Hai, ba ngày qua, dân tình sống trong các chung cư của Hà Nội không ngớt xôn xao chuyện cư dân sống trong tòa nhà vào loại cao cấp nhất Việt Nam bị Ban quản lý tòa nhà cắt các dịch vụ thiết yếu nhất của cuộc sống thường ngày như điện, nước, thang máy… vì không chịu nộp phí dịch vụ do chủ đầu tư quy định!
Cư dân tại KengNam tập trung phản đối BQL tòa nhà – Ảnh Laodong |
Sự thể là, từ 12.00 trưa ngày 3/12 hơn 400 hộ dân của Tòa nhà Keangnam Landmark Tower trên đường Phạm Hùng-Hà Nội đã không thể về nhà của mình trên các tầng của tòa tháp nổi tiếng này, vì thang máy bị cúp điện, thang bộ bị khóa cửa. Thế là, trước cửa sảnh tòa nhà, hàng trăm người giăng biểu ngữ phản đối và la ó cách hành xử thô bạo, cửa quyền và thiếu văn hóa của Ban quản lý. Mặc cho trẻ con kêu khóc đòi về nhà trên tầng 48. Mặc cho người có mẹ già bị ốm nằm trên tầng 30 một mình nhưng không về chăm sóc được. Thế là, ở nơi chung cư cao cấp có giá siêu cao này diễn ra những cảnh bi hài: người này đem bếp than tổ ong ra đun nước uống, nấu mỳ tôm. Người kia mắc võng nằm ru đứa con đang khóc ngằn ngặt vì… mệt. Phải đến 21.30 khi đại diện chính quyền xã Mễ Trì, Ủy ban Nhân dân Huyện Từ Liêm có cả công an đi kèm thì đại diện chủ đầu tư Hàn Quốc và Ban Quản lý tòa nhà mới chịu ngồi đàm phán với đại diện cư dân ở đây. Sau một thời gia đấu lý, cuối cùng đại diện Ban Quản lý phải hứa sẽ nối lại các hoạt động dịch vụ, nhưng không chấp nhận yêu cầu đòi hỏi của cư dân Keangnam là thu phí dịch vụ tòa nhà theo quy định số 4520/QĐ-UBND ngày 29/9/2011 của Thành phố là 4.000đ/m2 thay vì 18.700đ như Ban quản lý thu hiện nay!
Nhiều ý kiến cho răng KeangNam đang coi thường pháp luật Việt Nam – Ảnh Laodong
Nghe chừng, thái độ của phía chủ đầu tư rất sắt đá. Quyết không nhân nhượng, với lý do tất cả đã được quy định rất rõ trong hợp đồng mua nhà và đã được người mua ký giấy trắng mực đen. Và phí trên rất phù hợp với tiện nghi cũng như cách thức quản lý chuyên nghiệp và hiện đại, văn minh của một chung cư siêu cao cấp như Keangnam này!
Bây giờ thì 400 hộ dân của tòa nhà cao cấp nhất Việt Nam đã ai về nhà nấy, ngủ yên trong các căn hộ có giá từ 5 đến gần 10 tỷ đồng kia. Nhưng cái án không chịu đóng lệ phí 18.700đ/m2 cho Ban quản lý vẫn cứ treo lơ lửng không biết đến khi nào giải quyết được. Và như thế, chuyện cắt điện, thang máy… sẽ lại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu Ban Quản lý muốn.
Liệu đó có phải là công trình “đẹp mà không đẹp”? – Ảnh Thái Linh |
Lâu nay, rất nhiều chung cư cao cấp ở Hà Nội luôn xảy ra chuyện căng thẳng giữa Ban Quản lý mà thực chất là chủ đầu tư với người mua nhà về các loại phí dịch vụ với giá trên trời… đến chỗ đậu xe ôtô, xe gắn máy. Rất nhiều chủ đầu tư đặt ra các quy định nghiêm ngặt quá mức gây phiền hà bức xúc cho người ở, như khách đến thăm phải xuất trình chứng minh thư ở bảo vệ, rồi chờ gia chủ đi thang máy xuống đón lên. Có người một ngày phải lên xuống 4-5 lần để…đón khách. Có người than, lúc nào cũng phải kè kè cái thẻ như đi ở tù?! Chặt chẽ là vậy, thế mà ngày 19/11 vừa qua, khi 4 tên côn đồ ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật xông vào chung cư đánh đập trọng thương anh Trần Thanh Hiền, chủ căn hộ A1803 của tòa nhà Keangnam, chỉ vì anh cùng các hộ dân ở đây biểu tình phản đối Công ty BĐS Mai Linh dựng rạp quảng cáo lấn chiếm sân chơi chung của tòa nhà, vậy mà các nhân viên bảo vệ ở đây đã nhẫn tâm làm ngơ, không can thiệp.
Trước các sự việc trên, một chuyên gia về pháp luật đã phải than rằng: Chủ đầu tư, nhất là người nước ngoài rất khôn ngoan, chặt chẽ khi thảo các hợp đồng kinh tế. Trong khi đó, người dân mình hiền lành quá, cả tin quá, ngây thơ quá và rất kém hiểu biết về pháp luật cho dù rất giỏi kiếm tiền, và có rất nhiều tiền. Vì thế khi kiện ra tòa, phần thắng rất ít. Mà nếu có thắng thì cũng phải tốn rất nhiều thời gian và cũng mất rất nhiều tiền.
Thế mới biết, không phải cứ có nhiều tiền là đã có một chỗ ở như ý trong thời buổi vàng thau lẫn lộn này. Và như thế, đâu chỉ người nghèo, mà người giầu cũng đang phải khóc!
KTS Phạm Thanh Tùng