Ðược coi là vùng “lõi” của văn hóa Thăng Long, lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, nhưng điều kiện sống của phần lớn cư dân trong phố cổ hết sức khó khăn. Quận Hoàn Kiếm đang nỗ lực giãn dân phố cổ, coi đây là mấu chốt trong thực hiện tốt công tác quản lý trật tự đô thị, bảo tồn các di sản văn hóa.
![]() |
Di dời theo lộ trình
Phố cổ là nơi tập trung nhiều di tích có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử. Mặc dù diện tích nhỏ hẹp, chỉ khoảng 1 km2, nhưng trong khu phố này có tới 121 di tích đình, đền, chùa, di tích cách mạng. Trên địa bàn này cũng có tới 1.081 ngôi nhà cổ, cần bảo tồn. Song, từ lâu, phố cổ vẫn được mệnh danh là khu phố… khổ. Năm 2009, mật độ dân số của khu vực này lên tới 823 người/ha. Có nhiều gia đình nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống trong căn nhà rộng chưa đến 10 m2. Nhiều gia đình phải sử dụng chung diện tích phụ, được xây từ hàng chục năm trước, mất vệ sinh và thiếu tiện nghi. Nhiều điểm di tích bị các hộ dân lấn chiếm làm nhà ở. Thống kê của quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay vẫn còn 1.800 hộ dân sống trong các di tích, trường học, công sở, trong các nhà nguy hiểm. Nếu không có sự can thiệp từ phía các cơ quan chính quyền, những di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực phố cổ tiếp tục bị xâm hại. Mật độ dân cư quá cao còn gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý trật tự xây dựng, do nhiều hộ gia đình muốn cơi nới để tăng diện tích sinh hoạt, kinh doanh. Mặt khác, phố cổ là nơi tập trung đông khách du lịch trong và ngoài nước. Việc di tích bị xâm hại, cơ sở hạ tầng xập xệ gây ít nhiều phản cảm đối với khách du lịch khi đặt chân đến mảnh đất được coi là lưu giữ tinh hoa của văn hóa Thăng Long. Giãn dân phố cổ sẽ tạo thuận lợi trong quản lý đô thị, đồng thời bảo đảm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.
Vấn đề di dời bớt dân cư khỏi khu phố cổ được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hầu như không có chuyển biến. Nguyên nhân chính là nhiều hộ dân không muốn di dời khỏi khu vực trung tâm, bất chấp điều kiện ăn ở khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Trong hai năm qua, quận mới di dời được 86 hộ dân ra khỏi các di tích trọng điểm trong công tác bảo tồn như: đền Bạch Mã, đình Kim Ngân, đền Quán Ðế, đình Yên Thái… Tuy nhiên, quá trình di dời còn nhiều vướng mắc. Những vấn đề này được thành phố Hà Nội rút kinh nghiệm trong việc xây dựng đề án giãn dân phố cổ mới. Từ năm 2009, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng CDCC (Sở Xây dựng Hà Nội) tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học và xây dựng Ðề án giãn dân phố cổ. Ðề án nghiên cứu và đề xuất những giải pháp cơ bản để giảm mật độ dân cư khu phố cổ, từ mật độ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha năm 2020, tương ứng với việc phải di chuyển khoảng 6.550 hộ, với khoảng 26.200 người dân. Ðáng chú ý, việc giãn dân sẽ được thực hiện theo lộ trình. Giai đoạn I dự kiến di chuyển 1.800 hộ dân với khoảng 7.200 người dân đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ, nhà nguy hiểm và các hộ dân trong khu phố cổ có nguyện vọng di dời sang Khu đô thị mới Việt Hưng. Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đề án này phải được hoàn thành trong tháng 4-2011 để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Ðây chính là cơ sở để thực hiện công tác di dời có hiệu quả.
Áp dụng những cơ chế đặc thù cho khu phố cổ
Ðể tạo điều kiện cho việc giãn dân phố cổ, thành phố cho phép quận Hoàn Kiếm áp dụng những cơ chế đặc thù, nhằm bảo tồn phát huy giá trị phố cổ, song song với nâng cao điều kiện sống của người dân. Trong cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố với quận Hoàn Kiếm, lãnh đạo UBND thành phố cho phép thực hiện việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách của quận. Thành phố cũng cho phép quận sử dụng vốn ngân sách để chi trả kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho đối tác thực hiện việc xây dựng nhà tái định cư. Những cơ chế này bảo đảm lợi ích của người dân, cũng như lợi ích của chủ đầu tư dự án nhà phục vụ di dời. Dự kiến, năm 2012, việc xây dựng nhà ở mới phục vụ cho di dân phố cổ sẽ được khởi công. Các cơ chế này tạo những ưu đãi cho những hộ dân phải di dời được mua nhà với giá hợp lý nhất. Trong khi chờ quy hoạch khu phố cổ được hoàn tất, quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm sớm hoàn thành một Quy chế quản lý phố cổ. Hiện nay, do nhu cầu về diện tích kinh doanh, sinh hoạt của người dân rất lớn, cho nên rất dễ xảy ra những trường hợp lách luật hay cố tình xây dựng các công trình trái phép. Thành phố cũng chỉ đạo quận Hoàn Kiếm phối hợp các ngành liên quan xây dựng một Quy chế quản lý dân số. Quy chế này sẽ công bố và áp dụng tiêu chuẩn về diện tích ở bình quân tối thiểu theo đầu người; định mức về số hộ dân trong mỗi số nhà; áp dụng những điều kiện bắt buộc đối với những hộ dân được mua và sử dụng căn hộ, phần diện tích do các hộ dân di chuyển bán lại trong phố cổ…, tránh việc gia tăng dân số trở lại trong khu phố cổ sau khi di dời.
Bên cạnh công tác di dân, thời gian tới, một số quy định khác về quản lý đô thị khác cũng sẽ được áp dụng trên địa bàn khu phố cổ, đó là tăng cường một số tuyến phố đi bộ, hạn chế hoặc cấm phương tiện cơ giới (có thể cấm theo ngày hoặc theo giờ nhất định) hoạt động trên một số tuyến phố,… Thành phố yêu cầu các ngành chức năng phối hợp quận Hoàn Kiếm để điều chỉnh độ cao tối đa của các công trình xây dựng, hạn chế việc xuất hiện những ngôi nhà cao tầng, phá vỡ cảnh quan chung của phố cổ. Trong cuộc làm việc với quận Hoàn Kiếm, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo: Việc bảo tồn phố cổ, giữ gìn cảnh quan là hết sức cần thiết, công tác bảo tồn phải tiến hành bảo đảm hài hòa với việc cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân. Các ban, ngành thành phố cần phối hợp quận Hoàn Kiếm để công tác di dân sát tiến độ, bảo đảm cuộc sống người dân.
Bảo tồn, phát huy các giá trị của khu phố cổ, trong đó có vấn đề giãn dân là vấn đề từ lâu được đặt ra, với việc chỉ đạo sát sao của thành phố, với những cơ chế đặc thù được áp dụng, hy vọng, việc di dời dân cư phố cổ sớm thành hiện thực, giải tỏa sức ép do quá tải về hạ tầng tại khu vực quận Hoàn Kiếm, cải thiện chất lượng sống người dân, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa.
Theo Nhandan