“Dù ông đại gia ấy nói rất hay, rất ngọt vì xã hội, vì người nghèo, vì tương lai thành phố. Cái đó có thể có, không ai phủ nhận, nhưng những cái đó đều nằm ở phía sau túi tiền của ông ta ” – TS Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã nói khi trò chuyện với PV.
Đô thị đáng sống
Quy hoạch chung Hà Nội vẫn đang… chờ phê duyệt. Theo ông, có những vấn đề gì đang đặt ra hiện nay với đô thị Hà Nội?
Hiện nay, ở nước ta dường như mới chỉ tập trung quan tâm nhiều đến việc lập quy hoạch còn tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch thì… Quy hoạch nêu nét lớn, thực hiện phải đi vào cụ thể, phải rất am hiểu tư duy phát triển đô thị hiện đại, bền vững.
TS Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Chúng ta vẫn coi quy hoạch như một sản phẩm, nhưng hầu hết các nước, người ta coi quy hoạch là quá trình. Không thể tư duy mười năm trước cũng như mười năm sau, vẫn quy hoạch đó nhưng thực hiện phải có sự thay đổi phù hợp.
Còn con người trong đô thị, thưa ông?
Hà Nội cần phải là một đô thị sống tốt, hay đáng sống. Con người trong đô thị có mối đồng cảm với nhau, chứ không phải xa lạ. Cùng một phố, một chung cư mà không quan tâm đến nhau, không chơi với nhau cũng bình thường, nhưng phải có chỗ cho người ta gặp nhau. Phải có không gian công cộng.
Anh vào siêu thị lấy đồ rồi ra thanh toán, còn vào chợ thì phải trao đổi với nhau – hai cái khác hẳn: Một bên là giao tiếp giữa người và vật, một bên là người với người. Đô thị mà chỉ có giao tiếp người với vật thì làm sao có tình cảm cộng đồng.
Thứ hai, người dân phải có cảm nhận, yêu quý thành phố của mình. Ví dụ, chúng ta yêu quý Văn Miếu, Hồ Tây, yêu quý cụ Rùa, đấy không phải cảm nhận cộng đồng mà cảm nhận với phong cảnh, thiên nhiên của đô thị. Nếu những cái đó tốt, cộng giao thông, môi trường, trật tự an ninh tốt thì đó là một đô thị đáng sống.
Không có phố vì tư duy cũ kỹ
Hà Nội đang thí điểm cải tạo một số chung cư cũ, ông nhìn nhận công việc này ra sao?
Khu Giảng Võ được giao cho một doanh nghiệp nào đó thực hiện. Nhưng người ta chỉ nhắm vào nhà B6 hay một vài chung cư có vị trí tốt để làm. Kim Liên chỉ có hai nhà mặt đường triển khai, những nhà khác có ai quan tâm đâu. Như thế không thể gọi là cải tạo khu chung cư.
Cải tạo thì phải quy hoạch lại khu chung cư đó, không phải biến nó thành tiểu khu nhà ở, thậm chí đông dân hơn. Phải quy hoạch xem nó thiếu cái gì để bổ khuyết, cho cả khu vực đó cân bằng hơn, tức là làm bớt mâu thuẫn, bức xúc hiện tại.
Quy hoạch phải được công khai, minh bạch, phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, vì đó là luật, không phải chuyện của một quan chức nào. Sau đó là việc nghiêm chỉnh thực hiện qui hoạch đó. Những người đứng đầu phải có một tầm nhìn, phải đặt vấn đề xem bộ mặt thủ đô sẽ ra sao sau 10, 20 hay 50 năm nữa”. |
Cải tạo các chung cư cần phải làm sao để cho nó có phố vì phố là qui luật phát triển đô thị. Tuyến phố có tác dụng giải quyết giao thông đồng thời cũng là không gian công cộng. Người ta đi ra phố mua bán, dạo chơi hay gặp gỡ nhau và cũng chẳng ai phải nộp tiền mới được vào phố.
Vâng, nhưng những khu đô thị mới quy hoạch có phố đâu?
Trung Hòa – Nhân Chính, tiếng là khu đô thị hiện đại nhưng không có phố. Nếu làm lại những con đường ấy thành phố sẽ rất đẹp. Trước đây, người ta quy hoạch Hà Nội có nhiều phố, nhà phố có mái hiên che mưa nắng cho khách bộ hành. Bây giờ các nhà quy hoạch không coi phố là gì. Cũng vì thế mà chỉ có phố tự phát như bộ mặt nhem nhuốc ở những con đường mới mở.
