Thời gian gần đây, chủ đề cải tạo, bảo tồn, giãn dân… phố cổ lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ mọi chủ trương chính sách liên quan đến khu vực phố cổ đều ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận dân số của khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội. Mặc dù Đề án giãn dân phố cổ của TP Hà Nội vẫn đang còn “bề bộn” thì mới đây, Sở QH-KT Hà Nội cùng với UBND Q.Hoàn Kiếm đã tổ chức hội thảo “Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội”. Trong đó dự thảo quy chế có nhiều điểm đáng bàn, và câu chuyên lợi ích tập thể, quyền lợi cá nhân lại được dịp hâm nóng.
Thời gian qua đã có rất nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng trong phạm vi phố cổ
Bắt đúng bệnh
Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP về việc triển khai xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, trên cơ sở rà soát Điều lệ tạm thời về Quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội kèm theo Quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 04/6/1999 của UBND TP Hà Nội và áp dụng các văn bản pháp lý hiện hành, ngày 19/3/2012, tại Trung tâm Thông tin phố cổ Hà Nội, Sở QH-KT đã phối hợp cùng UBND Q.Hoàn Kiếm đồng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.
Theo dự thảo, khu phố cổ gồm 80 ô được chia thành 2 khu vực: Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1 giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Nhật Duật, diện tích khoảng 19ha. Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 2 là các phố còn lại. Quy chế đề xuất, các công trình ở lõi trung tâm (giới hạn bởi các phố Chả Cá, Lương Văn Can, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiệp, Hàng Đậu) sẽ phục dựng mặt đứng theo hình thức truyền thống.
Dự thảo “Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội” đã thống kê danh mục công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, trong đó có 237/1.153 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt, hiện lưu giữ nhiều giá trị vật thể, phi vật thể, với nhà hình ống, nhiều lớp, phố nghề truyền thống phát triển mạnh… Cụ thể, quy chế được áp dụng cho toàn bộ khu phố cổ có diện tích 100ha, phía bắc giáp phố Hàng Đậu, phía đông giáp phố Trần Quang Khải, phía tây giáp phố Phùng Hưng, phía nam giáp phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng.
Tuy nhiên theo tinh thần của dự thảo quy hoạch phố cổ lần này thì, việc bảo tồn lớp nhà ngoài với công trình kiến trúc có giá trị, các công trình xây mới phải phù hợp chiều cao từng tầng, hình thức kiến trúc công trình liền kề và đoạn phố. Các chức năng được khuyến khích là tôn giáo, tín ngưỡng, và bán các sản phẩm truyền thống… Các chức năng giới hạn là kho, xưởng sản xuất, quán bar, khách sạn, nhà hàng… Các chức năng không cho phép gồm: Cầm đồ, siêu thị, tổ hợp thương mại, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, thuần phong mỹ tục.
Đề án kỳ vọng, nếu thực hiện triệt để được quy hoạch kiến trúc khu phố cổ sẽ góp phần làm giảm cơ học mật độ dân cư trong khu phố cổ, từng bước cải thiện đời sống người dân nhằm bảo tồn và tôn tạo phố cổ, góp phần phát huy các giá trị di sản vật thể của Thủ đô.
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, trú tại nhà số 56 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Cùng một số nhà 56 có đến gần 20 hộ dân sinh sống. Riêng gia đình nhà tôi đã có 7 người cùng chung sống trong một ngôi nhà 26m2, gồm 3 thế hệ gồm ông bà, 2 cặp vợ chồng cùng 3 đứa cháu dưới 3 tuổi. Hằng ngày thì con cái đi làm, tối về thì lật nệm ra ngủ. Từ khi cưới vợ cho con, tôi luôn phải nằm ở ghế, còn mọi chuyện sinh hoạt trong gia đình thì… không thể làm gì được vì nhà quá chật.
Bà Phạm Thị Minh Lý, một người dân trú tại P.Cửa Đông, Q.Hoàn Kiếm nói: Do phải sống trong không gian hẹp, nên người dân trong khu phố cổ đã tìm mọi cách vươn lên cao, hoặc mở rộng tối đa diện tích nhà sang không gian bên cạnh, điều này khiến cho diện tích sử dụng chung dần bị thu hẹp, kiến trúc cũng thay đổi. Hy vọng sau khi quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội đi vào thực tiễn sẽ có những chế tài quản lý chặt chẽ hơn hiện nay.
Cần một liều thuốc hay
Hiện khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 81ha nằm trên địa bàn 10 phường của Q.Hoàn Kiếm. Thống kê từ năm 2009, mật độ dân cư trong khu phố cổ khoảng 82.300 người/km2, rất cao so với yêu cầu quy hoạch về mật độ dân khống chế cho khu phố cổ đến năm 2020 là 50 nghìn người/km2. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự quá tải và xuống cấp trầm trọng về môi trường sống đô thị của khu phố cổ.
TS.KTS Dương Đức Tuấn – Phó giám đốc Sở QH-KT cho biết: Việc lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội trên cơ sở rà soát Điều lệ tạm thời về Quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội (kèm theo Quyết định số 45/1999/QĐ- UB ngày 04/6/1999 của UBND TP Hà Nội) trước đây và áp dụng các văn bản pháp lý mới. Phạm vi khu phố cổ thống nhất quy mô khu phố cổ vẫn giữ 100ha như quy định trước đây, nhưng phạm vi nghiên cứu và không gian quản lý bao gồm cả lớp ngoài gồm các công trình của tuyến đường bao, nhằm kiểm soát hình thái chuyển tiếp hài hòa, không đột biến với các khu vực liền kề.
Cũng theo ông Tuấn: Nội dung của dự thảo cần nghiên cứu bổ sung theo hướng gìn giữ và khôi phục lại hình ảnh toàn bộ khu phố cổ. Làm rõ hơn các quy định về bảo tồn, chỉnh trang toàn bộ không gian, tuyến phố, ô phố, điểm nút đặc thù, các quy định cụ thể tương ứng với cấp độ bảo tồn, tôn tạo và phát triển của từng loại công trình kiến trúc, không gian sinh hoạt trong khu phố cổ. Lưu ý bổ sung các quy định liên quan đến các yếu tố mới như tuyến đường sắt đô thị, các điểm đỗ xe…
Mặc dù đã có các phương án nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện rất khó khăn. Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử khu phố cổ, xây dựng đề án giãn dân và điều chỉnh quy hoạch khu nhà ở phục vụ giãn dân tại Việt Hưng còn chậm. Các đơn vị gặp rất nhiều trở ngại trong việc giải tỏa các hộ dân sống trong di tích; trật tự đô thị, trật tự giao thông trong khu phố cổ còn nhiều tồn tại, gây ách tắc, ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ di sản văn hoá còn hạn chế.
Ông Nguyễn Hồng Phan – chủ cửa hàng kinh doanh tại phố Thuốc Bắc, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Qua báo đài tôi được biết Hà Nội sắp ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, trong đó có nhấn mạnh đến việc sẽ không cho mở thêm khách sạn, nhà hàng tại khu vực này. Tôi thấy chủ trương này là rất đúng, bởi hiện khu vực trung tâm đã quá tải về dân số, nếu các nhà quản lý không có chính sách quản lý chặt chẽ thì chỉ vài năm khu phố cổ sẽ mất hết các giá trị di sản.
Có thể thấy rằng việc xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội là những biện pháp mà UBND Q.Hoàn Kiếm đang tập trung nghiên cứu để quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử khu phố cổ Hà Nội.
Thành Nam – Theo Báo xây dựng