Hàng năm, cứ mỗi khi mùa mưa đến, nhất là sau những trận mưa với cường độ lớn, chuyện một số tuyến phố của Hà Nội bị ngập nước đều được dự báo trước và coi như là “chuyện bình thường ở huyện”, nhưng để tìm giải pháp làm sao để phòng và chống ngập một cách hiệu quả vẫn là vấn đề nan giải, làm đau đầu các cơ quan chức năng, các chuyên gia quy hoạch…
Bài toán quy hoạch mới
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, với lưu lượng mưa lớn khoảng 100mm/2 giờ, 4 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng vẫn còn khoảng 10 điểm úng ngập cục bộ tại một số tuyến phố như phố Cao Bá Quát, ngã năm Bà Triệu, phố Thái Hà… Đây là những tuyến đường có mật độ người tham gia giao thông khá lớn, khi bị ngập sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện, gây tắc đường, rác bị ứ đọng, môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy, dự thảo mới về Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được đưa ra thảo luận trong cuộc họp mới đây của UBND TP Hà Nội với những giải pháp cụ thể tập trung mục tiêu chủ yếu là cải thiện khả năng thoát nước của Hà Nội, được coi là hướng đi mới nhằm từng bước xóa bỏ ngập úng ở trung tâm Thủ đô khi mưa lớn, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, đạt hiệu quả cao về kinh tế – xã hội.
Dự thảo quy hoạch phạm vi thoát nước bao gồm đô thị trung tâm, năm đô thị vệ tinh, hai đô thị sinh thái, khu vực vùng ven đô thị, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.028,3km2, tổng dân số được phục vụ đến năm 2030 khoảng 6,2 triệu người. Giải pháp vùng tiêu thoát lũ là vùng tiêu Tả Ðáy – sông Nhuệ, sông Hồng, sông Ðáy; vùng Hữu Ðáy, sông Tích, sông Ðáy, sông Bùi (toàn bộ sông Tích, sông Ðáy trong địa phận Hà Nội sẽ được cải tạo tăng công suất tiêu thoát lũ vào sông Ðáy). Ðối với vùng tiêu bắc Hà Nội là sông Hồng, sông Ðuống, sông Cà Lồ. Tổng mức chi phí đầu tư hệ thống thoát nước đến năm 2030, dự kiến sẽ vào khoảng 116.417 tỷ đồng, trong đó phải sử dụng tối đa các loại nguồn vốn như vốn ODA, BT, PPP, ngân sách thành phố và xã hội hóa. Ngoài ra, quy hoạch còn đề xuất giải pháp tiên tiến của thế giới đó là thoát nước bền vững, thân thiện với môi trường, áp dụng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng cho các đô thị xây dựng mới, dự kiến sẽ đáp ứng được trận mưa lặp lại chu kỳ 10 năm, đồng thời tính toán đến kịch bản biến đổi khí hậu khi lượng mưa tăng lên 5%…
Quy hoạch cần gắn với thực tế
Trên thực tế, cảnh ngập lụt đường phố xảy ra mỗi khi mùa mưa đến không còn xa lạ với người dân thủ đô. Và cứ mỗi lần như thế, cả TP lại phải “họp” để tìm cách phòng chống. Những nỗ lực của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cùng những dự án được đầu tư hàng triệu USD vẫn chưa thể giải quyết hết nỗi lo “mưa to đường ngập”. Hệ thống thoát nước (HTTN) phải gồng mình bơm, tiêu, thoát nước nhưng vẫn không mấy hiệu quả, người dân tại những nơi thường xuyên ngập lụt lại phải bì bõm lội trong biển nước, không khỏi lắc đầu ngao ngán nhìn đường biến thành sông.
Kinh phí để giải quyết được tình trạng úng ngập tại một số tuyến phố mà Hà Nội phải chi khoảng 116.417 tỷ đồng đến năm 2030 không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đầu tư mang lại hiệu quả cao. Ðó lại thuộc về lĩnh vực quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống thoát nước TP gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị, nên rất cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng có chuyên môn và của cả người được thụ hưởng, tức là người dân. Có nghĩa là thông qua giám sát, mới đánh giá đúng thực trạng, phát huy những sáng kiến có ích, tìm ra những giải pháp cụ thể, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những thiếu sót cần khắc phục giống như giải một bài toán cân bằng phương trình để tìm ra các ẩn số x, y đúng với đầu bài giao.
Một yếu tố quan trọng không kém trong việc góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị chính là ý kiến đóng góp của người dân – nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng, phát triển đô thị bền vững. Nếu việc giám sát được công khai cũng sẽ khắc phục khó khăn, vướng mắc bấy lâu trong quy hoạch là tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch mới đè lên dự án cũ. Vì thế, phải giám sát ngay từ khâu thực hiện quy hoạch trên giấy cho đến thời điểm dự án hết hạn “bảo hành”, thậm chí cả thời gian sau nữa, để giảm thiểu phản ứng trong xã hội, gây lãng phí đầu tư.
Bài toán về quy hoạch thoát nước đô thị vẫn chưa có lời giải bởi sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa trước khi có quy hoạch chính thức. Nhưng để quy hoạch mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch… cần phải đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện tương ứng về thực trạng hệ thống mạng lưới tiêu thoát nước cũng như cơ sở hạ tầng trước khi xem xét, cho phép xây dựng các dự án, các công trình xây dựng như nhà ở, trung tâm thương mại, mở rộng đường tại các khu vực này. Có như vậy, trong thời gian sắp tới (năm 2014), tức là sau khoảng 2 năm nữa, khả năng thoát nước của HTTN TP Hà Nội sẽ được cải thiện đáng kể, 3/4 TP sẽ không bị úng ngập khi gặp phải những trận mưa có cường độ 310mm trong 2 ngày đúng như sự kỳ vọng của ông Lê Văn Dục – PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội đối với bản dự thảo quy hoạch mới HTTN Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo Báo xây dựng