“Trong giới kiến trúc sư, hẳn không có anh nào đặc biệt như tôi đâu”, KTS Trần Kim Tấn vui vẻ xác nhận.

Quả thật, ông KTS này từng công tác trong Tổ Thiết kế đặc biệt phục vụ các công trình Trung ương, chuyên thiết kế công trình nhà ở cho các lãnh đạo cấp cao, đồng thời tên tuổi ông còn gắn liền với những công trình xây dựng mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

images823644 T14 tro

KTS Trần Kim Tấn

Chuyện đặc biệt trên đất Bắc

Thưa kiến trúc sư, ông bắt đầu sự nghiệp của mình như thế nào?

Sau khi tốt nghiệp kiến trúc sư tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải năm 1966, tôi trở về Hà Nội và làm việc tại Viện Thiết kế dân dụng, Bộ Xây dựng. Thời gian ấy, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt, tôi được công tác trong Tổ Thiết kế đặc biệt, thiết kế nhà ở, hầm trú ẩn cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp; Thiết kế hầm hố trú ẩn của Bộ Chính trị, các công trình xây dựng phục vụ Trung ương ở vùng Tây Bắc để phòng tình hình xấu có thể chuyển cơ quan đầu não từ Thủ đô lên…

Công việc đặc biệt của ông của trong những năm tháng đặc biệt ấy chắc là có nhiều chuyện… đặc biệt lắm?

Đó là những kỷ niệm không thể nào quên. Như lần, vào khảo sát để thiết kế nhà đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, vừa ra khỏi thì máy bay Mỹ ném bom làm sập tường, may mà không ai bị làm sao. Lần khác đến khảo sát công trình nhà đồng chí Nguyễn Duy Trinh – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, dù tôi đã báo cáo Cục 6 (bảo vệ Trung ương) mang danh sách có tên tôi nhưng anh bảo vệ ở Bộ Ngoại giao không biết vì lý do gì dứt khoát bắt ở ngoài chờ đến hết giờ. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh khi biết chuyện đã trách bảo vệ “Làm ở Bộ Ngoại giao mà chẳng biết ngoại giao” và cho chuyển công tác.

Tôi nhớ bác Trường Chinh tính rất cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết, thi công hầm ngày nào ông cũng thăm, liên tục yêu cầu giải thích và hỏi ngược lại khiến nhiều cán bộ thi công trốn vì… sợ. Có lần bác hỏi tôi: “Chú thấy tấm bản đồ treo có ngay không?“, tôi thưa: “Cháu thấy treo trên tường ngay lắm”, cụ hỏi vặn: “Thế nhỡ phía dưới nền nhà không ngay thì sao?”.

Vào Nam

Ông vào miền Nam trước hay sau giải phóng, công việc ông làm còn “đặc biệt” nữa hay không?

Năm 1972 tôi xin đi B (chiến trường miền Nam), nhưng Bộ Xây dựng không cho phép. Liên tiếp các năm 1973, 1974 xin đi cũng không được. Đến năm 1975 thì được chấp thuận vào Nam theo đường Trường Sơn. Ngày 30/4/1975, miền Nam giải phóng, tôi cùng đồng đội từ Tây Ninh về Sài Gòn.

Lúc ấy theo quy định ngành nào tiếp quản ngành nấy, chúng tôi tiếp quản các công sở, trường học và công trình kiến trúc. Tôi còn nhớ ngày 15/7/1975, tức hai tháng rưỡi sau ngày giải phóng, tôi đã đi khảo sát xây dựng các công trình ở Củ Chi như Bệnh viện An Nhơn Tây, trường học cấp 1, 2, các căn cứ địa đạo Củ Chi, Bến Dược…

Như thế, những công trình kiến trúc làm nên tên tuổi ông là ở giai đoạn này?

Có thể nói như vậy. Công trình thiết kế phục chế tôn tạo Nhà Rồng, thiết kế công trình Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM đã đánh dấu một tiến bộ vượt bậc trong đời kiến trúc sư của tôi.

Dấu ấn Bến Nhà Rồng

5306444636 0d1ef72485 z

Ông có thể nói rõ hơn về quá trình phục chế và tôn tạo Bến Nhà Rồng – nơi có một giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử đặc biệt đối với người dân Việt Nam…?

Sau ngày thống nhất đất nước, việc phục chế tôn tạo Bến Nhà Rồng được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Văn Kiệt – Bí thư thành ủy.

Bến Nhà Rồng là kiểu dáng kiến trúc xưa nhất của Sài Gòn, vốn là trụ sở của Công ty Vận tải đường biển Hoàng gia Pháp (Messageries Impériales) được xây dựng vào đầu tháng 3/1863. Trải qua 116 năm sử dụng, Bến Nhà Rồng đã biến đổi quá nhiều, từ cấu trúc của công trình đến bộ mặt tổng thể bên ngoài. Hiện trạng Bến Nhà Rồng lúc ấy như một khu nhà hoang phế. Công trình kiến trúc này xây dựng đã lâu, không có bản thiết kế gốc…

Đó là những khó khăn lớn nhất mà những kiến trúc sư như ông phải vượt qua?

