Đó là chủ đề xoay quanh vấn nạn tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội tại hội thảo “Quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông công cộng – Thách thức chính cho tương lai đô thị” do Viện Goethe Hà Nội tổ chức vào ngày 23/6. Không chỉ Hà Nội mà tại nhiều TP lớn của các nước đang phát triển, tắc nghẽn giao thông là vấn đề không mấy xa lạ.
Mặc dù đã có nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu mong tìm lời giải cho vấn đề này, nhưng khi nào Hà Nội không còn tắc nghẽn giao thông, câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.
Giao thông đang là bài toán đau đầu đối với các nhà quản lý đô thị.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích thực trạng, tắc đường là nguyên nhân của nhiều yếu tố. Một trong những nguyên nhân đó là số lượng lớn xe máy sử dụng trong TP. Theo thống kê hiện nay, Hà Nội có 583 tuyến đường được Sở GTVT quản lý, với tổng chiều dài 1.178km, có 150 điểm trông giữ xe công cộng với diện tích khoảng 272.370m2 (mới đạt 1,0 đến 1,5% mà theo yêu cầu phải đạt 3 – 5% diện tích đô thị). Hiện Hà Nội có 3,7 triệu xe máy, 400 nghìn ô tô với hai hình thức vận tải công cộng duy nhất là xe buýt và taxi. Xe buýt mới đảm nhiệm được 9% nhu cầu đi lại của người dân, chính vì thế ách tắc giao thông là khó tránh khỏi.
Kéo theo điều này là tình trạng tắc nghẽn diễn ra tại hầu hết các tuyến phố trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo TS Khuất Việt Hùng – Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải của trường Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng giao thông phụ thuộc vào xe máy là một đặc điểm nổi bật tại nhiều TP lớn ở nước ta. Do đó, không thể xoá bỏ xe máy do phương tiện này khá phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân.
TS Michael Bose – Chuyên gia quy hoạch đô thị của Đức nhận xét, yếu tố khác góp phần vào thực trạng tắc nghẽn giao thông ở Việt Nam là ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. Theo quan điểm “mạnh ai nấy tiến” là đặc điểm điển hình của những người điều khiển các phương tiện giao thông tại Hà Nội.
Giao thông Hà nội giờ cao điểm
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước còn đưa ra giải pháp nhằm từng bước khắc phục và xây dựng một hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại cho Thủ đô. Theo ThS Lê Vinh – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Hà Nội đang bị quá tải trước tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và sự gia tăng dân số quá nhanh, trong khi đó từ quy hoạch có khi phải mất 8 năm một con đường mới có thể hình thành trong thực tế vì vậy, đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung xây dựng các đường vành đai cũng như hệ thống cầu bắc qua sông Hồng để TP phát triển ở cả hai bên bờ sông thay vì chỉ một phía như hiện nay.
Mưa to là cũng là nguyên nhân gây tắc đường?
TS Yiemchai Chatkeo – nguyên Phó giám đốc điều hành cơ quan quản lý các phương tiện vận chuyển nhanh tại Thái Lan chia sẻ, có những thời điểm thủ đô BangKok (Thái Lan) bị tắc nghẽn giao thông khiến nhiều người phải ăn ngủ trên xe nhiều ngày, lúc đó chỉ riêng ngành giao thông của nước này đã tiêu thụ đến 40% năng lượng của cả nước. Nếu sử dụng mặt bằng phải xây dựng đến 22 làn đường mới vận chuyển hết số lượng 60 nghìn người/giờ. Như vậy phải áp dụng hệ thống trung chuyển số đông vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm ô nhiễm môi trường. Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện cao tốc trên cao được sử dụng, tuy nhiên hệ thống trung chuyển số đông này không thể vận chuyển người dân đến tận nhà, mà cần một số phương tiện khác như ô tô, xe máy…Vì vậy, xét về trường hợp Hà Nội, cần thiết phải phát triển theo hướng đa trung tâm để giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay.
Giao thông hỗn loạn là hình ảnh thường thấy ở Thủ đô Hà Nội
Trong khi đó, TS Michael Bose, chuyên gia quy hoạch đô thị và vùng, giảng viên cao cấp trường Đại học Hamburg (Đức) cũng cho rằng, Hà Nội là một trong những TP chủ yếu dựa vào phương tiện xe máy, các tuyến đường Hà Nội không thể mở rộng được và khả năng tắc nghẽn giao thông rất cao. Trong tương lai, nếu người dân chuyển sử dụng từ xe máy sang ô tô, lúc đó vấn đề tắc nghẽn sẽ càng nghiêm trọng hơn. Trong tình hình đó, Việt Nam cần phải có giải pháp mang tính chiến lược để ngăn chặn tình hình xung đột giao thông trong khu vực đô thị. Để giải quyết ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, cần nghĩ đến giải pháp sử dụng xe đạp điện, ô tô để thay thế cho xe máy.
Nhìn chung, vấn nạn tắc nghẽn giao thông ở các TP lớn tại Việt Nam chưa có giải pháp cụ thể nhưng dù giải pháp nào cũng vậy, để giải quyết được vấn đề này, Hà Nội cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và nhiều ban ngành phối hợp để giảm bớt lượng xe máy, ôtô trong nội đô.
Khánh Phương (Theo Baoxaydung )