Nếp nghĩ, nếp ở văn minh của con người thay đổi, thể hiện rõ nhất có lẽ không chỉ ở những chỗ mà ai cũng thấy trong nội, ngoại thất ngôi nhà, mà nó “vận động” từ cái tưởng chừng riêng tư kín đáo nhất – không gian nhà vệ sinh.

Image1.jpg

Chuyện xưa, chuyện nay

Đây là một đoạn Phan Cẩm Thượng tái hiện việc ông vua nước Việt xưa làm cái chuyện sạch ruột, sạch miệng vào mỗi buổi sáng: “Một thái giám bưng cho ngài một chén trà thuốc súc miệng, sau khi nhấp trước một ngụm, mới đến hoàng đế, rồi ngài nhổ ngụm nước vào ống nhổ bạc miệng rộng. Ngài vén quần ngồi vào chiếc ghế vệ sinh, dưới có đặt một chậu sành. Hoàng cung phong kiến từ thời Hán có một ông vua bị ám sát ngay trong nhà xí, nên nó không bao giờ được xây nữa. Vua, hoàng hậu và cung nữ đều đại tiểu tiện bằng chậu. Riêng chậu của vua được ngự y giữ lại còn nghiên cứu sức khoẻ của ngài ngự qua phân. Xong xuôi, thái giám dùng khăn mềm lau sạch, rồi thấm một chút mật ong vào hậu môn của ngài” (trang 32 –Văn minh vật chất của người Việt).

Còn đây là “hoàn cảnh” của thầy đồ: “Thầy đồ thức dậy muộn, khi mặt trời đã chiếu vào hiên nhà. Ngài vạch quần lá toạ, tồ một bãi vào bụi cây vườn sau, rồi ngâm mấy câu trong Kinh Thi: Quan quan thư cưu. Súc miệng bằng nước chè, lấy vỏ cau khô đánh răng, vục mặt vào chậu nước sành đặt trên chạc cây, ngài vuốt tóc mai vắt qua tai, gọi là tóc mai gọng kính, búi lại búi tóc thấp về phía gáy, ngài nghiêm trang đánh một bát xôi với vừng, ngồi vào án thư nhỏ đặt trên sập, xem qua mấy quyển Tứ thư, Ngũ kinh, chuẩn bị cho lều chõng tới” (trang 34, sđd).

Chẳng hiểu sao trong cuốn sách này ông Thượng không mô tả luôn cái việc làm vệ sinh của các giai tầng còn lại trong xã hội như nông, công, thương xem nó ra làm sao. Dù sao, việc không mô tả, cho thấy, cái hành vi kia nó cũng tuỳ hứng và tuỳ nghi ứng xử, chẳng theo một cung cách chung hay câu nệ vào không gian nào để có thể nắm bắt cả. Tuỳ tiện trong muôn hình vạn trạng.

Mãi cho tới bây giờ, cái chỗ ngồi giải quyết “niềm riêng” ấy ở những vùng quê vẫn chẳng cần lấy một thiết bị nào ngoài mấy miếng ván làm tường và hai chạc cây bắc qua một hầm đào lộ thiên. Ở miền Tây, phương thức nuôi cá vồ truyền thống tận dụng nguồn phân thải của con người lại cho ra hình thái “thiên nhiên” khác của cái cầu tiêu mà đám du lịch balô quen gọi là “hello toilet”.

Và, cái chỗ lẽ ra phải riêng tư nhất, đem lại thoải mái an tâm nhất khi sử dụng…lại bị người ta phân biệt đối xử nhất. Bấy nhiêu cho thấy, triết lý sống với thiên nhiên trong tâm thức dân gian xã hội nông nghiệp đôi khi lại quá gần với thứ tự nhiên chủ nghĩa, đôi khi lại hết sức phản vệ sinh, mầm mống gây ra đủ thứ bệnh dịch và nhếch nhác về mặt mỹ quan. Bởi thế mà dân gian, bên cạnh bài Trên trời có đám mây xanh nói chuyện anh chàng ước lấy được cô gái đẹp thì sẽ mua gạch Bát Tràng xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân nghe ra đầy ý vị thì cũng có câu thành ngữ mà mỗi lần nghe, là hiểu cái quan niệm dễ dãi về mặt… dịch tễ học: “Nhất quận công, nhì… đồng”.

Image2.jpg

Tận hưởng và… sáng tạo

Thế rồi làn sóng đô thị hoá, trong vô số cái nhố nhăng kệch cỡm bề mặt thì ít ra, cũng để lại một thứ văn minh rất đỗi… bên trong. Người ta chú ý hơn đến việc chăm sóc bộ mặt các công trình phụ cùng các thiết bị, vật dụng vệ sinh bên trong nó. Không gian đất đai ở bé lại, việc sáp nhập chỗ tắm, chỗ tiểu tiện, đại tiện, chỗ vệ sinh cá nhân vào một nơi trong cấu trúc ngôi nhà khiến cho công trình phụ không chỉ là nơi để giải quyết vội vàng tạm thời các nhu cầu bản năng nữa, mà được tính toán sao cho vấn đề sử dụng đi đôi với tận hưởng.

Vì thế, công trình phụ không còn là không gian của chung, tập thể mà nó ngày càng phục vụ cho những cá nhân. Công trình phụ đi vào trong phòng riêng để tiện dụng, thậm chí, học theo văn minh phương Tây trong các bộ phim bay bổng, cái bồng bềnh hư huyễn của hương nước hoa chưng trong bồn tắm, tiết tấu nhặt khoan của vòi nước hoa sen còn có tác dụng cộng thêm thăng hoa cảm xúc cho những vợ chồng từ lâu coi phòng the là điều đơn điệu ngán ngẩm. Có những gia đình lắp đặt mỗi phòng con cái là một toilet, đó là không gian mà không ai được xâm phạm, nó hoàn toàn mang tính cách của người sử dụng. Trong khi đó, lại có gia đình khá giả, thiết kế phòng tắm rộng, có hai khu nam nữ sử dụng riêng tư như ở các quán càphê, nhà hàng hay văn phòng. Điều này cho thấy sự bình đẳng giới cũng đi sâu, đi xa vào việc sử dụng không gian, thiết bị vệ sinh.

Đô thị hoá, sự thay đổi của quan niệm xã hội thể hiện trong “văn minh” nhà vệ sinh thật lớn. Việc đầu tư vật liệu vệ sinh hiện nay chiếm một số tiền khá lớn trong tổng đầu tư nội thất của ngôi nhà. Dĩ nhiên, nó là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc đánh giá giá trị các không gian sử dụng, tiện ích ngôi nhà. Thiết kế âm thanh được đưa vào toilet. Thiên nhiên càng không thể thiếu. Và,người mê đọc sách còn giật mình khi phát hiện ra, họ gặp nhau ở một điểm: rất nhiều tác phẩm được thưởng thức trong khi đang ngồi làm cái công việc sạch ruột vào mỗi buổi sáng.

Họ nói với nhau rằng, biết đâu, các nhà văn, thi sĩ và triết gia phương Tây, nơi có văn minh toilet từ rất sớm, cũng đã tư duy sáng tạo trong lúc cơ quan tiêu hoá đang âm thầm làm nốt những công đoạn cuối.

Bài: Nguyễn Nguyên Thảo ảnh: Thu Thủy – theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more