Không, sự trở ngại lớn nhất là cách nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo và giới chuyên môn. Lãnh đạo thì áp đặt ý tưởng của mình với chuyên môn, còn chuyên môn thì mù mờ về mục đích sử dụng và ý nghĩa lịch sử của công trình. Những trở ngại này đã kéo dài thời gian nghiên cứu và tranh cãi thêm 6 tháng. Có lần đưa ra phương án và thảo luận về chuyên môn với Chi hội Kiến trúc sư phía Nam, có người đề nghị “Phá bỏ công trình này, xây dựng lại công trình mới hoàn toàn”.

Phản ứng của ông lúc ấy như thế nào?

Tôi buồn vì nếu phá bỏ hết thì còn gì là di tích nữa. Sau cùng, tôi quyết định đưa vấn đề mâu thuẫn này ra bàn thảo dưới sự chủ tọa của phó chủ tịch UBND TP Lê Quang Chánh. 6 luận điểm của tôi đưa ra được hội đồng chấp nhận đến 5 điểm. Sau cuộc họp này mới khai thông được mâu thuẫn giữa chuyên môn và lãnh đạo. Vì tính chất khẩn cấp của công trình nên tôi xin UBND cho phép vừa thiết kế vừa thi công. Nhưng còn một số vấn đề chưa giải quyết rốt ráo, tôi phải tự quyết định giải pháp cho mình.

Những giải pháp để tháo gỡ ấy là gì, thưa ông?

Đó là giải pháp tìm ra lối vào cửa chính của Bến Nhà Rồng. Nhiều ý kiến lúc ấy cho rằng lối vào là đi vô chính diện, nhưng tôi xác định đó chỉ là hành lang, còn lối đi chính lâu nay đã bị một… nhà vệ sinh án ngữ, gây ngộ nhận cho cả giới chuyên môn. Tiếp theo là giải pháp phá bỏ cái lô cốt bằng bê tông cốt thép chắn ngay lối vào cửa có chiều dày 40cm – 60cm mà cả công trường không tìm ra giải pháp để phá bỏ lô cốt ấy. Ngoài ra còn rất nhiều những cản trở khác phải giải quyết như chuồng heo trong khuôn viên, nhà ăn tập thể, sân bóng chuyền, hệ thống vì kèo gỗ cũ được thay bằng gỗ sao mới, mái ngói được tháo ra và lợp lại như cũ… trả lại nguyên dạng cho công trình.

Sau khi phục chế và tôn tạo, ông có hài lòng không?

Trên đề án của tôi, Bến Nhà Rồng được phục chế tôn tạo qua hai giai đoạn: 1979 – 1981 và 1981 – 1983. Sau khi hoàn chỉnh phục chế và tôn tạo, Bến Nhà Rồng trở thành điểm hẹn lịch sử của nhân dân TPHCM và cả nước và điểm tham quan của du khách quốc tế. Có một lần ra làm việc với đồng chí Võ Văn Kiệt ở Hà Nội, tôi mang tặng ông bìa lịch bloc in hình ảnh “Ánh sao dẫn đường” (chụp Bến Nhà Rồng của nhà nhiếp ảnh Ngọc Thương, đã đoạt huy chương vàng của TPHCM), ông xem xong rất hài lòng và bảo thư ký mang lên treo ngay trong phòng làm việc. Đó là một hạnh phúc lớn trong đời kiến trúc sư của tôi.

Xin cảm ơn ông!

  • Ngoài công trình thiết kế, tôn tạo Nhà Rồng, kiến trúc sư Trần Kim Tấn còn để lại dấu ấn của mình qua hơn 20 công trình kiến trúc tầm cỡ khác, đoạt giải thưởng cao. Tiêu biểu như: Giải thưởng kiến trúc kỷ niệm 10 năm giải phóng TPHCM; Giải Nhì (không có giải Nhất) cho đề án thiết kế mô hình Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM; giải Ba cho đề án thiết kế Làng Thiếu nhi Thủ Đức – Foundation Marina Picasso, TPHCM; Giải Khuyến khích cho đề án thiết kế Khu chung cư Huỳnh Văn Chính TPHCM; Đề án Mặt bằng tổng thể Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Làng SOS Gò Vấp…
                                                                                                        Theo Bee
Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
190 head
Phỏng vấn Jean Nouvel

Sinh năm 1950, tại Fumel (lot-etgaronne) miền nam nước Pháp, ông học tại trường Ecole Nationale Supérieure des beaux arts Read more

do hoa da phuong tien head
Đồ họa đa phương tiện

Công nghệ hình ảnh đang tiến theo xu hướng: từ hình ảnh 2D trên film, giấy ảnh, màn ảnh... tiến Read more

409 head
Khát vọng ánh sáng

Một câu chuyện về một người thanh niên trẻ châu Phi bằng khao khát được học hành đã đóng góp Read more

Khóa đào tạo quốc tế về quản lý dự án và quản lý xây dựng của ĐHTH Cincin

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nâng cao năng lực quản lý dự án và quản lý Read more

carlabbott copy
Các phong trào quy hoạch – P1: Truyền thống cảnh quan

Học thuyết đầu tiên của Mỹ về quy hoạch đô thị ra đời từ việc quy hoạch cảnh quan và Read more

old new york
Các phong trào quy hoạch- P2: Kỹ thuật hạ tầng đô thị

Phần này đề cập tới kỹ thuật hạ tầng đô thị bao gồm các vấn đề vệ sinh, cấp thoát Read more