Mỹ Đình, Trung Hòa, Linh Đàm làm gì thấy bóng hình của phố, dân phải cơi nới, trổ nhà thành cửa hàng kinh doanh, nhưng không bao giờ nối được với nhau thành phố. Đấy là nhược điểm trong quy hoạch, một kiểu tư duy cũ kỹ do các nhà quản lý quy hoạch, đô thị không am hiểu.
Vì túi tiền, nhiều khi họ bất chấp
Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp dần những không gian công cộng. Cùng với quá trình đó, dường như nhiều khu đất vàng đang rơi vào tay… ai đó, có thể là “đại gia” nào đó?
Nhất định kinh tế thị trường phải sản sinh đại gia. Dù ông đại gia ấy nói rất hay, rất ngọt vì xã hội, vì người nghèo, vì tương lai thành phố. Cái đó có thể có, không ai phủ nhận, nhưng những cái đó đều nằm ở phía sau túi tiền của ông ta. Vì túi tiền đó, nhiều khi họ bất chấp. Nhưng đấy là bản chất của người kinh doanh, có lợi thì họ nhảy vào. Lỗi là do chính quyền chứ không phải do người ta, không lên án người ta được. Vấn đề chính quyền thay mặt dân quản lý xã hội hay thay mặt đại gia. Thay mặt dân, anh phải điều hòa các lợi ích và không thể vì lợi ích đại gia làm ảnh hưởng đến lợi ích nhân dân.
Rộng mà chưa giãn được
Hà Nội đã mở rộng gấp ba lần, tại sao chúng ta chưa thực hiện được tốt việc giãn dân ra phía ngoài?
Nền kinh tế kế hoạch hóa ngày xưa không cần phố vì có gì mà bán, mọi thứ đều tem phiếu, phố đóng cửa thành nhà ở hết. Chỉ khi nền kinh tế thị trường mở cửa mới cần có phố như bây giờ, cho nên mâu thuẫn. Thế nên bây giờ người ta mới chen nhau vào nơi có phố, hậu quả 1 tỷ đồng/m2. Đấy là quan hệ cung cầu.
Nếu Trung Hòa – Nhân Chính hay các khu đô thị đều có phố phồn vinh thì nội thành đắt quá người ta sẽ ra đó đầu tư. Hay siêu thị trong phố quá nhiều có cần không? Người dân vẫn chưa sống đến mức mọi thứ đều vào siêu thị. Nhu cầu chợ vẫn còn, và chợ cũng là nơi kết nối giữa đô thị – nông thôn ngoại thành. Anh bịt chợ thì tự nhiên kết nối ấy bị phá vỡ, không tốt.
“Chuyện nhỏ, chuyện bình thường như người ta lăm le nhảy vào Công viên Thống Nhất mấy lần; Sự biến mất của một số chợ dưới danh nghĩa cải tạo. Chợ Cửa Nam cải tạo xong chẳng ra chợ hay Trung tâm thương mại mà thành… ngân hàng, dù vẫn còn cái tên đó. Phải chăng Hà Nội không cần chợ nữa! Chợ cũng như công viên, đều là không gian công cộng, mọi người dân có thể vào mà không phải trả tiền, xin phép. Không gian công cộng đang rất cần cho đô thị. Thời Pháp, Hà Nội bé tí nhưng có bao nhiêu vườn hoa, quảng trường. Thời bao cấp, Công viên Thống Nhất và nhiều không gian công cộng được xây dựng cải tạo như đường Cổ Ngư, Quảng trường Ba Đình. Bây giờ, sơ sểnh là mất ngay. Bãi rác Thành Công (Đống Đa) chưa kịp làm công viên, dân “nhảy dù” hết. Công viên Tuổi trẻ cũng vậy. Ngay sát Hồ Gươm mà người ta dám xây vượt số tầng quy định. Trong khi đó, nhiều khu tái định cư dân không ở vì vá víu, thiếu đủ thứ; Các khu đô thị mới rời rạc, khiếm khuyết. Sau khi mở rộng Hà Nội, càng nhiều vấn đề đặt ra, nhất là công tác quản lý đô thị chưa theo kịp, chưa đủ tầm”. |
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bảo Ngân (thực hiện)
Theo Bee.net