“Kiến trúc cũng như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, luôn luôn có điểm nhấn trong không gian trình diễn của mình. Trong đô thị, các kiến trúc cao tầng tạo đột biến chiều cao. Nó tạo nên vần luật, nhịp điệu. Nó chống phá sự đơn điệu và khô khan. Nó tạo ấn tượng, những xúc cảm thẩm mỹ ở những khu vực địa điểm đặc biệt của không gian đô thị”

466890134_7258399ba1.jpg
 
Người ta hay dùng những từ liên quan tới điểm nhấn. Đó là cột mốc, dấu ấn, yếu tố đột phá để đánh dấu sự thay đổi mãnh liệt ở một khu vực nào đó. Có thể xem đó như một điểm nhấn, một sự đột biến. Trong một tấm vải có những miếng thêu. Miếng vải là nền, miếng thêu là điểm nhấn. Trong một khu ở chật chội, nhà cửa chen chúc đột nhiên có một khoảng trống, đó là đột biến chiều rộng. Trong một khu ở thấp tầng, có một tòa nhà cao tầng, đó là đột biến chiều cao. Trong một khu công nghiệp bao gồm những tòa nhà vuông vức đơn điệu, có một tòa nhà uốn cong. Đó là đột biến hình thức. Trong một không gian diễn ra những công việc thường ngày, kiến trúc sư đã tạo nên một khoảng sáng bất ngờ. Đó là đột biến không gian.

Khác với các loại hình nghệ thuật thuần túy, điểm nhấn kiến trúc có những tác động đa dạng và đáng kể vào không gian đô thị. Nó biểu hiện bằng những cách thức khác nhau cả về định lượng và định tính. Về định lượng, đó là những kiểu kiến trúc có điểm nhấn về độ cao (Kiến trúc cao tầng), những công trình có điểm nhấn về khối tích (Nhà ga hàng không, Nhà thi đấu).

HienDai1.jpg

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi

Về định tính, đó là những kiến trúc có điểm nhấn về hình thể (Kiến trúc đặc biệt), điểm nhấn về màu sắc, chất liệu.

Không gian đô thị với những điểm nhấn hợp lý sẽ tạo nên một cảnh quan sinh động. Dọc sông Hàn ở thành phố Đà Nẵng, các nhà quy hoạch đã xây dựng những tòa nhà cao tầng theo một nhịp điệu dọc theo trục đường Bạch Đằng. Chúng không chỉ tạo nên những điểm nhấn ấn tượng cho tuyến đường từ trung tâm  hướng ra sông, biển, mà còn mang lại sự khác biệt của địa điểm. Ở những vị trí quan trọng khác của thành phố, như nhà ga, bến tàu, kiến trúc điểm nhấn có thể mang lại những cảm xúc đầu tiên cho du khách khi bắt đầu đặt chân tới thành phố.

Vũng Tàu đã rất thành công với kiến trúc “Nhà ga tàu cánh ngầm” không chỉ bởi tổ hợp hình khối hiện đại với những đường cong mô phỏng sóng biển, mà còn vì nó đã tạo nên một điểm nhấn đầu tiên trong ranh giới giữa mặt đất và mặt nước, bằng hình thể khá đặc biệt của công trình đó. Mặc dù khối tích thực tế của nhà ga không lớn lắm, nhưng nhờ có bờ biển rộng mênh mông và thoáng đãng, nhờ có sự chiếm lĩnh không gian một cách độc tôn, không có yếu tố cạnh tranh nên công trình đã thực sự nổi bật. Nó tạo điểm nhấn cho những du khách tới Vũng Tàu bằng đường biển. Người ta có thể ngắm nhìn nó từ xa, với trường nhìn rộng. Đó là một trong những yêu cầu của không gian điểm nhấn. Trong không gian trung tâm của thành phố, điểm nhấn luôn được hỗ trợ bởi các yếu tố cảnh quan khác làm gia tăng sự nổi bật của đối tượng. Nếu công trình Nhà hát lớn Hải Phòng thể hiện sự độc tôn trong không gian quảng trường rộng lớn thì Nhà hát lớn Hà Nội được nổi bật bởi sự dẫn dắt của tuyến phố Tràng Tiền. Người Pháp đã không trồng cây trên tuyến phố này, mà thay vào đó là những mái che. Chúng không che lấp tầm nhìn, mà còn hướng điểm nhìn tới công trình cuối phố. Nhà hát lớn nằm ở vị trí phía cuối phố Tràng Tiền, vì thế, càng nổi bật hơn.

1531 hc13

Việc tạo điểm nhấn có mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp tới quy họach giao thông, liên quan tới vị trí các kiến trúc cao tầng trên các tuyến giao thông, các nút giao thông,  Những công trình cao tầng trên tuyến giao thông này vẫn có thể là điểm nhấn cho điểm nhìn chuyển động của các tuyến giao thông khác. Vấn đề là cần phải hướng các điểm nhìn chuyển động tới các điểm tập trung thị giác trên các trục giao thông như thế nào. Tuy nhiên không nhất thiết trục thị giác lúc nào cũng phải trùng với trục giao thông. Trục giao thông có thể cong, trục thị giác bao giờ cũng thẳng. Trục thị giác ngắn hơn, trực tiếp và đa dạng.

“Kiến trúc điểm nhấn không nhất thiết phải lớn. Nó có thể nhỏ nhưng rất nổi bật. Tháp Rùa, chùa Một Cột tuy rất nhỏ nhưng nổi bật trên mặt nước và có trường nhìn rất rộng. Nó có sự hỗ trợ của không gian mặt nước.

Việc sử dụng điểm nhấn trong không gian đô thị phải tuân theo thiết kế đô thị, cách thức tạo dựng hình ảnh đô thị, phải có một cái nhìn tổng thể trong đó có sự kết hợp giữa Kiến trúc – Quy hoạch – Cảnh quan. Tuy nhiên trong thực tế đã diễn ra nhiều bất cập của việc sử dụng điểm nhấn trong không gian đô thị.

Một là, điểm nhấn được tạo nên một cách máy móc, cục bộ và không theo thiết kế đô thị. Ở một số địa phương miền Trung, các dự án xây dựng nhà ở dù trên một lô đất to hay nhỏ, cần phải tuân thủ tỷ lệ Kiến trúc cao tầng, thấp tầng, sự phân ngôi phân tầng cục bộ trong một lô đất đó. Do chưa có cái nhìn tổng thể kết nối hình thái của các ô đất khác nhau đã tạo nên tình trạng lổn nhổn về hình thái Kiến trúc quy hoạch. Để tuân thủ quy định và thỏa thuận quy hoạch, nhà đầu tư buộc phải xây những ngôi nhà cao tầng bất đắc dĩ trong khi đất đai rộng rãi, việc sử dụng cao tầng ở đây không thực sự phát huy hiệu quả công năng, chủ yếu do yêu cầu hình thức, nhất là đối với một khu vực mang đậm chất sinh thái. Mặt khác các kiến trúc cao tầng đơn lẻ chỉ đóng vai trò điểm nhấn cục bộ cho một ô đất , thiếu sự kết nối với điểm nhấn của các lô đất khác. Đó là tình trạng một khu vực đóng góp quá nhiều điểm nhấn với những ô đất khác nhau. Điểm nhấn quá nhiều sẽ tạo sự nhàm chán và lộn xộn, coi như không còn điểm nhấn nữa. Vì vậy, nhà quy hoạch cũng như người nhạc sĩ, phải biết chỗ nào nhấn, chỗ nào lặng. Không phải chỗ nào cũng nhấn. Cần phải hiểu khái niệm “Điểm nhấn” theo một nghĩa rộng. Ở trung tâm của các đô thị lớn như Sidney, Melbourne, các tòa nhà chọc trời không đứng riêng lẻ mà tập trung lại thành một khu vực Kiến trúc cao tầng. Lúc đó “Điểm nhấn” sẽ với tư cách không phải là những cá thể riêng lẻ mà là một quần thể lớn. Một quần thể Kiến trúc cao tầng tạo nên một “Khu vực điểm nhấn” cho không gian đô thị.

Hai là, điểm nhấn đang bị thương mại hóa, với mục đích quảng bá hình ảnh của một bộ phận doanh nghiệp, không marketing cho hình ảnh đô thị.

