Cùng với nhiều hoạt động lớn trong năm 2012, tuyển chọn, công nhận công trình kiến trúc xanh là một chương trình chủ điểm của Hội KTS Việt Nam. Hội vừa phát động cuộc tuyển chọn và sẽ công bố, trao giải, triển lãm vào cuối tháng 4 tới. Chủ tịch Hội – KTS Nguyễn Tấn Vạn đã có một số chia sẻ xung quanh vấn đề phát triển kiến trúc xanh hiện nay.
– Đâu là mục tiêu hướng tới của các hoạt động cho chương trình hành động vì kiến trúc xanh (KTX) dịp này thưa ông?
– Tuyên ngôn KTX đã được Hội công bố tháng 4/2011, các hoạt động hướng tới việc tuyển chọn công trình KTX lần này là nhằm hiện thực hóa tuyên ngôn đó, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về KTX cho các nhà đầu tư xây dựng, các hội viên Hội KTS Việt Nam, các nhà thiết kế, nhà sản xuất liên quan, cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư; thực hiện tuyển chọn và công nhận những công trình kiến trúc đạt chuẩn KTX Việt Nam để thúc đẩy việc phát triển nền kiến trúc Việt Nam thân thiện môi trường, phù hợp xu thế phát triển bền vững chung.
– Hiện nay, khái niệm KTX vẫn chưa phổ biến trong xã hội và trong bối cảnh ô nhiễm, suy thoái tài nguyên, mai một các di sản kiến trúc truyền thống…, xem chừng vấn đề này cũng đứng trước nhiều thách thức?
– KTX đã phát triển lâu dài ở nhiều nước, có những hiệu quả tích cực đối với trái đất. Nhiều người hiểu lầm KTX là sử dụng nhiều cây xanh. Có một số người cho rằng KTX là xu hướng dành cho người giàu, cho những nước giàu. Nhưng không phải! Những nước nghèo cũng có thể phát triển KTX, làm cho đời sống của chúng ta tốt hơn, hạn chế và chống lại sự hủy hoại môi trường, bảo vệ bền vững không gian sống. Điều này chúng ta thực hiện bằng các công trình KTX, hài hòa thiên nhiên, thân thiện với môi trường, nhìn nhận xu hướng đúng cho tương lai để phát triển tốt hơn.
Một công trình của KTS. Võ Trọng Nghĩa – một ví dụ về kiến trúc thân thiện với môi trường.
– Là vấn đề mới nên việc xác định các tiêu chuẩn để đánh giá công trình KTX xem ra cũng không đơn giản?
– Nhiều nước trên thế giới đều có hội đồng KTX với những tiêu chí của mình. Phải nghiên cứu, đặt trong hoàn cảnh của mình. Nhiều nước đưa ra những tiêu chí về công nghệ cao, sử dụng những phương tiện đắt tiền trong việc hạn chế tiêu thụ năng lượng, sử dụng hợp lý hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ sinh hoạt… Nhưng nếu chỉ là công nghệ thì ở ta, chính quyền và người dân chưa đủ sức. Bởi thế, phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống và tinh thần hướng về thiên nhiên.
Hội đưa ra 5 tiêu chí của mình như sau: Địa điểm bền vững, môi trường bên trong có chất lượng, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, hòa nhập môi trường nhân văn, kiến trúc hiện đại, có bản sắc. Những công trình tiêu biểu, đáp ứng những tiêu chí đó sẽ được cấp bằng công nhận công trình KTX. Việc này cũng thể hiện tư tưởng, thái độ, xu hướng tích cực của Hội đối với vấn đề ở và sống của xã hội.
– Hội ra thời gian ngắn để gửi hồ sơ dự tuyển, sau đó xét chọn và trao giải, làm sao kịp đi khảo sát, đo đạc với từng công trình, thưa ông?
– Tiêu chí của giải KTX không nệ vào công nghệ nên sẽ không mất thời gian đi đo đạc 6 tháng như ở nước ngoài. Hội đồng cần sự cung cấp số liệu chính xác nhưng đó không phải là sự quyết định mà chủ yếu là tinh thần hướng về thiên nhiên. Các bạn cũng thấy, thời gian này đang khởi động, chúng tôi hướng đến tuyên truyền, khích lệ giới nghề và xã hội quan tâm đến vấn đề này. Giải KTX sẽ được vinh danh trong một đêm Gala tại Triển lãm kiến trúc quốc gia. Tại đây sẽ có sự gặp gỡ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước với việc trưng bày, giới thiệu những xu hướng, tư tưởng mới, hướng về KTX, công trình xanh, công nghệ xanh, vật liệu xanh… Chúng tôi muốn đưa ra những vấn đề này như một gợi ý giải pháp cho không gian, điều kiện, phong cách sống của chúng ta trong những thập kỷ tới.
– Xin cảm ơn ông!
Hoàng Thi – Theo suckhoedoisong