Những năm gần đây trong quá trình trùng tu, các đình chùa và đền miếu cũng như các công trình lịch sử cổ ở nhiều nơi trên cả nước phần nhiều đều được “cơi nới” thêm diện tích. Việc “xây to hơn nguyên bản” này đã được dư luận đặc biệt quan tâm và có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Chùa Thiên Phúc, Hà Nội và đại tu
Đại đức Thích Thanh Quyết (Trụ trì chùa Phúc Khánh, Hà Nội, từng có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng chùa Non Sóc Sơn với pho tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng to nhất Việt Nam và nhiều công trình Phật giáo lớn khác): “Di tích cũng phải mang tính thời đại”
Khi chuẩn bị xây dựng chùa Non, tâm nguyện của tôi và mọi người là xây chùa bé như dấu tích ban đầu. Nhưng rồi qua bàn bạc, tất cả mới thống nhất phương án xây ngôi chùa mới to hơn chùa cũ. Tôi sợ Nhà nước không cấp phép vì di tích vốn không lớn, nhưng quan điểm của số đông lại thế này: Chùa bé hợp với thời xưa, khi Việt Nam chỉ có mấy triệu dân, còn thời đại bây giờ, đất nước đã ngót 100 triệu dân. Người ngày xưa tầm thước nhỏ, người bây giờ tầm thước đã cao to hơn. Vậy tại sao lại mất công tu sửa giống hệt như cũ được mà không xây mới theo hướng tương thích với thời đại.
Di tích cũng phải mang tính thời đại! Ta xây trên nền đất cũ, giữ nguyên tên chùa là giữ gìn bản sắc. Nếu thiết kế, dáng vóc của di tích tương đồng với thời đại đang sống thì dăm bảy chục năm sau, trăm năm sau nếu người ta hỏi, ở thế kỷ XX, ở thời đại Hồ Chí Minh có di tích gì, công trình văn hóa tâm linh nào đáng kể, con cháu chúng ta mới có cái để “khoe” ra! Làm nguyên như cũ, ta lại mất công lặp lại cái cũ. Sẽ là rất đáng tiếc nếu thời đất nước mở cửa, đổi mới mà cũng chẳng có công trình văn hóa tâm linh nào xứng tầm vóc.
Khi trùng tu, tôn tạo di tích, Luật không cho phép xây sửa mới được to hơn nguyên bản. Nhưng Luật cũng không nói rằng đúc tượng cũng phải đúc nhỏ như tượng cũ. Thế là nhiều người mách nước, cứ đúc tượng thật to vào. Tự nhiên tượng to thì chùa phải to. Hơn nữa mình xuất phát từ cái tâm tốt. Tâm xây dựng, tâm bỏ ra chứ không phải tâm phá phách, tâm thu vào mình, thì chả sợ tội gì với Nhà nước mà cũng chả sợ có tội gì với Phật, các phật tử cảm nhận rất rõ.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương): “Nếu như anh tạo ra ngôn ngữ kiến trúc quá xa lạ, nó như là một sự trấn át, chế ngự lại tâm lý của người đến chùa, đến đình” |
Tổ tiên mình đã có một ý niệm về kiến trúc rất hay như ngôi đền, ngôi chùa, cái đình nương nép và hòa vào thiên nhiên. Người xưa tạo ra được ngôn ngữ kiến trúc riêng biệt trong không gian tâm linh, không gian hài hòa với thiên nhiên và ấm cúng khiến lòng người trở nên thanh thản, thư thái…
Đã đành dấu ấn của thời đại Hồ Chí Minh là một chương mới của lịch sử Việt Nam. Nếu như việc xây mới ấy mà lại không đẹp hơn giá trị truyền thống thì cũng nên xem xét lại. Quan niệm xây thật to như Bái Đính là một ví dụ. Đấy thực chất là một chùa Trung Quốc được xây dựng ở Việt Nam. Cấu trúc đó hoàn toàn là của một chùa Trung Hoa, chứ không phải chùa Việt. Nếu quan niệm anh tạo ra những điểm du lịch về tâm linh thì có thể nó thuần túy là một điểm du lịch thôi, nhưng coi như án định một Tôn giáo Việt Nam thì không ổn. Cả hệ thống 500 pho La Hán được trưng bày ở chùa Bái Đính cũng không hẳn là để cho khách thập phương đến lễ bái mà thực chất là đến để chiêm ngưỡng. Tâm lý xây to ấy thực sự rất đáng ngại, tại vì các cụ mình ngày xưa rất hiểu một ngôi chùa, ngôi đền dù có to bao nhiêu thì vẫn cứ duyên dáng nằm trong khung cảnh thiên nhiên và tỉ lệ kiến trúc là tỉ lệ vàng.
