1.Vỉa hè dành cho người đi bộ. Nhưng không chỉ vậy. Trong cuộc sống, mọi sinh hoạt của cộng đồng đều diễn ra trên vỉa hè. Là phần giữa nhà phố với đường, vỉa hè luôn nhộn nhịp từ sáng sớm đến đêm khuya. Ở Hà Nội, không đường phố nào là không có vỉa hè. Vỉa hè rộng hẹp khác nhau theo từng con phố, từng vị trí trong khu vực. Vỉa hè ở khu phố cổ rất hẹp, nó phù hợp với kiến trúc nhà ống nhỏ bé một, hai tầng “ mái ngói lô xô” thấm đẫm màu thời gian, nằm khiêm nhường trên các phố “Hàng” đã có vài trăm năm, với mạng lưới đường ô cờ vốn rất đặc trưng. Vỉa hè ở các khu phố cũ xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20 như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, Nguyễn Du, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Thi, Phan Đình Phùng, Trần Phú… thì thoáng đãng rộng rãi với rất nhiều nhà ở kiểu biệt thự, mang phong cách kiến trúc tân cổ điển Pháp, mà cho đến bây giờ kiến trúc của nó vẫn còn nguyên giá trị và ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến sáng tác của các kiến trúc sư Việt, nhất là những người trẻ. Đặc biệt, vỉa hè xung quanh hồ Hoàn Kiếm lại rất rộng, mang nhiều chức năng vừa là nơi đi dạo, vừa mang tính chất công viên, nghỉ dưởng, trình diễn nghệ thuật đường phố, tham quan với nhiều cây xanh cổ thụ đặc trưng và bồn hoa, thảm cỏ bốn mùa rực rỡ sắc hoa. Trên vỉa hè thường trồng cây xanh. Trước kia, khi làm quy hoạch Hà Nội, các kiến trúc sư người Pháp đã chú ý chọn loại cây cho từng đường phố, khu vực để phù hợp cảnh quan đô thị, an toàn trong giao thông và tạo nên dấu ấn riêng cho mỗi con phố. Như cây sấu trồng ở phố Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Phan Đình Phùng… Cây cơm nguội, phượng vĩ ở phố Lý Thường Kiệt. Cây sao đen trên phố Lò Đúc.v.v… Thế nhưng trên phố Tràng Tiền thì lại cấm trồng cây, vì ảnh hưởng đến tầm nhìn hướng từ phía Bờ Hồ đến Nhà hát Lớn.
2. Vỉa hè gắn liền với người dân đô thị. Từ trong các căn nhà chặt chội bước ra, ta sẽ hòa vào một thế giới sôi động, thân thiện và cởi mở. Như chào hỏi, trò chuyện với người nhà bên. Vồn vã bắt tay, gật đầu chào một người quen đi ngang qua. Có thể mua tở báo từ chú bé bán báo dạo, miệng không ngớt huyên thuyên về một vụ trọng án nào đó vừa xảy ra. Hay giữa trưa hè nóng nực, chỉ một cái vẫy tay là có thể dừng một gánh xôi chè để thưởng thức bát chè đỗ xanh thơm mát mùi hương hoa bưởi… Vỉa hè cũng có đời sống riêng, thăng trầm như số phận con người. Thời chiến tranh, hố trú ẩn máy bay Mỹ ném bom được đào trên khắp các vỉa hè, có nắp đậy bằng bê tông. Người trong nhà hay đi ngoài đường, mỗi khi nghe thấy tiếng còi hú báo máy bay giặc đang vào khu vực Thủ đô là vội vã nhảy ngay xuống hố, kéo nắp bê tông lại, thế là an toàn.
Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, các cửa hàng trên phố hầu hết là của mậu dịch quốc doanh, hay hợp tác xã. Tư nhân cũng có, nhưng èo uột, nhỏ bé. Đường phố khi ấy thoáng đãng, giao thông chủ yếu bằng xe đạp và tàu điện. Xe máy rất ít, ô tô con lại càng hiếm, nếu có chủ yếu là xe biển xanh của cơ quan nhà nước. Không có chuyện lấn chiếm vỉa hè để cơi nới nhà cửa, hay mở quán xá vô tội vạ và trông giữ xe bừa bãi. Khi ấy, kinh tế còn nghèo, nhưng đô thị lại trật tự, nề nếp, người hàng phố sống với nhau chan hòa, thân ái và biết nhường nhịn.
Bây giờ, đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao. Thành phố cũng mở rộng, cải tạo và xây dựng khang trang, hiện đại với các khu đô thị mới, đường phố mới và rất nhiều tòa nhà cao vài chục tầng lấp loáng kính gương. Kinh tế thị trường làm cho nhà phố ngày càng có giá. Vỉa hè cũng trở thành con gà đẻ trứng vàng, được các nhà mặt phố tận dụng triệt để. Họ đua nhau mở cửa hàng, hằm hè giành giật nhau từng mét vuông vỉa hè. Tình người cứ thế mà nhạt đi.
3. Mấy năm gần đây, chính quyền thành phố cũng rất quan tâm đến việc chỉnh trang bộ mặt đô thị trong đó có vỉa hè. Hàng trăm tỷ đồng cho việc cạy gạch cũ, lát gạch mới, rồi bó lại vỉa, trồng cây mới thay thế những cây đã già cỗi, hay bị bọn cây tặc vác cưa máy lợi dụng đêm mưa chặt trộm mất. Các đội dân phòng và công an phường hăng hái đi dẹp hàng rong, mái vẩy, quán cóc, chỗ để xe bừa bãi. Thành phố khang trang hẳn lên sau mỗi lần cải tạo, chỉnh trang. Nhưng, chỉ được ít lâu là đâu lại vào đấy. Vỉa hè lại bị lấn chiếm để làm của riêng cho những kẻ hám lợi. Rồi cái nạn hết đào lên, lại lấp xuống để đặt đường cáp điện ngầm, hay thay đường ống cấp nước không biết khi nào dừng. Cứ thế, vỉa hè cũng long đong như phận nàng Kiều của cụ Nguyễn Du, chưa kịp đẹp đã tơi tả, lở loét bởi lối làm ăn tắc trách mà không ai chịu trách nhiệm! Chỉ khổ cho người đi bộ luôn phải đi xuống lòng đường ầm ĩ xe ô tô, xe máy mà nơm nớp “ sống trong sợ hãi!”.
Ngày ngày tôi vẫn thường đi trên vỉa hè Hà Nội, tận mắt chứng kiến những thăng trầm của nó, mà không nguôi một nỗi băn khoăn, chẳng biết đến khi nào vỉa hè của thành phố thân yêu này được trả lại đúng chức năng, khang trang, sạch đẹp. Và như ai đấy đã ví von, để vỉa hè-bản nhạc đường phố- luôn cất lên những biến tấu vui!
KTS Phạm Thanh Tùng