Huế được hình thành và phát triển với tư cách là thành phố di sản được kết tinh qua nhiều ngàn năm lịch sử với bản chất lịch sử chủ yếu biểu hiện cụ thể qua sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình di tích lịch sử văn hoá, trong đó có hai di sản mang giá trị toàn cầu là Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế.
Qua dặm dài lịch sử với những phế, hưng, thăng, trầm Huế vẫn lưu giữ cho thế hệ ngày nay một kho tàng sử liệu đồ sộ từ các di tích khảo cổ văn hoá Sa Huỳnh có niên đại cách ngày nay trên dưới 2.500 năm, từ di tích văn hóa Chămpa, đến các di tích kiến trúc tôn giáo với hàng trăm ngôi chùa cổ kính tiêu biểu cho nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Nhiều di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, di tích lưu niện danh nhân tiêu biểu như nhóm di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diễu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhóm di tích lưu niệm sự kiện lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh…
Cùng với vẻ đẹp thơ mộng, tao nhã của quần thể di tích Huế, Huế còn có những nét độc đáo của các lễ hội dân gian truyền thống, các làng nghề và sản phẩm thủ công, sự phong phú của nghệ thuật âm nhạc và ca múa, nét tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực và giao tiếp… càng được tôn vinh do sự sắp đặt đan xen, hài hòa trên nền một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Ngự, sông Hương, đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh, bãi biển Cảnh Dương, Thuận An, phá Tam Giang, núi và rừng quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân, thác A Đon…
Đô thị Huế xưa, bao gồm hai dòng kiến trúc song song cùng tồn tại: Một dòng kiến trúc cổ Việt Nam truyền thống có niên đại trên dưới 200 năm là kinh thành và các dinh, phủ chủ yếu nằm ở bờ Bắc sông Hương, được quy hoạch xây dựng theo nguyên tắc phong thuỷ phương Đông. Một dòng kiến trúc phương Tây được Việt – Huế hoá có niên đại trên dưới 100 năm là khu phố Tây mới ở bờ nam sông Hương, góp phần tạo thành cảnh quan một nửa đô thị Huế xưa. Dòng sông Hương thơ mộng tự nhiên trở thành nét gạch kiến trúc nên thơ tuyệt vời, phân cách hai phong cách kiến trúc đó trong một tổng thể thống nhất toàn vẹn của cố đô Huế từ một đô thị ven sông trở thành đô thị nằm hai bên bờ sông. Di sản kiến trúc Cố đô Huế chủ yếu là các công trình kiến trúc cung đình và dân gian triều Nguyễn, nhà vườn, kiến trúc thời Pháp, các loại hình di tích lịch sử cách mạng – kháng chiến và lưu niệm danh nhân đã tạo thành một thể thống nhất toàn vẹn cấu thành một đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.
Ở Huế, khác với các đô thị khác là khi quy hoạch, xây dựng, kiến trúc đô thị, trước hết và trên hết là phải đặc biệt chú trọng những nguyên tắc quy hoạch bảo tồn các loại hình di sản văn hóa vật thể, hay nói cách khác là phải bảo tồn di sản không gian kiến trúc truyền thống đô thị Huế. Làm sao kết hợp hợp lý cấu trúc bên trong với công nghệ xây dựng hiện đại để tạo ra ở Huế những khu nhà và cảnh quan đô thị trong tổng thể không gian hài hòa, cân đối, gắn bó với thiên nhiên, môi trường sinh thái của sông Hương, núi Ngự – những nét kiến trúc chỉ có Huế mới có, phù hợp với tâm lý và khát vọng của các thế hệ con người xứ Huế. Kể cả những người con của Huế khi xa Huế vẫn không bao giờ quên nét “rêu phong cổ kính”, rất Huế, sâu lắng, có hồn của các di tích kiến trúc Huế. Trách nhiệm nặng nề đó đã, đang và sẽ đè nặng lên vai các nhà khoa học liên ngành bảo tồn bảo tàng, quy hoạch, kiến trúc, lịch sử, tham mưu đúng cho lãnh đạo tỉnh ra quyết định chính xác để bảo tồn và quy hoạch xây dựng phát triển đô thị Huế xưa và nay một cách hài hòa, tạo thành một chỉnh thể thống nhất toàn vẹn theo quy luật phát triển.
Vì vậy, cần tăng cường tổ chức những cuộc điều tra xã hội học trong nhân dân, trong các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo…ở trong tỉnh và cả nước về việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, chiếu sáng di tích ở Huế, để có thêm những thông tin bổ ích giúp cho các nhà chuyên môn những giải pháp khoa học trong công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị di sản này để “Huế trở thành đô thị sinh thái thiên nhiên và sinh thái nhân văn, đô thị sang về dĩ vãng và giàu về hiện tại” như lời Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã nói.
Phương Hồng – Theo VEN