Một khoảng trống ngày thường vốn là đường phố quen thuộc bỗng chốc trở nên mới mẻ, sinh động vào những ngày Tết đem lại sức hấp dẫn lớn trong đời sống văn hóa đô thị. Đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) hay Phố hoa (Hà Nội)… đang trở thành một sự kiện cảnh quan không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân đô thị mỗi độ Tết đến, Xuân về. Sự tham gia của hàng vạn người trong các dịp lễ hội hoa là một minh chứng cho thấy nhu cầu của công chúng đối với việc thưởng thức loại hình nghệ thuật công cộng mới này.
Đường hoa Nguyễn Huệ trong ngày Tết cổ truyền luôn có một chất liệu điển hình của văn hóa phương Đông làm cơ sở tạo sự khác biệt cho từng năm là hình tượng con giáp của năm đó. Hình ảnh con giáp này luôn là một gợi ý rất tốt cho nhà thiết kế không chỉ với biểu tượng cổng chào đầu đoạn mà còn có thể cho những ý tưởng khác trên toàn bộ thiết kế; chẳng hạn như hình tượng Cọp năm Canh Dần gắn với rừng núi, hình tượng Mèo năm Tân Mão gắn với nhà ở, hình tượng Rồng năm Nhâm Thìn thì gắn với truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên…
Trên thế giới, tương tự với dạng cảnh quan sự kiện này chủ yếu là những lễ hội hoa, festival vườn cảnh hay dạng nghệ thuật sắp đặt đường phố (street installation art). Một số lễ hội hoa lớn thường có như: Hongkong Flower Show diễn ra vào tháng 3 hằng năm, Chelsea Flower Show được tổ chức trong tháng 5, International Garden Festival đã trải qua 12 năm tổ chức liên tiếp (từ năm 2000), Flower Parade vào tháng 4 ở Hà Lan, Carnival of Nice diễn ra tại Pháp vào tháng 2…). Mỗi sự kiện có đặc thù, sức hấp dẫn riêng. Song tất cả đều là những bài học kinh nghiệm tốt cho việc thể nghiệm loại hình này trong điều kiện Việt Nam.
Cảnh quan sự kiện chỉ xuất hiện vào những thời điểm đặc biệt trong năm và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là một đặc điểm tự nhiên và tất yếu. Có nhiều ý kiến bày tỏ mối quan ngại rằng đây là sự lãng phí vì đã đầu tư quy mô nhưng cái đẹp lại không thể tồn tại lâu hơn hoặc trở thành cố định. Song chính vì cảnh quan ấy có tính tạm thời, tính sự kiện nên mới tạo ra sự bất ngờ và hấp dẫn khi một nơi chốn quen thuộc ngày thường bỗng chốc “biến hình”, trở nên xanh tươi hơn, màu sắc hơn, rực rỡ hơn và tràn ngập không khí lễ hội. Cũng chính tính chất sự kiện tạm thời này đã tạo nên những thách thức đối với người thiết kế, đó là:
Thứ nhất: Giải pháp thiết kế phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hiện trạng. Sau khi kết thúc sự kiện thì con đường hoặc khu công viên đó phải được trả lại nguyên trạng.
Chủ đề trang trí chuột – Tết Mậu Tí 2008
Thứ hai: Vì tính tạm thời nên thời gian thi công cũng rất hạn chế và giải pháp thiết kế phải đảm bảo có thể thi công tiền chế, chỉ cần lắp ráp nhanh gọn tại công trường.
Thứ ba: Vì chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, do đó chi phí đầu tư không cao, cũng có nghĩa là các chất liệu sử dụng là loại dễ kiếm, giá thành thấp hoặc có thể tái chế được.
Thứ tư: Vì ba lý do trên nên nhà thiết kế phải “vắt óc” đưa ra giải pháp sao cho vừa hài hòa với hiện trạng đã cố định. Đồng thời, các lần thực hiện phải mang nét đặc sắc khác nhau, trong khi chất liệu chỉ hạn chế trong một số chủng loại nhất định nhưng vẫn phải đáp ứng thẩm mỹ thị hiếu đông đảo công chúng, đồng thời cũng thể hiện được chủ đề từng năm theo yêu cầu nhiệm vụ thiết kế của chủ đầu tư.
Sản phẩm thiết kế cảnh quan sự kiện ở nước ngoài dường như mang nhiều dấu ấn cá nhân hơn. Còn ở Việt Nam, mặc dù sản phẩm là của cá nhân kiến trúc sư nhưng vẫn phải bắt đầu bằng một đề bài, một chủ đề đặt ra trước của giới quản lý và chủ đầu tư. Nói cách khác, sản phẩm cảnh quan sự kiện phải phản ánh được ý chí tập thể thông qua sự sáng tạo đậm chất cá nhân của người thiết kế. Nghệ thuật thăng hoa khi cá tính của người thiết kế nhận được nhiều sự đồng cảm từ đông đảo mọi người.
