Tỷ lệ nghèo đô thị đang có xu hướng tăng lên và người nghèo đô thị ngày càng khó khăn hơn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, họ luôn phải vật lộn với cuộc sống thiếu an sinh. Đó là những nét cơ bản trong “bức tranh” người nghèo đô thị được hai tổ chức Oxfam (liên đoàn của 13 tổ chức làm việc với hơn 3.000 đối tác tại hơn 100 quốc gia để tìm giải pháp lâu dài xoá nghèo đói và bất công) và ActionAids (tổ chức phát triển phi lợi nhuận quốc tế hoạt động vì mục tiêu xoá bỏ đói nghèo trên phạm vi toàn cầu) công bố.

2011 91 6 nhk2997 copy

Người nghèo đô thị chịu không ít thiệt thòi trong cuộc sống

Nhóm cư dân này dựa vào nguồn sống duy nhất là sức lao động. Tuy nhiên, sức lao động của họ lại rẻ mạt do thiếu kỹ năng, thiếu đào tạo và đặc biệt là không thường xuyên. Nguồn thu nhập bấp bênh khiến họ không thể duy trì các hình thức bảo hiểm cho cuộc sống của mình, thậm chí là những nhu cầu tối thiểu như y tế, giáo dục. Tình trạng bần cùng, quẫn bách đến tuyệt vọng có thể đến bất cứ lúc nào đối với nhóm người này khi phải đối mặt với bệnh tật hoặc thiên tai và tai nạn. Đó cũng là nguyên nhân đẩy những con người quẫn bách ấy rơi vào những cái bẫy của xã hội như nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, thậm chí là bạo lực và trở thành nguồn gốc của bất ổn xã hội.

Báo cáo của Oxfam và ActionAids cũng chỉ ra rằng, thực tế này đòi hỏi sự thay đổi tư duy về giảm nghèo đô thị hiện nay. Người nghèo đơn chiều (nghèo thu nhập) theo các tiêu chí cũ hiện chỉ còn rất thấp và khó giảm thêm, nhưng nếu xem xét theo các tiêu chí ngoài thu nhập, số lượng người nghèo đô thị sẽ trầm trọng hơn nhiều. Hai tổ chức trên cũng cho rằng, vì người nhập cư dưới dạng tạm trú không được xét đến trong các cuộc rà soát nghèo hàng năm nên “bức tranh nghèo” thường được mô tả không đầy đủ. Điều này thật đáng lo ngại, vì chỉ khi nào “bức tranh nghèo đô thị” được nhìn nhận thực tế và đầy đủ hơn thì các chính sách giảm nghèo mới thực sự hiệu quả. Theo bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: “Trong khi Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, vấn đề nghèo đô thị không chỉ còn là thiếu hụt về thu nhập mà còn thiếu hụt về tiếp cận tới các dịch vụ xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Những sự bất bình đẳng như vậy rất rõ ràng khi chúng ta so sánh giữa các nhóm thu nhập cao và thu nhập thấp. Càng rõ rệt hơn khi chúng ta so sánh nhóm dân số có hộ khẩu thường trú với những dân di cư không có hộ khẩu hoặc di cư tạm thời”.

Con số thống kê cho thấy, hiện có 38% số dân sống ở Hà Nội và 54% ở TP.Hồ Chí Minh không tiếp cận được với hệ thống an sinh xã hội. Hơn 1/3 số người sống ở cả hai thành phố này không có khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở phù hợp như nước, hệ thống thoát nước, rác thải; 1/4 người dân bị thiếu hụt về nhà ở có chất lượng phù hợp. Chính sách xã hội tại các thành phố đều ưu tiên cho những người có hộ khẩu thường trú nên con em người nhập cư khó vào các trường chính quy. Không có hộ khẩu thường trú, không được xét vào diện hộ nghèo nên con cái họ không được miễn giảm học phí, họ không được hỗ trợ tiền mua bảo hiểm y tế và các dịch vụ an sinh xã hội khác. Gần 42% người nghèo, hơn 45% người dân di cư khi ốm không đi khám chữa bệnh chủ yếu là do thiếu tiền, không có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, người nghèo ở đô thị còn phải chi phí nhiều khoản phát sinh hơn ở nông thôn như tiền điện, nước, tiền nhà và giá cả lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu khác. Nghèo ở đô thị, nếu tính về thu nhập cao hơn ở nông thôn, nhưng các khía cạnh khác như điều kiện sống, môi trường sống họ bị thiếu hụt, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Chuẩn nghèo năm 2011 được xây dựng với thu nhập bình quân đầu người khu vực thành thị là 500.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng. Như vậy, chênh lệch thu nhập giữa thị dân và nông dân chỉ là 100.000 đồng. Cấp độ giàu có đã khác nhau, nhưng cấp độ nghèo lại càng khó so sánh giữa nông thôn và thành thị. Nói thì có vẻ vô lý, nhưng trên thực tế người nghèo ở đô thị thực ra còn nghèo hơn hộ nghèo nông thôn.

