“Không bao giờ là quá muộn để xây dựng một cuộc sống tiện nghi và mang tính bền vững” – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam Ngô Doãn Đức khẳng định.
KTS Ngô Doãn Đức – P.CT Hội KTSVN – Ảnh: Thái Linh |
Kiến trúc hiện nay đã “xanh”?
Trong những năm qua, tình hình xây dựng ở các đô thị phát triển mạnh mẽ theo đà tăng trưởng kinh tế. Tại các đô thị, nhà ở do dân tự xây dựng và các dự án khu đô thị mới, các công trình cao tầng, thương mại đang được phát triển nhanh chóng.
Theo điều tra, khảo sát của Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, việc chú trọng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, sinh thái trong công tác quy hoạch và thiết kế kiến trúc chưa được coi trọng. Năng lượng tiêu thụ khu vực nhà ở và các công trình công cộng hiện đang chiếm 25-30%. Theo Bộ Công Thương, điện năng sử dụng trong sinh hoạt hiện chiếm khoảng 40% tổng điện năng tiêu thụ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực nhà ở và công trình công cộng giai đoạn vừa qua là 18% hàng năm mà có thể cao hơn trong thập kỉ tới.
Việc xây dựng và quy hoạch tổng thể còn thiếu đồng bộ, quy hoạch luôn chạy sau xây dựng, những người có trách nhiệm, chuyên môn chỉ có thể kiềm chế người dân, điều đó khiến bộ mặt các thành phố lớn lởm chởm và lô xô. Nhiều thiết kế kiến trúc công trình chưa chú trọng tới yếu tố phù hợp với điều kiện khí hậu, hướng công trình hay khả năng cách nhiệt. Đặc biệt, trong khu vực kiến trúc còn thiếu các hướng dẫn, mô hình quản lý nhằm sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế phát thải ra môi trường.
Hậu quả quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ
Ngoài ra, nhu cầu xây dựng và sử dụng nhà ở của người dân cũng là một lý do khiến quy hoạch kiến trúc thiếu nhất quán và đồng bộ. Nhu cầu về nhà ở của người dân tại các thành phố lớn chỉ là nơi để sinh sống, chưa có khái niệm về sự “thân thiện” với môi trường. Người dân Việt Nam thu nhập còn thấp, chỉ đạt 1.024USD/người, chuộng các công trình rẻ, có tính ứng dụng cao, đặc biệt là các ngôi nhà hình ống. Tuy vậy, các ngôi nhà dạng này có không gian sống chật hẹp, thiếu sự giao tiếp, liên kết với môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa nông thôn cũng khiến cơ cấu kiến trúc chung của nước ta mất dần màu “xanh” của thiên nhiên. Các ngôi nhà truyền thống dần bị thay thế bởi những ngôi nhà hiện đại, sử dụng các chất liệu không thân thiện, nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và phá hỏng cảnh quan nông thôn.
Điều này đòi hỏi nền kiến trúc Việt Nam cần có sự xem xét một cách toàn diện và nghiêm túc về mối quan hệ giữa phát triển và bảo vệ môi trường thiên nhiên, tìm kiếm giải pháp thích hợp để phát triển bền vững – phát triển xanh.
Xây dựng “kiến trúc xanh” tại Việt Nam
Có thể nói, cụm từ “phát triển bền vững” đã được đề cập và chính thức từ năm 1987 trong tuyên bố “Tư tưởng chung của chúng ta” của Ủy ban Môi trường và phát triển thế giới (WCED). Từ đó, các xu hướng phát triển “đô thị sinh thái”, “kiến trúc bền vững và đặc biệt là “kiến trúc xanh” được biết đến và sử dụng rộng rãi.
Kỹ sư sinh thái D. Porto định nghĩa “Kiến trúc sinh thái là một hệ thống cân bằng, không sản sinh ra chất thải, vì đầu ra của quá trình này sẽ trở thành đầu vào của quá trình khác”. Từ đó, có thể hiểu đơn giản kiến trúc “xanh” (green architecture) là một nền kiến trúc được tạo dựng và phát triển theo chiều hướng thân thiện với môi trường, có mối quan hệ sinh thái hài hòa giữa con người – kiến trúc – thiên nhiên.
Trước sự phát triển hiệu quả của mô hình kiến trúc sinh thái – kiến trúc xanh, Nhà nước đã có một hệ thống các văn bản nhằm định hướng kiến trúc hiện đại, đặc biệt ở các thành phố lớn như: Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam; Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến 2020; Điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050… Thêm vào đó, năm 2007, Hội đồng công trình xanh (VGBC) được thành lập, đây là bước đi mạnh mẽ của ngành Kiến trúc Việt Nam với việc xây dựng một mô hình kiến trúc thân thiện và hiệu quả.
Kiến trúc xanh. Ảnh minh họa
Tuy vậy, ở nước ta hiện chưa có nhiều công trình tuân theo mô hình “kiến trúc xanh” bền vững. Về vấn đề này, KTS Fabio de Bastiani, người đã có 02 công trình kiến trúc xanh ở Ý, nhận xét: “Ở Việt Nam do nhiều điều kiện cả về khách quan và chủ quan mà chưa thể xây dựng các công trình kiến trúc xanh mang tầm vóc”. Ông nói thêm “Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều lợi thế để xây dựng nền kiến trúc “xanh”, ví dụ như các vật liệu tự nhiên, chi phí thấp, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên cần chú ý, một công trình “xanh” phải là công trình có lợi có sức khỏe của con người, không đơn thuần là màu xanh của cây cối xung quanh”.
Muốn xây dựng cho một mô hình kiến trúc “xanh” cho Việt Nam, cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, tuy nhiên không thể dập khuôn máy móc mà phải có sự điều chỉnh để phù hợp với môi trường và điều kiện của nước ta. KTS Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: “Nước ta nằm trọn trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, nên cần giữ gìn và học hỏi từ các mô hình kiến trúc truyền thống “trống (sân), nửa kín nửa hở (hiên nhà), kín (nhà)”, từ đó phát triển trở nên hiện đại hơn”.
Bên cạnh đó, khi phát triển một nền kiến trúc hiện đại, cần tránh đô thị hóa nông thôn một cách thiếu định hướng và ồ ạt, làm mất đi những cảnh quan thiên nhiên vốn có của các vùng nông thôn. cần phải sự có phối hợp đồng bộ từ các bên liên quan, trong đó có sự ủng hộ của các nhà quản lý, các nhà đầu tư và các KTS để Việt Nam xây dựng thành công mô hình kiến trúc sinh thái – xanh.
KTS Ngô Doãn Đức khẳng định: “Không bao giờ là quá muộn để xây dựng một cuộc sống tiện nghi và mang tính bền vững”.
Vương Tâm – Theo Petrotimes