Cách tạo hình, quan niệm thẩm mỹ, bố cục không gian… vẫn là riêng của nhà thiết kế, sao cho vẫn thỏa mãn được yêu cầu chung. Chính sự cá tính, không ngừng sáng tạo làm mới mình sẽ tạo nên tính cạnh tranh. Có lẽ thách thức thứ tư là thách thức lớn nhất, khó khăn nhất đối với việc thiết kế và dựng nên một cảnh quan sự kiện. Thách thức đó tạo áp lực và đặt ra yêu cầu rất cao đối với đơn vị tư vấn thiết kế. Kinh nghiệm của công tác thiết kế thể loại cảnh quan sự kiện với các đường hoa, lễ hội hoa cho thấy điểm mấu chốt đưa đến thành quả tốt đẹp cuối cùng của sản phẩm chính là sự phối hợp chặt chẽ trong toàn nhóm thiết kế. Mỗi thành viên trong nhóm thiết kế đều có một sở trường riêng và một cá tính mạnh nên có thể nói chất kết dính duy nhất cho những cá tính ấy chỉ có thể là sự chia sẻ niềm đam mê sáng tạo, yêu thích những sản phẩm mình đã, đang và sắp sửa tạo tác.
Chủ đề trang trí năm Canh Dần 2010
Bên cạnh năng lực sáng tác của đội ngũ thiết kế, sản phẩm thiết kế còn cần có các chất xúc tác là những đòi hỏi, yêu cầu cao của chủ đầu tư kỹ tính, sự đồng hành từ giai đoạn thiết kế của đội ngũ quản lý, thi công cũng như các công tác tổ chức đồng bộ khác ngay từ ban đầu đến tất cả giai đoạn tiếp sau đó.
Cảnh quan sự kiện ở Việt Nam bước đầu đã tạo được dấu ấn và chiếm được nhiều cảm tình của đông đảo người dân. Thành tựu ấy có lẽ đã xuất phát từ sự lựa chọn giải pháp ứng xử phù hợp làm cơ sở thiết kế, trong đó bao hàm cả những yếu tố truyền thống và sự sáng tạo đổi mới không ngừng trên nền tảng truyền thống đó. Đó là những chất liệu mộc mạc (tranh, mây, tre, nứa, lục bình, gốm, đất nung…) vốn đã rất gần gũi với dân tộc Việt trọng nông, sống bằng nghề nông trước đây. Và nay, ở giữa lòng đô thị, nơi của bê tông, thép, kính… lại càng trở nên hấp dẫn, cuốn hút hơn. Đó là những chất liệu hoa quen thuộc, không đắt tiền, nhiều màu sắc, được sắp xếp theo những bố cục khác nhau, tạo sự mới lạ trong một bảng màu đã trở thành thương hiệu. Đó là những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian, những nét đặc trưng văn hóa của mọi miền đất nước, những chủ đề mang tính thời sự, làm nền ý tưởng cho những tiểu cảnh, đại cảnh trang trí.
Ví dụ đường hoa Nguyễn Huệ trong ngày Tết cổ truyền luôn có một chất liệu điển hình của văn hóa phương Đông làm cơ sở tạo sự khác biệt cho từng năm là hình tượng con giáp của năm đó. Hình ảnh con giáp này luôn là một gợi ý rất tốt cho nhà thiết kế không chỉ với biểu tượng cổng chào đầu đoạn mà còn có thể cho những ý tưởng khác trên toàn bộ thiết kế; chẳng hạn như hình tượng Cọp năm Canh Dần gắn với rừng núi, hình tượng Mèo năm Tân Mão gắn với nhà ở, hình tượng Rồng năm Nhâm Thìn thì gắn với truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên…
Hoặc như Festival hoa Đà Lạt thì mỗi đợt tổ chức chọn một loài hoa chủ đạo để làm chủ đề xuyên suốt và cũng từ đó thiết kế ra các thành phần khác trong tổng thể. Phương thức ứng xử trong thiết kế lấy sự gần gũi, quen thuộc từ các yếu tố truyền thống đưa vào hơi thở thời đại có lẽ cũng đạt được hiệu quả tốt trong hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam đối với một loại hình nghệ thuật công cộng mới này. Và cũng từ đó, cảnh quan sự kiện ở Việt Nam đã mang một cá tính đặc trưng riêng, không giống bất kỳ dạng nghệ thuật công cộng ở nơi nào khác.
Chủ đề trang trí Mèo – Tết Tân Mão 2011
Cuối cùng, qua thực tiễn có thể nhận định rằng loại hình cảnh quan sự kiện này đã và đang là một dấu ấn mới trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan vốn cũng còn đang trong giai đoạn bắt đầu hòa nhịp cùng thế giới. Sức hấp dẫn cũng như sự gắn bó với công chúng và ý nghĩa xã hội của cảnh quan sự kiện đã được kiểm chứng, còn đối với giới chuyên môn thì đây cũng là một sân chơi mới nhiều thách thức nhưng cũng rất xứng đáng để thử sức sáng tạo. Vẫn còn nhiều không gian đang chờ đợi bàn tay của kiến trúc sư, các nhà thiết kế để cho ra đời những tác phẩm đậm chất sáng tạo rất riêng và cũng rất “công cộng” của một loại hình nghệ thuật cảnh quan mới – NGHỆ THUẬT CẢNH QUAN SỰ KIỆN.
ThS.KTS. Vũ Việt Anh – KTS. Khổng Minh Trang
Nguồn ảnh: Tác giả
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 12/2012