ chức hội đoàn chỉ bao gồm KTS thiết kế hoặc chỉ trực thuộc Bộ Xây dựng sẽ không đáp ứng được nhu cầu đa dạng trong công cuộc phát triển đô thị ngày nay.

2. Hội KTS Việt Nam phải là một tổ chức trí thức chuyên môn (think-tank) độc lập, xem xét vấn đề trên tư duy khoa học, và tư vấn cho các đơn vị quản lý Nhà nước (bao gồm Bộ Xây dựng) trong các vấn đề xây dựng và phát triển, bảo tồn quy hoạch kiến trúc, môi trường sống và làm việc cho người dân. Hội KTS Việt Nam nên đồng thời là thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật và Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật thì mới đảm bảo được chất lượng hoạt động mang tính liên ngành, bao gồm các mặt về Văn học – Nghệ thuật lẫn Khoa học kỹ thuật.

3. Hội KTS Việt Nam Có một bộ phận trực thuộc Hội KTS VN dành riêng cho việc quản lý KTS, gọi là Đoàn KTSVN, phù hợp với xu hướng quốc tế hiện nay. Trong đó:

• Hội KTS Việt Nam nên phân biệt rõ thành viên là KTS có chứng chỉ hành nghề KTS (thành viên KTS – VAA Vietnam Association’s Architect) với thành viên không phải là KTS (thành viên cộng tác – VAAA Vietnam Association’s Architecture Associate) dành cho những người hoạt động trong lãnh vực kiến trúc nhưng không có chứng chỉ hành nghề KTS (bao gồm các lĩnh vực giảng dạy, quản lý, lập pháp và hành pháp liên quan đến kiến trúc, thi công, kinh doanh, nghiên cứu, phê bình …) hoặc các KTS nước ngoài chưa có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam (cho dù họ đã có chứng chỉ hành nghề tại nước ngoài).

• Chỉ có thành viên VAA mới bị ràng buộc bởi Pháp Lệnh hành nghề KTS và có con dấu riêng với mã số đăng ký hành nghề. Đoàn KTSVN, do đó nên là một bộ phận nằm trong Hội KTS Việt Nam với chức năng quản lý thành viên VAA.

• Chỉ nên có một tổ chức duy nhất là Hội Kiến trúc sư thay vì có hai tổ chức (Hội KTSVN và Đoàn KTSVN) với con dấu và tài khoản riêng, vì Thành viên VAAA tuy không hành nghề kiến trúc và không chịu sự quản lý của Pháp lệnh Hành nghề, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong các công tác đa ngành của kiến trúc, đặc biệt là công tác lập pháp, quản lý, giáo dục, nghiên cứu, và phản biện.

Kiến trúc sư

Việc sử dụng từ “Kiến trúc sư” hiện nay đang bị lạm dụng, không theo quy chuẩn quốc tế, và cần được định nghĩa lại thật rõ ràng trong Luật Kiến trúc sư.

phu d 550

– KTS là chức danh hành nghề và chỉ được phép sử dụng tên chức danh này khi có Chứng chỉ Hành nghề còn hiệu lực. Những người hoạt động trong các lãnh vực khác của kiến trúc thì không cho phép kiêm nhiệm danh xưng KTS (giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia kiến trúc, …), trừ phi họ đạt được những tiêu chí cần thiết (kinh nghiệm, giáo dục) và vượt qua một cuộc thi lấy chứng chỉ hành nghề KTS.

– Nên bỏ tên gọi “Bằng Kiến trúc sư”“Bằng Kiến trúc sư Quy hoạch”, thay thế bằng tên gọi văn bằng cử nhân, thạc sĩ, và tiến sĩ kiến trúc để tránh việc sử dụng danh xưng KTS khi chưa có Chứng chỉ Hành nghề.

– Cần bỏ tên gọi “Kiến trúc sư Quy hoạch” và thay bằng tên gọi “Đô thị Gia”, “Đô thị sư” hoặc “Quy hoạch sư” vì từ ngữ Kiến trúc sư Quy hoạch không được dùng trên thế giới.

