Khác với các đô thị được quy hoạch bởi ý chí của con người, Thăng Long – Hà Nội dựa nhiều vào những yếu tố “địa lợi” để phát triển đô thị. Những “đường biên giới thiên nhiên” ở Hà Nội tương đối rõ.
Hệ thống sông, hồ (sông Hồng – Tô Lịch; Kim Ngưu – Hồ Tây) vạch nên hình thể đô thị. Những đường sông này được tận (lợi) dụng như những đoạn hào để bảo vệ kinh thành nhưng cũng là những con đường giao thông/thương thuận tiện và sầm uất. Hệ thống phong phú các bến, cầu, bãi… còn để lại dấu tích đến ngày nay ở Hà Nội chứng minh điều đó.
Hàng Bông xưa
Cư dân Hà Nội, qua những biến đổi suốt chiều dài lịch sử, là một cộng đồng vừa mang những yếu tố ổn định, vừa biến động; vừa mang dần những tính chung của địa bàn cư trú (đô thị, kinh kỳ) vừa cố giữ những nét riêng của vùng đất quê hương (quê gốc). Trong sự đan xen đó, nhiều yếu tố văn hóa được kiểm chứng (về mức độ phù hợp) và được sàng lọc (lấy những gì tinh tuý nhất) để lắng đọng thành tính cách Hà Nội, bản sắc Hà Nội. Kết quả của sự giao thoa – tương tác văn hóa đó đã tạo nên Người Hà Nội – với ngôn ngữ, phong tục, tính cách cùng các sinh hoạt văn hóa khác.
Trước hết, giao thông Hà Nội (và văn hóa giao thông hình thành theo đó) dựa trên và thuận theo những yếu tố tự nhiên (địa hình, dòng chảy, khí hậu…). Người tham gia giao thông ở Thăng Long – Hà Nội đã triệt để lợi (tận) dụng những yếu tố “thiên thời, địa lợi” đó. Tuy vậy, dễ thấy rằng trong suốt thời phong kiến, giao thông ở Thăng Long – Hà Nội phát triển tự phát theo nhu cầu của chính quyền (kinh kỳ) cũng như cộng đồng (kẻ chợ). Giao thông ở Thăng Long – Hà Nội trong thời phong kiến tồn tại như một hệ thống, nằm trong và không tách rời tổng thể kinh tế – chính trị – xã hội – văn hóa. Những tập quán đi lại, phương tiện đi lại hình thành, phát triển và lụi tàn chủ yếu do nhiều tập quán xã hội khác chi phối (giao thông bằng voi là một ví dụ).
2. Người (ở) Thăng Long – Hà Nội tham gia giao thông trong thời phong kiến với tinh thần hồn nhiên trên cái nền văn hóa chung của người Việt. Nét lớn đặc trưng của nền văn hóa đó là “thuận – theo” mà không “xung đột”, “khai thác”, “tận dụng” nhiều hơn “cải tạo”, “chinh phục”. Đương nhiên, giao thông trong thời phong kiến không có những vấn nạn gây “sức ép” xã hội như giao thông đương đại – do mức độ phát triển của đô thị còn đang ở mức sơ khai (cả về diện tích, số dân cũng như kết cấu), do phương thức sản xuất còn đang trong thời kỳ phong kiến, quy mô và trình độ kỹ thuật sản xuất còn nhỏ lẻ, thô sơ. Thời đó, đất rộng, người thưa, phố phường dẫu có đông đúc cũng chỉ tạm thời, trong chốc lát. Mọi việc liên quan đến trật tự giao thông đều do người dân tự giải quyết. Xã hội phong kiến chưa (và không) cần có riêng một cơ quan đảm nhiệm chức năng quản lý điều tiết giao thông đô thị.
Điều này ở Hà Nội cũng giống như tất cả các đô thị khác (ở Việt Nam) cùng thời… Sự quan tâm của chính quyền phong kiến ở Thăng Long với các công trình giao thông công cộng khá mờ nhạt, không thể so sánh với mức quan tâm tới hệ thống đê điều – cũng vì những đặc trưng của một nền nông nghiệp trồng lúa phụ thuộc vào nước tự nhiên trên một mảnh đất nhiều bão, lụt, thiên tai.
