“Thủ thỉ” là tên cuộc triển lãm Art-Doll của họa sĩ Trần Thu Hằng tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật bản ( 27 Quang Trung,Hà Nội ) tháng 9/2011. Còn tôi viết bài này thay món quà tặng cháu ngoại yêu quý đang theo bố mẹ công tác ở nơi rất xa Hà Nội .
Thế là đã đến rằm Trung thu, cái thời khắc ở giữa mùa Thu, ban đêm trăng lên tròn trịa, tỏa ánh sáng trong trẻo đẹp nhất trong năm, cái đẹp thanh tao làm thi sĩ ngây ngất… Nhưng lũ trẻ mới là kẻ trông đợi mong ngóng. Trung thu giờ đây không còn dạt dào thi hứng, mà là lúc người lớn dành nhiều thương mến đến con trẻ hơn. Nhà ta ai cũng đã lớn, vài người đã bắt đầu già và con trẻ duy nhất lại là cu Nghé. Nhưng Nghé theo bố mẹ đi công tác cách xa vạn dặm từ tháng bẩy năm ngoái, tính đến hôm nay là hai lần trung thu rồi. Xa Hà nội lúc Nghé mới một tuổi, đứng chỉ nhỉnh hơn cái phích nước, ấy mà đã vượt qua biển lớn sang tít trời xa. Đêm Trăng sáng Nghé nhớ soi gương lên vầng trăng nhé, bên bờ này, ông bà cũng ngóng lên đó để thấy cháu yêu.
“ Bắc thang lên mái nhà là hái được sao “.. để ngắm trăng rõ hơn. Bạn bé và lớn, ai là bạn của Nghé đây ?
Hồi Nghé ở nhà, những hôm khóc nhè chỉ ông dỗ Nghé ngủ. Tiếng à ơi mà cả nhà chỉ còn ông làm được: “ À ơi …Chông chênh bến nước đầu đình /Có nhà mở nhạc xập xình ru con / À, à ơi ..Câu hò điệu ví câu von / đã đi xa lắm nơi còn khuất xa/ À ơi, Làng mình thành phố làng rồi / Đồng xa đã bán cho người dưới xa / Bao giờ gập lại bóng tre / Con cò mỏi cánh bờ đê nắng vàng / À à ơi, Bao giờ lúa chín đồng làng / Thửa anh đi gặt, ới a ..thửa nàng í à đưa cơm “ Nghé con ôm vai, đầu ngả trên vai ông ngủ lúc nào không hay, hơi thở nhẹ nhàng thơm tho, bồng bềnh vào giấc mơ tới những khung cảnh mà khi Nghé lớn lên có lẽ không còn, chỉ là ký ức tha thiết về một miền quê đẹp như giấc mơ mà tuổi thơ ông đã trải qua .
Trong giấc mơ con có nhớ đến một miền quê …Đôi khi chỉ là mộ chiếc kẹo khổng lồ ăn mãi không hết.
Công việc hàng ngày của Nghé là ăn, ngủ và chơi. Nghé là bé ăn ngoan, khi con mới tập ăn cơm con nhai thích thú nhưng hơi sợ. Với nhiều em bé khác, mỗi bữa ăn thật vất vả cho bố mẹ. Nghé ngoan, cháu “ hay ăn chóng lớn “ nhé
Cả nhà đuổi em bé béo i sợ ăn. Một bé khác đòi ăn nhưng bố phải giấu đĩa cá đi vì sợ bé ăn quá nhiều
Có một việc quan trọng khác đấy là Nghé phải đi “pi pi “ hàng ngày. Hôm nào Nghé lười đi là cả nhà lo lắng. Sau những đợt ốm lặt vặt, Nghé ít quấy, đi “ pi pi” xong là chạy nhảy náo nhiệt với tâm trạng thật sảng khoái
“Công việc hàng ngày”. Hai em bắt được một chú lơn con và đem ra chợ bán – vụ lằm ăn lớn trong ngày
Có bạn nhỏ đang ôm ấp người bạn nhỏ hơn: chú chó con. Ông biết Nghé cũng thích những chú chó quanh nhà; mỗi lần chó kêu, Nghé tưởng gọi mình vâng dạ rối rít. Ra đường gặp, Nghé cúi chào lịch sự làm người dắt chó phải giật mình. Một bạn nhỏ khác đóng vai cô giáo, học sinh của cô giáo tí hon là các con búp bê và con mèo,con chó trong nhà. Nghé đi học ở lớp cô giáo Ép Pồ ( Apple) có thấy giống không ?
(Ảnh trên), em bé và chú chó, (ảnh dưới )Cô giáo tí hon đi đôi guốc của mẹ cho cao để dạy các học trò trong nhà
Trên cao nguyên đá Đồng Văn, các bạn người H’mong ở trên các đỉnh núi cao , các bạn mặc rất đẹp mỗi khi xuống núi. Các bạn đi học rất xa, nhưng bạn nào cũng chăm chỉ, đi học đã đành, còn giúp cha mẹ việc nhà nữa. Đất nước ta rộng lớn, ở miền Tây Bắc ấy, những ruộng ngô cheo leo trên vách đá, đỉnh Mã Pí Lèng hiểm trở, nơi ghi dấu tích bao chàng trai cô gái dâng hiến tuổi trẻ đi xây dựng và bảo vệ đất nước, nơi ấy có đỉnh cao Lũng Cú, có lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên địa đầu Tổ Quốc. Nghé lớn lên và con hãy đi để trải nghiệm tình yêu quê hương đất nước, như yêu ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè thân thiết giống như yêu quý những điều tốt đẹp chung quanh nhé.
Em bé người H’mong trong “ lỉnh kỉnh chợ phiên “ và chân dung họa sĩ Trần Thu Hằng
Tất cả những nhân vật trong câu chuyện này là tác phẩm Art-Doll của họa sĩ Trần Thu Hằng ( sinh năm 1984 tại Hà Nội ). Cô họa sĩ trẻ này đã truyền hơi thở trong từng tác phẩm kích thước xinh xắn nhưng đủ phát đi một thông điệp lớn lao: nếu nghiêm túc trong lao động nghệ thuật sẽ tạo nên những tác phẩm giá trị, đánh thức những ký ức xa xôi mà da diết , tình yêu chân thực và trong sáng, sự lãng mạn bay bổng và sang trọng. Vậy xét cho cùng, nghệ thuật sẽ còn phải đảm trách sứ mạng nào lớn lao hơn thế .
“Tinh thần Nhật bản “ Cậu bé 9 tuổi đói lả nhưng vẫn kiên nhẫn xếp hàng nhận cứ trợ trong thảm họa sống thần . Câu chuyện về một dân tộc vĩ đại được họa sĩ thu nhỏ nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem
Mời quý vị xem tiếp một số hình ảnh chụp tại triển lãm.
Bài và ảnh: KTS Trần Huy Ánh
_____________________________________________________________
Ghi chú : ảnh tác giả chụp lại các tác phẩm tại triển lãm “ Art dolls : Thủ thỉ “của họa sĩ Trần Thu Hằng tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật bản (27 Quang Trung, HN) tháng 9/2011.