Điểm nhấn liên quan tới sự tập trung thị giác. Sự tập trung thị giác liên quan tới trường nhìn, điểm nhìn, góc nhìn của cư dân đô thị. Để thu hút điểm nhìn, các doanh nghiệp tạo điểm nhấn bằng nhiều biện pháp khác nhau. Lúc đó điểm nhấn trở thành một hạt sạn mà sự tồn tại vô ý thức của nó làm ô nhiễm môi trường thị giác. Một số cửa hàng khí gaz tạo điểm nhấn bằng cách sơn toàn bộ cửa hàng màu đỏ. Một số công trình tạo điểm nhấn bằng các biển quảng cáo quá khổ đặt trên các trục đường ảnh hưởng giao thông. Tại Hà Nội, một biển quảng cáo KFC nằm giữa trung tâm, mà đáng ra phải nhường chỗ cho Logo thành phố nghìn năm tuổi. Các nhà quản lý sẽ suy nghĩ gì về vai trò của điểm nhấn. Cần phải phân biệt điểm nhấn có lợi và những điểm nhấn không có lợi để từ đó có biện pháp loại bỏ sự nổi trội tệ hại.

HienDai2.jpg
Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn

Ba là, điểm nhấn không chỉ đóng vai trò như một biểu tượng hình thức mà nó còn lồng ghép một nội dung sử dụng. Chúng ta nhớ tới một biểu tượng của Paris – La Defense. Đây là một điểm nhấn kiến trúc trên trục đường trung tâm nối liền khu vực cổ kính, và khu vực mới. Nếu như Cổng Khải hoàn môn (L’arc de Triomphe) là biểu tượng của khu vực bảo tồn, cần gìn giữ, thì La Defense như một Cổng hiện đại, một biểu tượng một điểm nhấn của khu vực thương mại – Las Vegas của Paris. Điều đáng nói ở đây, nó không chỉ là một biểu tượng hình thức, mà còn là một tòa nhà Văn phòng dịch vụ tổng hợp. Khi bàn tới việc tạo điểm nhấn cho các Cửa ngõ vào Hà nội dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, chúng ta đã có ý định dựng các Cổng chào tại 5 cửa ô. Các phương án đưa lên hết sức hoành tráng, chiếm một không gian lớn, một khối tích lớn, và lẽ dĩ nhiên – một khối tiền lớn. Để đổi lại, nó chỉ mang tới một biểu tượng hình thức, chứ không phải một biểu tượng Công năng – hình thức. Rất may, lãnh đạo thành phố đã quyết định chỉ làm những biểu tượng tạm thời, đóng vai trò như những điểm nhấn tạm thời, xinh xắn và thân thiện.

Điểm nhấn không chỉ liên quan tới Công năng sử dụng, nó còn liên quan tới hạ tầng kỹ thuật khu vực. Một biểu tượng lớn lẽ tất nhiên phải có sức chứa lớn. Nó đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật tương thích. Vì vậy đặt điểm nhấn ở đâu cũng phải cân nhắc tới điều kiện hạ tầng khu vực để trách ách tắc giao thông và hiện tượng quá tải về hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, đối với những công trình được khuyến khích làm cao tầng để tạo điểm nhấn, cần phải nghiên cứu xem độ lớn như thế nào là hợp lý. Các nhà đầu tư, kể cả các tư vấn thường mượn cớ “Điểm nhấn” để tăng độ cao công trình. Thực tế độ cao quá lớn có thể làm các công trình bao quanh trở thành quá nhỏ bé. Tỷ xích làm hại tỷ lệ. Tạo điểm nhấn phải chú trọng tới tỷ xích.

Trong phương thức tạo hình, có hai cách tổ hợp: Hoặc là bằng sự hài hòa, uyển chuyển mềm mại, hoặc là bằng sự tương phản đột biến, ấn tượng. Nếu như Kiến trúc cổ điển tạo vẻ đẹp hài hòa thì Kiến trúc hiện đại tạo vẻ đẹp ấn tượng. Vì vậy kiến trúc hiện đại cần phải biết tạo nên những Điểm nhấn, liên quan tới yếu tố, vị trí và hình tượng đột biến.

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi
Nguồn ảnh: Internet
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 04.2011

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more