– Nhiều nơi trên thế giới không bắt buộc “Đô thị sư” phải có chứng chỉ hành nghề như Kiến trúc sư. Chúng ta cần cân nhắc việc có nên tiếp tục đòi hỏi chứng chỉ hành nghề cho “Đô thị sư” hay không? Và nếu có thì có nên bao gồm những quy định hành nghề của “Đô thị sư” trong bộ luật này không?

– Không nên miễn trừ việc áp dụng quy chế hành nghề KTS và việc cần lấy chứng chỉ hành nghề KTS cho các KTS trong cơ quan Nhà nước. Theo thông lệ quốc tế, cho dù là KTS trong cơ quan công hay tư thì đều phải trải qua quy trình xét duyệt sơ bộ và thi sát hạch giống nhau để đạt chứng chỉ hành nghề, thì mới được công nhận là KTS. Ở ta, nếu cần phân biệt về mặt quản lý, có lẽ chỉ cần thêm một điều lệ là Hội viên KTS làm việc ở một cơ quan công sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật nếu đồng thời hoạt động trong lãnh vực tư nhân. Các nhà quản lý không được phép đồng thời hành nghề KTS thiết kế tư nhân để tránh những vấn đề không minh bạch trong xét duyệt, do đó chứng chỉ hành nghề của họ chỉ sẽ tạm thời bị “treo”, không cho phép hoạt động tư nhân trong thời gian tại vị.

Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc sư

Việc bổ sung quy định về Chứng chỉ hành nghề KTS là một việc rất quan trọng, không thể thiếu trong Luật Kiến trúc sư, vì nó là cơ sở xác định tư cách hành nghề kiến trúc sư.

– Trên thế giới, nghề kiến trúc, bác sĩ, và luật sư thường là các ngành có yêu cầu trách nhiệm đặc biệt cao hơn các ngành khác, do ảnh hưởng quan trọng trực tiếp của nghề đó đến xã hội và đến người dân. Ngoài ra, tình trạng đào tạo kiến trúc tại Việt Nam ngày nay quá thiên về số lượng và giảm về chất lượng. Do đó, việc tốt nghiệp đại học chưa đủ cho tư cách pháp nhân hành nghề, mà phải kèm theo các yêu cầu nghiêm ngặt về kinh nghiệm và kỳ thi sát hạch ngành nghề. Sau khi Luật Kiến trúc sư được thông qua, những người muốn có chứng chỉ hành nghề phải vượt qua một kỳ thi sát hạch (về kiến thức quan trọng trong thiết kế, và các hiểu biết về luật pháp, cùng các vấn đề liên quan đến thiết kế kiến trúc tại Việt Nam). Đoàn KTSVN sẽ có trách nhiệm soạn thảo đề cương và tài liệu học tập chuẩn bị cho sát hạch.

– Tiêu chuẩn thi Chứng chỉ Hành nghề Kiến trúc hoặc Quy hoạch nên đòi hỏi trình độ Bằng Thạc sĩ kèm với 2 năm kinh nghiệm sau đó, vì theo xu hướng quốc tế thì trình độ cử nhân chưa trang bị đủ kiến thức cần thiết.

– Cho phép người không có bằng Thạc sĩ được phép thi lấy chứng chỉ hành nghề với điều kiện về thời gian kinh nghiệm thực hành dài hơn (ví dụ 10-12 năm) tại văn phòng của một KTS có chứng chỉ hành nghề và được một (hoặc hai) KTS có chứng chỉ hành nghề bảo lãnh giới thiệu tư cách dự thi lấy chứng chỉ hành nghề. Các KTS nổi tiếng thế giới như Tadao Ando, F.L. Wright, và Le Corbusier đã trở thành KTS như thế mà không cần học trường Kiến trúc.