Chùa Bái Đính, ngôi chùa được coi giống như chùa Trung Quốc.
Di tích với diện tích vừa đủ, cùng với hình dáng cấu trúc, với những đường nét sắc sảo, tinh tế phải như một điểm nhấn ở một làng quê. Điểm nhấn đẹp về kiến trúc, như một cách ẩn mình vào thiên nhiên. Không gian tâm linh khi hài hòa với thiên nhiên thì mới có ý nghĩa, chứ nó đồ sộ, chế ngự toàn bộ thiên nhiên, chế ngự toàn bộ làng quê Việt bằng đền to, phủ lớn thì rất không ổn.
Bây giờ người ta quan niệm không to như cái đình mà cao như cái đình. Hiện nay các chùa miền Bắc trùng tu tôn tạo có điều kiện là xây cao lên vài tầng. Bản thân sự làm mới đó tạo ra sự diêm dúa, kỳ quặc. Thực ra kiến trúc Việt đẹp ở sự dịu dàng, bình dị, thân gần với bất kỳ ai. Nếu như anh tạo ra ngôn ngữ kiến trúc quá xa lạ, nó như là một sự trấn át, chế ngự lại tâm lý của người đến chùa, đến đình.
Điều này cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có trách nhiệm, kịp thời có những điều chỉnh trước khi xảy ra hàng loạt chùa, đền mới được xây to và xa lạ với mỹ cảm của người Việt Nam.
Hành lang La Hán trong chùa Bái Đính.
Những pho La Hán ở chùa Bái Đính không hẳn là để lễ bái mà để chiêm ngưỡng.
Nhà nghiên cứu di sản, PGS-TS Trần Lâm Biền: “Cái gì đã là của tổ tiên xin để nguyên trả cho tổ tiên”
Khi trùng tu, tôn tạo di tích, tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm xây mới theo hướng to hơn, hoành tráng hơn nhưng đồng ý theo kiểu khác. Di sản văn hóa của tổ tiên mang rất nhiều giá trị mà giá trị cúng bái không phải là trọng tâm chính. Lấy một ví dụ như di sản văn hóa của thời Lý nằm ở trong đồng bằng Bắc Bộ, giới hạn ở không hết châu thổ Bắc Bộ. Thời nhà Trần di sản mở rộng hơn, đến thời Lê Sơ thì mở rộng hơn nữa về phía Nam. Thời Mạc cho đến tận thời Nguyễn, di sản mới tràn vào khắp 3 kỳ, và cả ở trên miền núi. Nhưng nhà Nguyễn chưa lên được Tây Nguyên, đến thời Pháp, kiến trúc của người Việt lên được Tây Nguyên. Nhưng thực dân Pháp lại chia nước Việt ra làm 3 kỳ, như 3 nước riêng biệt.
Đến đế quốc Mỹ, đất nước bị chia đôi. Và qua di tích lịch sử đã thấy rõ rệt nhất, chứng minh với chúng ta rằng dân tộc này, quốc gia này chỉ thực sự thống nhất vào ngày 30-4-1975. Khi giải phóng miền Nam, dân tộc Việt Nam mới thống nhất hoàn toàn. Vậy bằng di sản văn hóa, người ta nhận thấy rằng, bước đi của tộc người Kinh đến đâu thì biểu hiện sự thống nhất của cả cộng đồng dân tộc đến đấy. Mà di tích lịch sử qua các triều đại đã chứng minh cụ thể điều ấy.
