Las Vegas, thế giới huy hoàng của ngành giải trí ở Hoa Kỳ với các sòng bạc đồ sộ, những màn trình diễn văn nghệ và gánh xiếc nổi tiếng, nay lại có một biệt danh:”Thủ đô của những căn nhà bị tịch biên”. Bởi đây là một trong những thị trường xuống dốc nhất, lên tới mức kỷ lục.
Các khách sạn và sòng bạc thường có các mô hình của những công trình nổi tiếng thế giới.
Thị trường nhà đất tại Hoa Kỳ ảm đạm từ nhiều năm nay và Las Vegas, thành phố lớn của bang Nevada là một trong những nơi mà giá nhà xuống dốc trầm trọng nhất. Tina Chan, một chuyên viên môi giới địa ốc ở Las Vegas cho biết, giá nhà tại Las Vegas tuột dốc thê thảm trong vòng 5 năm qua, giá trung bình của một căn nhà ở đây hiện nay là 126.000 đô-la. Trong khi đó vào năm 2006, giá đó là 312.000 đô-la, xuống 60%. Được biết, 75% những căn nhà đang trên danh sách bán tại Las Vegas hiện nay là những tài sản bị ngân hàng tịch biên vì chủ nhà không trả nổi nợ, vì vậy, giá những căn nhà đó rất thấp. Tuy vậy, mua những căn nhà loại này khách phải chờ đợi rất lâu, ít nhất từ vài ba tháng cho tới một năm để ngân hàng thông qua mọi thủ tục. Nhưng đối với những căn nhà bị tịch biên với giá thấp như vậy, người ta có thể mua rồi bán lại để kiếm lời thật nhanh hoặc để cho thuê. Theo chuyên viên địa ốc Tina Chan, giá thuê thường cao hơn là tiền nợ hàng tháng phải trả cho ngân hàng nên chủ nhà có được ít tiền lời mỗi tháng, mà nếu có sẵn tiền mặt mua nhà cho thuê thì hàng tháng chủ nhà sẽ lấy lại ngay được một phần số vốn bỏ ra mua nhà.
Bị suy thoái nặng nề từ cuộc khủng hoảng bất động sản, Thủ đô của những trò chơi đỏ đen đang khó khăn hồi phục. Từ hai năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại, các casino trên đại lộ Strip (hay còn gọi là dải Las Vegas, trục đại lộ chính của Las Vegas) lỗ vốn. Tổng số tiền lỗ của các casino là vào khoảng 6 tỉ USD. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 14% – tỉ lệ cao nhất tại Mỹ.
Tại cực Nam của Las Vegas, nơi gần tấm biển “Welcome to Las Vegas”, một con đường nhỏ trải bê-tông dẫn tới hệ thống ngầm thoát nước mưa của thành phố hiện đang là nơi trú ngụ của hàng ngh.n người mất việc và mất nhà.
Tuy nhiên, trừ phi có sẵn tiền mặt, người muốn mua nhà hiện nay lại gặp những khó khăn khi đi vay ngân hàng: Nếu bạn muốn mua một căn nhà hiện nay rất khó. Bạn phải có thành tích tốt về vay mượn và trả nợ thật sòng phẳng, phải chứng minh đủ điều kiện tài chính để trả nợ hoặc phải có tài sản để bảo đảm cho số tiền mà bạn muốn ngân hàng cho vay để mua nhà.
Vậy ai là những người thường đến Las Vegas mua nhà trong những năm gần đây? Dĩ nhiên là những người có tiền để đầu tư, trong số này có nhiều khách nước ngoài. Họ đến từ nhiều nước, phần lớn từ Canada hay Ấn Độ, họ là những người mua bằng tiền mặt, nhất là năm 2010, hầu hết, người mua nhà đều trả tiền mặt. Các chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường hiện đã bình ổn, không còn dao động như trước nữa. Nhưng có lẽ còn phải mất mấy năm nữa vì mức thất nghiệp vẫn còn cao, họ đã ngưng xây nhà mới khi kinh tế đi xuống, nên hiện không có nhiều nhà mới được xây và vì vậy cũng không có nhiều việc làm”.
Tờ Los Angeles Times vừa dẫn chứng một số trường hợp chủ nhà mắc kẹt vì số nợ mà họ vay ngân hàng để mua nhà hiện cao gấp đôi hay nhiều hơn trị giá căn nhà. Nếu chẳng may mất việc, căn nhà bị tịch biên và họ bị mất hết tín nhiệm với ngân hàng, sẽ không thể vay mượn để làm ăn hay mua nhà nữa trong ít nhất 7 năm. Nhưng nếu còn khả năng “giật gấu vá vai” trả nợ, họ cũng khó có thể dọn đi nơi khác để tìm việc vì không thể bán được nhà với cái giá khi họ mua nên không thể trả hết nợ ngân hàng được. Mắc kẹt trong tình trạng này, nhiều người đành để vợ con lại trong căn nhà đó và đi kiếm việc ở một nơi xa nếu không muốn bị mất tín nhiệm với ngân hàng chủ nợ.
Trước đây, khi thị trường nhà đất bình ổn hay phát đạt, tính di động của người Mỹ để theo đuổi công ăn việc làm rất dễ. Nếu có việc tốt ở xa, họ bán nhà và dọn đến sở làm mới rồi mua nhà gần đấy. Nhưng trong tình cảnh hiện nay, mọi chuyện trở nên rất khó xử và vì nhà cửa khó mua, khó bán, tính lưu động của người Mỹ cũng giảm đi. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường địa ốc tại nhiều nơi thuộc “vòng đai nhà cửa bị tịch biên ở miền Tây Hoa Kỳ” gồm các bang California, Nevada và Arizona sẽ chỉ hoàn toàn hồi phục sớm nhất là năm 2030.
Vũ Phong – Theo Sức khỏe & Đời Sống