– Các KTS đã có Chứng chỉ Hành nghề Kiến trúc hoặc Quy hoạch trước khi Luật Kiến trúc sư được thông qua sẽ không cần thi cử để lấy Chứng chỉ Hành nghề lần nữa, mà chỉ cần có tham dự một số khóa học hay hội nghị nâng cao kiến thức hàng năm, để duy trì hiệu lực của chứng chỉ hành nghể. Điều này đòi hỏi các KTS phải liên tục cập nhật kiến thức của mình, tránh tình trạng lạc hậu về công nghệ thông tin và kỹ thuật mới (ví dụ như tình trạng hiện nay hầu hết các KTS Việt Nam tốt nghiệp trong nước trước 1986 không biết sử dụng các phần mềm quan trọng như Autocad, 3D Max, và GIS)

– Đoàn KTS Việt Nam xem xét quy định về bằng cấp và kinh nghiệm cho các KTS nước ngoài muốn xin thi chứng chỉ hành nghề của Việt Nam. Họ buộc phải thi để tỏ ra nắm vững luật lệ và các quy định thiết kế phù hợp cho người Việt Nam.

– Các KTS nước ngoài không có chứng chỉ hành nghề của Việt Nam không được dùng danh xưng KTS trong các tài liệu chính thức tại Việt Nam. Họ sẽ buộc phải liên danh với một KTS có chứng chỉ hành nghề của Việt Nam. Cần nghiêm minh trong vấn đề này để có thể có tiền đề thương lượng trong việc song phương công nhận bằng cấp và chứng chỉ hành nghề của Việt Nam tại nước ngoài.

– Đoàn KTS Việt Nam sẽ thương lượng với Đoàn KTS của các nước nằm trong tổ chức ASEAN, APEC, hoặc WTO về việc công nhận tương đương song phương về giá trị của chứng chỉ hành nghề tại nước đó mà không cần thi sát hạch.

Đào tạo Kiến trúc sư

Việc đào tạo KTS và “Đô thị sư” tại Việt Nam cần được đổi mới từ gốc rễ, thì mới theo kịp đà tiến của các nước tiên tiến, nhưng muốn vậy thì chúng ta cần cải tổ lại cơ chế đào tạo.

91137d9b 8b9f 4bae 8567 d983c1fd1bd1

– Việc đào tạo ngành Kiến trúc, Xây dựng, và Quy hoạch nên trả về cho Bộ Giáo dục Đào tạo thay vì giao cho Bộ Xây dựng quản lý các trường Kiến trúc, Xây dựng, và Quy hoạch trong cả nước, vì giáo dục Kiến trúc, Xây dựng, và Quy hoạch ngày nay mang tính đa ngành rất cao, do đó cần có sự liên thông về chương trình tín chỉ và cộng tác trực tiếp với các ngành học về Xã hội, Kinh tế, Môi trường, Giao thông,…

– Chương trình giáo dục đào tạo KTS của các đại học cần được giám định bởi một Hội đồng công nhận Bằng cấp Kiến trúc Quốc gia (gồm đại diện của Bộ Giáo dục Đào tạo và của Đoàn KTS) theo định kỳ (thường là 5 hoặc 10 năm) để đảm bảo chất lượng đào tạo các KTS tương lai được cập nhật thường xuyên, sâu sát với tiến bộ mới trong kiến thức ngành nghề và khoa học kỹ thuật. Nên tham khảo tiêu chuẩn giám định của các nước tiên tiến, ví dụ của Hội đồng công nhận Bằng cấp Kiến trúc Quốc gia (National Architectural Accrediting Board) tại Hoa Kỳ.

– Nên thay “Bằng Kiến trúc sư” (5 năm) và thay thế bởi các văn bằng Cử nhân (4 năm), Thạc sĩ Kiến trúc hoặc Quy hoạch (2 năm), và Tiến sĩ Kiến trúc hoặc Tiến sỹ Quy hoạch (4-10 năm, tùy theo học tập trung hay không tập trung). Người muốn hành nghề thiết kế cần học tiếp Thạc sĩ về kiến trúc hoặc quy hoạch. Người không muốn hành nghề thiết kế có thể làm việc ngay, hoặc học tiếp Thạc sĩ về Quản lý, về Giáo dục, hoặc về Xã hội.

– Nên tham khảo thêm chương trình giáo dục kiến trúc cũng như pháp lệnh hành nghề của các nước ASEAN hoặc APEC để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tạo tiền đề cho việc các KTS Việt Nam có thể được công nhận tư cách KTS hoặc thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề KTS tại các nước ASEAN hoặc APEC.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Theo Tạp Chí Kiến Trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more