Di tích cực kỳ quan trọng trong vấn đề chứng minh về bước phát triển của lịch sử dân tộc và mang yếu tố văn hóa chính trị mạnh hơn yếu tố tín ngưỡng. Bởi vì anh có thể cúng đâu cũng được nhưng di sản văn hóa ấy mất đi là nó mất đi chứng tích của thời quá khứ. Mất đi chứng tích về bước phát triển của dân tộc.
Nói thế để thấy rằng, tu sửa không đúng cách là phá hoại di tích, là bôi nhòe lịch sử. Muốn bước vào tương lai một cách vững chắc thì bắt buộc phải ngoái nhìn quá khứ. Quá khứ định hình anh là ai và khi anh xác định được thì anh mới tiến lên được.
Di sản văn hóa nếu cứ tưởng rằng chỉ nhìn ở hình thức đẹp hay xấu thì đã đánh rơi mất một ý nghĩa cao đẹp hơn nhiều. Di sản văn hóa là bước đi, bản sắc, bản chất, bản thể của dân tộc này. Nhất là khi Việt Nam đang xu hướng hòa nhập chống hòa tan. Vậy, giá trị của di sản văn hóa cao lớn là thế mà đem làm một cái kiến trúc để đáp ứng yêu cầu cúng bái, mà áp đặt lên đầu của tổ tiên thì không thể chấp nhận được.
Cái gì đã là của tổ tiên xin để nguyên trả cho tổ tiên, và chúng ta đến đấy chiêm ngưỡng. Di tích lịch sử không xây cao bởi tổ tiên của chúng ta là chưa đẩy thần linh lên cao. Ngôi đình, ngôi chùa hòa vào trong cây cỏ, bởi tổ tiên chúng ta nghĩ hòa vào thiên nhiên vũ trụ để tồn tại, còn nay nếu như muốn đáp ứng yêu cầu của dân số tăng lên để cho sự cúng bái, xin mời ra diện tích nơi khác. Hãy làm ở trên mảnh đất khác. Xin đừng có xóa bỏ tổ tiên hay “triệt hạ bố mẹ mình” để rồi “ngồi lên đầu các cụ”. Điều đó không chấp nhận được.
Chúng ta có thể tán thành chuyện bảo vệ chùa Thầy, nhưng muốn đáp ứng yêu cầu lễ bái như hiện nay ở chùa Thầy xin cứ việc xây dựng một ngôi chùa khác ở gần đó, đừng phạm vào không gian của tổ tiên. Không gian của tổ tiên giữ lại được đến bây giờ không có nhiều, còn rất là ít và đừng nên phá hoại nó. Không ai cấm xây to cả. Nhưng đừng lấy một cái cớ là đáp ứng yêu cầu hiện tại mà xóa bỏ quá khứ. Rõ ràng xây dựng ở chỗ khác gần đó, vừa đạt được yêu cầu của quá khứ và đáp ứng được nhu cầu của thực tại, vừa đáp ứng được yêu cầu của bảo tồn di sản văn hóa, yêu cầu chính trị và yêu cầu tín ngưỡng. Chẳng hạn, xóa bỏ di tích cũ thì làm sao chúng ta biết được bước đi của dân tộc.
Hiện nay, một số người phụ trách về tôn giáo, tín ngưỡng nhiều khi lầm lẫn tưởng mình là chủ nhân của di tích nên xây thật to, xây mới. Hiện tượng xây di tích quá to và mới ở nhiều nơi là lợi dụng sự nể nang và yếu kém của ngành văn hóa để lầm lẫn giữa tình cảm lý trí, ước muốn cá nhân và pháp luật. Cái đó hiện nay đang nhập nhằng. Chính cái sự nhập nhằng không rõ rệt ấy đi đến chỗ sai lầm trong tu bổ kiến trúc cổ truyền
Theo CAND