Cuộc thi kiến trúc “ Nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt” do Hội KTS Việt Nam phát động (từ tháng 10/2010 đến 15/3/2011) đã kết thúc tốt đẹp với gần 100 phương án dự thi của KTS, sinh viên kiến trúc trong cả nước. Và vừa qua, lễ trao giải và triển lãm các tác phẩm dự thi đã được tiến hành tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, trong Chương trình kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27-4 do Hội KTS Việt Nam tổ chức.
Nhiều năm qua, kiến trúc nông thôn là lĩnh vực mà giới KTS rất quan tâm. Đã có nhiều cuộc thi về nhà ở nông thôn được tổ chức. Rất nhiều mẫu nhà ở nông thôn các vùng miền được triển lãm để bà con xem, góp ý kiến. Kiến trúc sư rất phấn khởi, nhất là những KTS trẻ. Bà con cũng háo hức trước các kiểu nhà ở được vẽ phối cảnh rất đẹp lại ít tiền và mường tượng ra ngôi nhà của mình trong một nông thôn đang được đô thị hóa.
Thế nhưng, cũng cần ấy năm trôi đi. Hầu như không thấy một ngôi nhà ở nông thôn nào được xây dựng theo những mẫu kế thiết rất đẹp kia, trong khi nông thôn vẫn phát triển theo sự phát triển chung của xã hội. Các làng quê truyền thống đang dần mất đi, để thay thế vào đó là là những phố -làng tự phát của thời đô thị hóa. Người nông dân hầu như nhanh chóng lãng quên những kiểu nhà do KTS thành phố vẽ cho họ qua các cuộc thi. Người may mắn giàu tự nghĩ ra kiểu nhà cho mình, phù hợp với túi tiền khá đầy do được đền bù khi mất đất và thỏa mãn cái thẩm mỹ của một trọc phú làng mới nổi! Còn những hộ nông dân nghèo ở các vùng quê chưa kịp đô thị hóa, nơi chưa có con đường theo quy hoạch chạy qua, chưa có dự án khu đô thị mới hay khu công nghiệp được lập… thì những mẫu nhà ở với vốn đầu tư vài chục triệu mà các cuộc thi đề xuất kia, lại quá xa sỉ với cuộc sống rất nghèo và bấp bênh vì phụ thuộc vào thời tiết của họ.
Những trận lũ, lụt, rồi lũ chồng lên lũ xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã gây ra những tổn thất to lớn về người và của cho nông dân. Hàng ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi cùng tài sản, trâu bò… lương thực và có cả con người. Những mẫu nhà cho người dân vùng lũ, lụt, bão vừa được các KTS sáng tác theo lời kêu gọi của Hội KTS Việt Nam, đã thể hiện tình cảm và trách nhiệm công dân của giới KTS đối với nông dân và xã hội. Đó là những tình cảm có thật rất đáng được trân trọng, được hoan nghênh. Thế nhưng, để làm sao các kiểu nhà ở trên cột bê tông, hay tự nổi khi nước lũ dâng theo kiểu pít tông mà các KTS đề xuất qua cuộc thi kia trở thành hiện thực thì… câu trả lời lại không phải là Hội KTS và các KTS. Chúng ta đã quen với hình ảnh cứ sau mỗi trận bão lũ là hàng đoàn, hàng đoàn người hăm hở đến các vùng thiệt hại để làm tài trợ với hàng tấn mỳ ăn liền, hàng ngàn bộ quần áo cũ… cùng nhiều tỷ đồng. Điều đó thực đáng quý, lá lành đùm lá rách theo truyền thống tốt đẹp của cha ông. Nhưng đó không phải là tất cả, vì của quyên góp, tài trợ từ lòng hảo tâm chỉ có hạn!
Phải chăng, đã đến lúc cần có một Chương trình của Nhà nước về nhà ở nông thôn vùng bão lũ, như Chương trình tôn nền vượt lũ nhà ở ĐBSCL cách đây mười năm đã và đang trở thành hiện thực, hay một Quỹ An sinh của Chính phủ với sự tham gia của các Doanh nghiệp và cộng đồng. Đây sẽ là nguồn vốn cơ bản để hỗ trợ người dân xây cho mình một ngôi nhà bền vững, phù hợp với khả năng kinh tế và thích nghi với thiên tai mà cuộc thi kia đã đề xuất. Được như vậy, các cuộc thi kiến trúc nhà ở cho nông thôn nói chung và vùng bão lũ lụt nói riêng mới có khả năng trở thành hiện thực. Còn không, thì đó mãi mãi chỉ là những ý tưởng nằm trên giấy, để rồi, sau khi được triển lãm, tôn vinh sẽ lại lặng lẽ… được cất vào kho!?
KTS Phạm Thanh Tùng
Chánh Văn Phòng Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam