Tết Hà Nội cách đây mươi năm
Tết là gì mà ai cũng phải động lòng mỗi khi Tết đến ? Nhưng thời Hà Nội đạn bom thì cái Tết nó thiêng liêng khủng khiếp . Mỗi dịp Tết là chờ đợi mong ngóng đến cái ngày chen chúc tầu xe lần mò về Hà Nội .Nơi ấy có cha mẹ anh em xúm xít trong căn phòng nhỏ xíu có hộp mứt bé tí , có bánh trưng nóng hổi , có bữa ăn tươi để rồi ít hôm lại lên đường về miền quê tối tăm đèn dầu – nơi mươi ngày trước vừa mới rời đi . Nhớ lắm chuyến tầu đêm qua ga Gia Lâm vượt lên cầu Long Biên vào Hà Nội . Cái vệt đèn sáng phố phường như hàng ngàn ngôi sao trên trời sà xuống mặt đất hẳn còn in rõ trong tâm khảm những đứa trẻ về Thủ đô ăn Tết cho đến muôn năm sau. Những cái Tết thiếu thốn đủ bề nhưng Tết trở thành cái đích cao nhất để cả xã hội gắng gượng lo toan cho ra cái Tết.
Nhớ cái Tết trai trẻ hẹn hò yêu dấu , giận dỗi đấy mà lại quyên ngay đấy…Chỉ vì Tết nên không ai nỡ nặng nhời. Những cái Tết lo toan nhặt nhạnh , vun vén cho bằng chị bằng em , những cái Tết bồng bế con trẻ rong chơi , ồn ào bi bô những lời chúc tụng ….ấy là những cái Tết mỗi lần đi qua làm ta già đi một ít .
Hồi mới đi làm, chúng tôi thuộc loại tháo vát, nến gần Tết là được cơ quan cử làm “ kế hoạch ba “ : Thiết kế nhà kho cho Công ty cá Hồ Tây trên đất làng Yên Phụ (bây giờ có cái KS HanoiClub chiếm chỗ) . Thiết kế phí trả bằng mẻ cá đánh ở Hồ Tây , cả cơ quan , nhà nào cũng có nồi cá kho đầy ắp . Năm thì thiết kế chuồng lợn cho nông trường Tam Thiên Mẫu , trả công bằng đàn lợn thịt . Sân cơ quan ngày Tết lợn kêu eng éc đinh tai.
Ôi những cái Tết thèm thuồng đủ thứ mà cuối cùng ai ai cũng thèm Tết . Có phải giờ đây Tết thừa thãi nên cái Tết đã nhạt dần? Có phải bây giờ Hà Nội lớn quá nên chẳng còn đâu ranh giới giữa phố và quê nên Tết chẳng còn hương vị mộc mạc của quê và cũng mất luôn cái hào hoa kiểu cách của phố? Giờ đây những ngày Tết Hà Nội thực sự mong đợi là đường phố vắng hoe . Mỗi khi Tết đến , hàng triệu người rời phố về quê , để lại khung cảnh của phố cách đây mấy mươi năm , ấy là phố Hà Nội trong ba ngày Tết.
Ngày Tết ở Hội An
Gần đến Tết , chợ Hội An đông dần . Người ta kẻ trên đường phố các vạch vôi để các sạp hàng bán quà Tết . Cũng bánh kẹo ô mai , nhưng Hội An có món đặc sản – bánh dẻo Hội An gói bằng lá chuối . Món quà quý nữa là gỗ trầm đốt cho thơm cửa nhà và một gói cát trắng để đánh sáng đồ thờ bằng đồng . Những món quà Tết nhỏ bé , chỉ vài nghìn một món mà đem lại cả hương vị Tết và chỉ có dịp Tết
Tiết xuân mưa bụi bay bay ,chỉ vài bước chân ra bên ngoài phố cổ là những cánh đồng trồng rau , trồng lúa. Bên một thửa ruộng , một con mương đang đổ bê tông – Hình ảnh hiếm hoi trên cánh đồng ven đô khắp nơi đang bị hoang hóa hàng ngày, các công trình thủy lợi bị lãng quyên , xuống cấp ….tràn lan nham nhở san ruộng làm nhà , bán đất .
Xóm chài bên sông Hoài, đường bê tông mới xây sát mép nước làm cho xóm có tên mới là Cầu Kè ,trên bến là ngôi miếu của xóm. Ngày giáp Tết , các ngư dân sang sửa miếu thờ khang trang tươm tất , bầy lên lễ vật giản dị nhưng lễ nghi rất thành kính .
