Đó là nhận xét của Đại sứ Anh tại Việt Nam, TS Antony Stokes tại hội thảo “Tham vấn bài học kinh nghiệm từ Luật Biến đổi khí hậu Anh quốc và xây dựng Chiến lược Biến đổi khí hậu của Việt Nam” gần đây được tổ chức tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với cả thế giới trong thế kỷ XXI mà Việt Nam là một trong các quốc gia sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Theo kịch bản BĐKH mới nhất cho Việt Nam đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng từ 3 – 50C, mực nước biển dâng trung bình có thể trên 1m, các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ, hạn hán, nắng nóng, rét đậm sẽ diễn biến ngày càng phức tạp hơn.
Tại Việt Nam, mặc dù mục tiêu ưu tiên của đất nước là đạt được sự tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng Chính phủ cũng nhận thức được rằng kiểm soát và giảm hậu quả của thiên tai cũng là một vấn đề then chốt. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế xây dựng và thực hiện những điều ước quốc tế, quá trình hợp tác quốc tế đa phương và song phương tích cực, sáng tạo hiệu quả để cùng tìm ra những giải pháp và thích ứng với những tác động bất lợi của BĐKH. Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto, đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ứng phó với BĐKH. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH vào tháng 12/2008. Đó là một trong những thành công ban đầu trong nỗ lực của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ứng phó với BÐKH với chủ trương “nội lực là chính, chủ động kết hợp, tranh thủ tối đa vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế, các thỏa thuận từ các hội nghị quốc tế”.
Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quan tâm và sâu sát “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH”. Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết trong việc tổ chức, nghiên cứu và thực hiện các hành động ứng phó với BĐKH bao gồm lập bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản về nước biển dâng, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng, củng cố nâng cấp hệ thống đê đập; các dự án chống ngập tại các TP lớn.
Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm phát triển công nghiệp xanh, từng bước đầu tư và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế, phát triển kinh doanh tín chỉ carbon trên thị trường thế giới để đầu tư, bảo vệ và phát triển bền vững… Bên cạnh đó, tranh thủ hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ quốc tế để chủ động đối phó với BĐKH, trong đó có sự tham gia tích cực của chính phủ Anh.
Đại sứ Anh tại Việt Nam đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia về ứng phó với BĐKH. Từ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã tạo tiền đề để Chính phủ Anh hợp tác chặt chẽ hơn nữa với chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp Việt Nam về BĐKH.
Thứ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Anh đã khẳng định: “Việt Nam là một trong 5 nước dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng – hậu quả của BĐKH. Cùng với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và các bộ khác của Anh, Chính phủ Anh đang hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực: Thực thi Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Ứng phó với BĐKH; xây dựng một lộ trình tăng trưởng các-bon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu, cung cấp và giúp lồng ghép các kiến thức kinh tế và khoa học liên quan đến BĐKH vào việc thiết kế và xây dựng các chương trình quốc gia và giúp Việt Nam tham gia các diễn đàn khí hậu quốc tế”.
Với những nỗ lực từ Chính phủ, từ hợp tác quốc tế, từ chính cộng đồng, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu nhất định trong quá trình ứng phó BĐKH.
Theo Baoxaydung