Trong thời phong kiến, ở Thăng Long – Hà Nội chưa (không) thấy có những xung đột về giao thông cũng như văn hóa giao thông. Hay nói cách khác, giao thông ở Thăng Long – Hà Nội trong thời phong kiến không phải là nơi (và chưa) thể hiện rõ những xung đột xã hội (như một số lĩnh vực khác). Tuy rằng việc sử dụng các phương tiện giao thông ở Thăng Long – Hà Nội cũng có những quy định, giới hạn liên quan đến đẳng cấp, vị trí xã hội của người sử dụng.
Ảnh minh họa
Thời cận đại, giao thông Hà Nội du nhập nhiều yếu tố mới từ phương Tây. Cũng từ giai đoạn này giao thông Hà Nội đã được người Pháp quy hoạch cùng với quy hoạch đô thị Hà Nội. Trong quá trình phát triển đô thị, những nhà cầm quyền có những sự điều tiết trên lĩnh vực giao thông để điều hòa những bất cập: giới hạn số phương tiện, quy định về chất lượng các phương tiện, các chính sách nhập khẩu phương tiện và phát triển các dịch vụ kèm theo, phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Những điều tiết đó đã có tác dụng trong phạm vi của nó, đáp ứng ý đồ của những người ra mệnh lệnh và cũng đã làm hình ảnh giao thông ở Hà Nội đẹp hơn.
Sau năm 1954 – do nhiều nguyên nhân – Hà Nội có sự “đứt gãy” về quy hoạch đô thị (không có quy hoạch dài hạn, sự phát triển đô thị chỉ “bám” theo những tuyến đường đã có…) trong khoảng thời gian khá dài (tạm tính cũng khoảng gần 50 năm). Giao thông Hà Nội cũng nằm trong sự “đứt gãy” này. Cho đến khi những vấn nạn giao thông đô thị hiển hiện và đặt ra yêu cầu nóng bỏng là phải tháo gỡ khẩn cấp, những nhà quản lý đô thị Hà Nội mới như “sực tỉnh” và nhận ra rằng tất cả những sự lộn xộn, bất cập đang diễn ra hôm nay là hệ quả “nhỡn tiền” của cả một thời kỳ “ngủ quên” nhiều năm trước.
3. Nhìn từ lịch sử có thể thấy những yếu tố văn hóa truyền thống trong giao thông ở Thăng Long – Hà Nội. Những yếu tố này còn tồn tại cho tới hôm nay – cả những ưu điểm (thái độ ứng xử hiền hòa với thiên nhiên và với nhau, sự thông minh, sáng tạo khi tạo ra và sử dụng các phương tiện…) và cả những hạn chế (thói tùy tiện, tác phong tạm bợ, tầm nhìn ngắn của một xã hội tiểu nông…
Dưới góc nhìn lịch sử – văn hóa, để giải bài toán giao thông ở Hà Nội hôm nay trước hết cần thay đổi nếp tư duy. Khi nếp nghĩ tiểu nông kết hợp với lối tư duy đậm màu sắc “duy ý chí” – sẽ cho ra đời những quyết định, mệnh lệnh, áp đặt, bất khả thi (kiểu như cấm xe máy ngoại tỉnh đi vào nội đô, xe máy biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ, thậm chí cấm “tiệt” xe máy trong nội thành Hà Nội…
Hạ tầng kỹ thuật có thể được xây dựng với tốc độ nhanh – chỉ cần tập trung đầu tư vốn và kỹ thuật. Nhưng còn phải có một tầm nhìn dài hạn trong việc tìm cách điều chỉnh để tìm lại sự hài hòa, phát huy những ưu điểm và loại trừ dần những bất cập – bắt đầu từ tư duy – trong việc phát triển giao thông và văn hóa giao thông ở Hà Nội. Phải đặt “nặng” hơn yếu tố văn hóa trong các tính toán phát triển hạ tầng kỹ thuật và quản lý giao thông. Những sự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông phải luôn đi cùng với những đầu tư phát triển văn hóa giao thông. Phương tiện giao thông tiên tiến, công trình giao thông hiện đại sẽ không còn ý nghĩa hiện đại nữa nếu những người tham gia giao thông không có (và không giữ) ý thức văn hóa giao thông. Nếu sự phát triển ý thức văn hóa của mỗi người tham gia giao thông không theo kịp sự phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật của đô thị và giao thông đô thị (như đang thấy rõ hiện nay) sẽ diễn ra sự bất lực của các nhà quản lý và sự (phá hoại) hư hỏng nhanh chóng những phương tiện vật chất.
Ngô Vương Anh – Theo Nhân dân