2011 91 6 nhk7074 copy

Trong khi đó, chi phí cho y tế bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ hơn 1 triệu đồng, bằng 1/10 các nước phát triển, nhưng thực tế người bệnh phải chịu giá dịch vụ, giá thuốc đắt ngang, thậm chí hơn các nước, nhất là biệt dược. Giá dịch vụ y tế quá cao đã đẩy người bệnh nghèo vào cảnh nghèo hơn. Theo một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2010, cho thấy ốm đau tiếp tục đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói. Có đến 33% các hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng bệnh tật là lý do khiến mức sống của hộ gia đình giảm đi hoặc không được cải thiện. Còn theo “Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2007” thì 34,5% bệnh nhân nội trú có thu nhập trung bình không có bảo hiểm y tế phải vay nợ để trả cho chi phí điều trị. Hiện có một nghịch lý là người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế lại thấp hơn các nhóm khác. Người nghèo ở nông thôn không may mắc bệnh hiểm nghèo có nhiều khả năng phải bán đất, bán nhà để chữa trị, gia đình họ đối mặt với nguy cơ phải gia nhập nhóm “người nghèo đô thị” để kiếm sống bằng sức lao động rẻ mạt.

Người nghèo đô thị cần những chính sách căn cơ để giải quyết tận gốc vấn đề. Đó là chính sách an sinh xã hội phù hợp, là khả năng tiếp cận tài nguyên, tiếp cận các dịch vụ công với chi phí thấp, cũng như các cơ hội sống tốt hơn. Có thể sẽ rất khó để đáp ứng những nhu cầu trên trong một thời gian ngắn. Song, những mong muốn ấy cần được đưa vào trong định hướng, kế hoạch phát triển của đất nước và trở thành ý chí của những nhà hoạch định chính sách. Những chính sách quản lý đô thị của chúng ta thời gian qua đều có xu hướng tạo ra nhiều khó khăn hơn cho người nghèo đô thị. Những lệnh cấm xe ba gác, hàng rong, hay việc thu phí vỉa hè, lòng đường… đều hạn chế cơ hội, môi trường kiếm sống của người nghèo khi mà họ chưa được cung cấp những cơ hội mới. Những bài học phát triển ở các nước trong khu vực đã khẳng định việc quan tâm đến người nghèo đô thị là một yếu tố sống còn để đảm bảo quá trình phát triển bền vững và ổn định xã hội. Những bài học đó cũng có thể lựa chọn để vận dụng ở các đô thị của chúng ta. Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh, nhận xét: “TP.Hồ Chí Minh càng ngày càng có đông người vào hơn, có nhiều thành phần cư dân hơn, kéo theo sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường sống, ngay cả ở những nhu cầu sống tối thiểu. Sự phát triển đô thị tại TP.TP.Hồ Chí Minh trên thực tế đã và đang diễn ra ngược lại với ý chí ban đầu… Đặc biệt, lợi ích từ quá trình phát triển thì người giàu thường được hưởng, còn người nghèo vẫn chịu thiệt thòi. Ví dụ các dự án nhà cao tầng mọc lên nhiều nhưng chương trình nhà ở thu nhập thấp cho tới nay vẫn không triển khai nổi. Sự phân hóa giàu nghèo, sự bất hợp lý trong phân phối phúc lợi xã hội là tiền đề của bất ổn xã hội”.

2011 91 6 nhk6979 copy

Đô thị phát triển thường kéo theo sự xuống cấp của môi trường

Trong quá khứ, nhiều quốc gia trên thế giới thường đối phó bằng cách cố gắng hạn chế việc di cư từ nông thôn vào thành thị bằng các biện pháp hành chính hoặc đơn giản là chối bỏ sự có mặt của họ. Ngay tại những nước phát triển như Pháp cách đây vài năm cũng đã xảy ra những cuộc bạo loạn tại các đô thị mà nguyên nhân là sự bất bình đẳng giữa tầng lớp dân cư cũ và mới trong đô thị. Sự gia tăng quá trình đô thị hoá trong những thập kỷ qua là chưa từng có trong lịch sử nhân loại, cũng tạo ra những nguy cơ và cơ hội cho phát triển. Nó đòi hỏi những giải pháp thích hợp đối phó với các nguy cơ và khai thác các cơ hội. Điều này trước tiên phải thể hiện ở việc thừa nhận tính tất yếu của hiện tượng đô thị hoá và những lợi ích nó mang lại, cũng như thừa nhận quyền của người nghèo được hưởng những khả năng mà cuộc sống đô thị mang lại.

Tầng lớp dân cư nghèo sẽ là những người mang lại sự năng động không thể nghi ngờ nếu có những giải pháp đột phá để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng cư dân này. Giấc mơ “thành thị” được nuôi dưỡng bởi biết bao con người không thể thực hiện nếu thiếu vắng sự giúp đỡ từ bên ngoài. Các đô thị nhất thiết phải đảm đương được việc cung cấp cho dân cư những dịch vụ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất.

Thế giới vẫn sẽ không ngừng đô thị hoá trong thời gian tới như là một quy luật phát triển tất yếu. Từ nay cho tới thập niên tiếp theo, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hơn một nửa dân số thế giới sống trong các thành phố. Bằng một cái nhìn dài hạn, việc có một kế hoạch chiến lược và sự lãnh đạo dũng cảm, kiên quyết dám đương đầu với những nhân tố vốn tạo ra sự nghèo đói đô thị, có thể quyết định lối ra cho cuộc chiến đấu này.

Theo Đaidoanket

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more