Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương.
Đô thị có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, hiện nay dân số đô thị Việt Nam chỉ chiếm gần 30% tổng dân số cả nước nhưng đóng góp cho quốc gia trên 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị cao gấp 1,5 – 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước.
Tốc độ đô thị hoá của Việt Nam trong 10 năm qua rất đáng khâm phục, theo Bộ Xây dựng thì 10 năm qua trung bình một tháng chúng ta có một đô thị mới (ĐTM). Bộ mặt của nhiều đô thị đã thay đổi theo hướng hiện đại, các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, kiến trúc cảnh quan hướng đến thân thiện với môi trường, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là đến các đô thị lớn ngày càng tăng.
Bên cạnh những mặt tích cực trong phát triển đô thị của Việt Nam trong những năm qua vẫn còn nhiều tồn tại trong phát triển đô thị hiện nay như vấn đề kẹt xe (tắc nghẽn giao thông), môi trường đô thị bị ô nhiễm nặng do khói và bụi, bị ngập úng khi mưa lớn và triều cường dâng cao, nhiều KĐTM đầu tư chưa đồng bộ dẫn tới lãng phí xã hội, nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp không được cải tạo, bộ mặt kiến trúc của nhiều KĐT chưa được đẹp,..
Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trong phát triển đô thị nêu trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân do chúng ta thiếu vốn đầu tư phát triển đô thị dẫn đến đầu tư không đồng bộ, do quy hoạch đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển đô thị và đặc biệt nguyên nhân do chính sách cho quản lý dự án phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế khách quan của phát triển đô thị nói chung và điều kiện phát triển đô thị của Việt Nam nói riêng.
Dự án phát triển đô thị bao gồm các dự án đầu tư xây dựng một ĐTM (TP mới), dự án đầu tư xây dựng KĐTM hoặc dự án tái thiết (cải tạo) KĐT cũ. Sự khác biệt của dự án phát triển đô thị so với dự án đầu tư xây dựng thông thường là quy mô dự án phát triển đô thị thường rất lớn, phức tạp do liên quan đến vấn đề bồi thường hỗ trợ tái định cư với quy mô lớn, vấn đề thay đổi giá trị của khu đất sau khi đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, vấn đề hình thành đơn vị hành chính mới, vấn đề kết nối hạ tầng với các khu vực và đặc biệt là chi phí cho đầu tư phát triển đô thị rất lớn.
Dự án phát triển đô thị muốn thành công thì chúng ta phải có mặt bằng sạch (có đất sạch, tức là việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư phải tốt), việc thực hiện dự án phải đồng bộ từ khâu quy hoạch đến xây dựng theo quy hoạch và quản lý đô thị sau xây dựng (khi chưa bàn giao), và quan trọng nhất là chúng ta phải có tiền và quản lý tiền phải hiệu quả.
Theo số liệu thống kê thì chi phí cho đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, KCN theo tiêu chuẩn Việt Nam (chưa bao gồm hạ tầng xã hội) là từ 5 – 8 tỷ đồng cho 1ha. Chi phí cho đầu tư xây dựng một ĐTM (PT mới) hoàn chỉnh, đồng bộ của Hàn Quốc có diện tích 75km2, dân số 500 nghìn người là 48 tỷ USD, thời gian xây dựng 25 năm, như vậy chi phí xây dựng trung bình cho 1ha TP mới là 6,4 triệu USD (khoảng 128 tỷ đồng) hay suất đầu tư xây dựng ĐTM tính trên một người dân đô thị là gần 96 nghìn USD/người (khoảng 2 tỷ đồng/người). Như vậy chi phí cho đầu tư xây dựng phát triển đô thị là rất lớn nên việc bảo đảm vốn cho phát triển đô thị là rất quan trọng, nó quyết định đến việc thành công của dự án, do vậy trong cơ chế chính sách đầu tư phát triển đô thị không thể không có nội dung quy định về việc bảo đảm nguồn vốn cho dự án phát triển đô thị.
Vốn cho xây dựng phát triển đô thị sẽ được huy động từ nhiều nguồn như từ vốn tự có của chủ đầu tư, vay ngân hàng, vay các quỹ… về nguyên tắc vốn cho phát triển đô thị chủ yếu sẽ là từ chính đô thị hay gọi nôm na là “mỡ nó rán nó”. Tuy nhiên vốn cho phát triển đô thị là rất lớn (cho bồi thường hỗ trợ tái định cư, xây dựng các công trình hạ tầng…) mà khi dự án bắt đầu khởi động nó chưa thể có được, do vậy nhà nước phải đưa ra chính sách cần thiết về cơ chế tài chính cho đầu tư xây dựng phát triển đô thị.
TS Phạm Văn Khánh Vụ Kinh tế xây dựng – BXD.