Trường dạy nghề Sa Pou tại làng Sra Pou, Campuchia vừa mới được hoàn thành xây dựng trong mùa xuân năm 2011 do nhóm kiến trúc sư trẻ từ công ty Architects Rudanko + Kankkunen của Phần Lan thiết kế. Trường dạy nghề Sra Pou này bao gồm một trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và trung tâm cộng đồng nhỏ dành cho người dân làng vốn rất thiếu thốn về mọi mặt. Các kiến trúc sư chịu trách nhiệm phần thiết kế công trình cũng như giai đoạn quản lý xây dựng.
Mục đích của trung tâm dạy nghề là để khuyến khích và dạy cho các gia đình nghèo khó để có thể kiếm sống. Cộng đồng làng Sra Pou là một trong những cộng đồng kém ưu đãi nhất tại Campuchia, khi họ bị bắt buộc phải di dời từ thành phố ra các khu vực vùng ven xung quanh. Họ thiếu thốn những vật chất, cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng cơ bản nhất cũng như nguồn thu nhập ổn định để sinh sống. Ngôi trường dạy nghề mới sẽ mang lại những khóa dạy nghề chuyên nghiệp và giúp người dân cùng nhau xây dựng hình thức kinh tế bền vững. Đây sẽ là nơi lý tưởng cho những nhóm họp cộng đồng và là nơi quyết định những vấn đề chung của cả cộng đồng. Ngoài ra, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương sẽ tham gia để truyền đạt những khóa dạy nghề cho người dân.
Dự án trường học Sra Pou này được khởi động bởi một nhóm kiến trúc sư trẻ là Hilla Rudanko và Anssi Kankkunen tại xưởng thiết kế của trường đại học Aalto vào mùa xuân năm 2010. Trong thời gian tham gia xưởng thiết kế, họ đã di chuyển đến Campuchia để tìm một đề bài thiết kế thực tiễn với một tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương. Các thiết kế ban đầu chỉ mang tính ý tưởng, nhưng Rudanko và Kankkunen đã tổ chức được phần xây dựng cho trường dạy nghề Sra Pou, do nhu cầu bức thiết thực tiễn và thiết kế của nhóm cũng được sự ủng hộ của cộng đồng địa phương và các nhà tài trợ. Công ty thiết kế Architects Rudanko + Kankkunen được thành lập chính ngay trong giai đoạn tìm thiết kế ý tưởng này. Và hiện tại, công ty này thuộc nhóm kiến trúc nhân đạo Phần Lan có tên gọi là NGOUkumbi.
Trường dạy nghề tận dụng những vật liệu địa phương sẵn có với nguồn nhân công tại chỗ. Mục tiêu là dạy cho người dân làng biết cách tận dụng những vật liệu này và áp dụng các công nghệ xây dựng tương tự để xây dựng nhà ở trong tương lai. Vì sự khan hiếm của nguồn nguyên vật liệu, đất đỏ tại chỗ được tận dụng tạo nên các viên gạch nung. Toàn bộ trường học được làm bằng tay: không sử dụng bất kỳ máy móc cũng như các vật liệu tiền chế nào trong phần xây dựng. Việc này cho phép tạo ra công việc cho nhiều dân làng và đồng thời cũng để truyền đạt lại các kỹ năng xây dựng đơn giản.
Các viên gạch nung đã thể hiện được hình thái không gian địa phương xung quanh. Ngoài ra, chúng được sắp xếp với các lỗ nhỏ đan xen kẽ, vì thế ánh sáng và gió sẽ được mang vào các không gian bên trong, và vào ban đêm, trường học sẽ như một chiếc lồng đèn với các lỗ chiếu sáng thú vị. Toàn bộ không gian cộng đồng được mở, mang lại không gian ngoài trời với bóng râm mát. Các cánh cửa làm bằng tay nhiều màu sắc sẽ thu hút và chào đón dân làng Sra Pou ngay từ trục đường chính phía ngoài.
KTS. Vũ Linh Quang – Ardor Architects – Dịch theo Archdaily
CÔNG TY KIẾN TRÚC ARDOR ARCHITECTS HÂN HẠNH TÀI TRỢ BÀI VIẾT NÀY