![]() ![]() |
Miêú Thờ xóm chài Cầu Kè – thôn Thanh Nam . Mua bán nhộn nhịp dưới mái nhà cổ và ban thờ trên ban công |
Buổi sáng trên phố: dưới hiên nhà rêu xanh mọc thành tầng thành lớp nhộn nhịp bán mua , trên lan can tầng hai : một bà cụ đang thì thầm trước ban thờ trời đất… Hội An đã hơn hai chục năm hội nhập với du lịch ồn ào , nhưng cái không khí cổ xưa , cũ kỹ vẫn cứ đọng lại, ngưng lại trên từng con phố , mảnh vườn , bến thuyền làm cho ta thấy Tết ở đây vẫn còn mãi với ngày qua .
Có có phải đất quê ta làm ra cái Tết
Tháng 12/2011, Hội An tổ chức diễn đàn “ Tuyên truyền bảo vệ di sản …“. Có nhiều phát hiện mới về Hội An vượt ra khỏi hình ảnh Chùa Cầu, phố Cổ , đèn lồng …Trong một đoạn phim do bạn quốc tế thực hiện đề cập đến vị trí Hội An nằm giữa đất nước , sự cân bằng về địa lý , giữ được cân bằng giữa sự khác biệt vùng miền , sự đa dạng nhiều nguồn văn hóa . Hình ảnh “ Con rồng ẩn “ để ẩn dụ sức mạnh cân bằng giúp Hội An giữ được những giá trị bền vững của truyền thống trước những đổi thay , biến cố lịch sử.
Hội An còn đạt đến sự cân bằng giữa đất và nước . Là thành phố cửa sông , Hội An đang chứng tỏ khả năng thích ứng với biến đổi của tự nhiên : mưa bão , lũ lụt , triều cường . Với dân số trên 100 nghìn người , diện tích tự nhiên 65km2 , Hội An có diện tích mặt nước và vùng bán ngập rộng 2/3 diện tích tự nhiên . Mặt nước , ruộng trũng Hội An đang được đánh giá làm đa dạng cảnh quan , không gian chuyển hóa sinh học , đủ lượng để trở thành đơn vị cân bằng sinh thái . Khu vực này đảm bảo an sinh cho cư dân nông ngư nghiệp và đang được nghiên cứu kết hợp khai thác du lịch .
Trong năm 2011, kinh tế toàn cầu khó khăn , du lịch chịu nhiều ảnh hưởng nhưng Hội An vẫn đón 1,5 triệu du khách trong nước và quốc tế . Hy vọng năm tới , không gian xanh ruộng vườn sông nước Hội An sẽ là đích đến của hàng triệu du khách . Ngay cả khi du lịch gặp khăn thì đất/nước và con người Hội An cũng dễ lấy lại được cân bằng/ chủ động ổn định đời sống.
Quay lại với cái Tết ,cái thời khắc mong đợi của người Việt có nguồn gốc xâu xa của nền kinh tế nông nghiệp , Tết Hội An vẫn còn đó nhiều nét đẹp vốn có từ xưa. Trở lại với sự cân bằng bền vững để đương đầu với những thử thách , đổi thay , Hội An rất có thể là một ví dụ tốt để chúng ta chiêm nghiệm
Trao đổi với chúng tôi về tương lai Hội An , một vị lãnh đạo Thành phố cho biết : “ Hội An không chỉ bảo tồn khu phố cổ mà còn bảo tồn đất ruộng , khung cảnh nông nghiệp bên ngoài khu phố cổ . Ngay trong lòng phố , nhiều không gian Xanh được giữ lại làm công viên , cây xanh . Thành phố Hội An không đặt ra câu hỏi những khu đất trống sẽ xây dựng gì lên đó mà cố gắng dành lại , hạn chế xây dựng dày đặc “ .
Hy vọng với cách nghĩ cách làm ấy , Hội An mãi là hình ảnh đẹp trong lòng du khách . Hội An giữ được mầu Xanh quê hương , giữ mãi được hơi ấm của mùa Xuân , của những cái Tết Việt Nam.
Trần Huy Ánh ,
Đêm 30 Tết Nhâm Thìn
Ghi chú : Ảnh nguồn : Hanoidata
Theo Vland – Vietnamnet