Thành phố Hồ Chí Minh có bốn cửa ngõ chính, thì ba nơi là phía Tây nối với các tỉnh ĐBSCL; Tây Bắc đi Củ Chi, Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài; Đông Nam (xa lộ Hà Nội) đã khá hoàn hảo về hệ thống giao thông. Riêng cửa ngõ phía Đông – tuyến huyết mạch đặc biệt quan trọng đi các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ và các tỉnh miền Trung, phía Bắc (thông qua bến xe Miền Đông) lại đang hết sức khổ sở vì đường sá chật hẹp, nhếch nhác, ngập úng liên miên khiến lưu thông đình trệ.
Hầu như ngày nào khu vực cổng BX Miền Đông cũng xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng
Thực ra, dự án nâng cấp mở rộng QL13 đã có cách nay gần 10 năm. Đầu năm 2001, UBND TP giao cho Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO5) làm chủ đầu tư dự án BOT (đầu tư – kinh doanh – chuyển giao) cầu đường Bình Triệu 2, gồm các tiểu dự án : xây cầu Bình Triệu 2; mở rộng QL13 đoạn từ đài Liệt Sĩ (Q.Bình Thạnh) đến ngã tư Bình Phước (Q.Thủ Đức) lên 32 mét; nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm và nút giao thông Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí với tổng kinh phí dự tính khoảng 342 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó TP điều chỉnh mở rộng QL13 lên 53 mét, đồng nghĩa với việc kinh phí sẽ tăng lên, thấy không hiệu quả nên khi hoàn thành cầu Bình triệu 2 và QL13 đoạn từ đài Liệt Sĩ đến chân cầu Bình Triệu cũ vào năm 2004, CIENCO5 trả lại cho TP. Đầu năm 2005, UBND TP giao lại dự án này cho Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP, trong đó thêm hạng mục gia cường cầu Bình Triệu cũ (sau một năm thi công, đã hoàn thành). Từ đó đến nay, Dự án nâng cấp mở rộng QL13, đường Ung Văn Khiêm mới chỉ tiến triển ở việc khảo sát, thẩm định dự án, lên danh sách giải tỏa… Theo tính toán, để thực hiện dự án, chỉ tính riêng kinh phí đền bù giải tỏa đã lên đến 5000 tỷ đồng.
Kẹt xe ở ngã tư Bình Triệu khi có tàu lửa đi qua
Hiện nay, quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Thủ Đức là tuyến giao thông khổ ải bởi đường sá chật hẹp (mỗi chiều chỉ đủ cho hai làn xe), hai cây cầu Ông Dầu và cầu Đúc rộng chừng 8 mét, tải trọng nhỏ nên gây trở ngại lớn cho các phương tiện giao thông. Đó là chưa kể hành lang an toàn hai bên đường bị lấn chiếm vô tội vạ, nhếch nhác và luôn bị ngập nặng mỗi khi trời mưa lớn hay triều cường, dẫn đến nguy hiểm rình rập.
Trong khi đây lại là tuyến huyết mạch vận chuyển hành khách từ bến xe Miền Đông với lượng xuất cập bến lên đến 2.500 xe mỗi ngày, dịp lễ tết tăng mấy lần. Đây cũng là tuyến đường chính để các xe tải, container chuyên chở nguyên liệu, hàng xuất khẩu từ cảng biển đến các KCN ở Thủ Đức, Bình Dương và ngược lại. Thế nên tình trạng kẹt xe xảy ra triền miên, nhất là vào giờ cao điểm, khu vực ngã tư Bình Triệu (Q.Thủ Đức), trước cổng bến xe Miền Đông ùn tắc cả tiếng đồng hồ. Đường Xo Viết Nghệ Tĩnh giờ đã trở nên quá tải so với lượng phương tiện khổng lồ nên hầu như lúc nào cũng xảy ra ùn tắc từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu. Trong khi đó hướng thoát là đường Ung Văn Khiêm nối vào Điện Biên Phủ và Nguyễn Hữu Cảnh để về trung tâm TP lại qúa nhỏ hẹp.
Quốc lộ 13 bị ngập nước mỗi khi trời mưa hay triều cường lớn
Người dân thường xuyên đi lại và sinh sống dọc cửa ngõ phía Đông TP rất bức xúc khi dự án nâng cấp mở rộng QL13, đường Ung Văn Khiêm chờ 10 năm nay vẫn chưa thành hiện thực. Dân số ngày một đông, phương tiện tham gia lưu thông ngày càng nhiều, vệ sinh môi trường, hệ thống thoát nước không được cải thiện nên đời sống sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhìn sang các cửa ngõ khác của TP đều đã sạch đẹp, cao ráo người dân nơi đây không khỏi chạnh lòng. Thậm chí cũng trên QL13, phía Bình Dương đã được mở rộng, thông thoáng từ mấy năm nay, công trình cổng chào hoành tráng vừa hoàn thành ngay chân cầu Vĩnh Bình (giáp ranh với TP.HCM). Rất mong UBND TP, Sở GTVT, Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP sớm tập trung kinh phí, đầu tư thực hiện dự án, tạo thuận lợi cho thông thương, làm tiền đề phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa vùng cửa ngõ phía Đông TP.
Theo Báo Công an TP HCM