Việc thay chợ cũ bằng những ngôi nhà kính bê tông cao tầng đang đặt ra những câu hỏi, tương lai các chợ dân sinh sẽ ra sao? Đa số cư dân đô thị sinh hoạt bình dân sẽ mua sắm trong các chợ như thế nào? Vì sao những tòa nhà kính bê tông cao tầng tọa lạc trên nền chợ cũ nhưng thưa vắng kẻ bán người mua, còn các chợ bên đường thì càng cấm càng đông.
Phố chợ Hà Nội
Cách đây ít lâu, chúng tôi có bài Đóng cửa chợ- người dân sống trong “hộp”, nói về suy nghĩ của người bạn nước ngoài sống lâu năm ở Hà Nội, hay đi chợ Hà Nội và cũng từng đi chợ ở Thái Lan, Indonesia hay ở Mỹ …
Bạn có nhiều so sánh để suy tư rằng tương lai chợ Hà Nội có nên là nơi trao đổi không chỉ hàng hóa, mà còn là nơi người hàng phố chan hòa, bà con ven đô vào ra mua bán. Hay là nên hiện đại hóa bằng các hộp kính bê tông tân kỳ để nơi ấy lạnh lùng dây chuyền mua bán, thay cho lời chào câu hỏi là những bảng giá vuông vức lặng câm.
Tôi ở Hà Nội từ thời mà ngoài thời gian đến trường, lũ trẻ chúng tôi có nhiệm vụ xếp hàng mua gạo, thịt, rau, dầu củi… và cả bánh nướng bánh dẻo lẫn đèn ông sao phân phối dịp Tết Trung thu. Giờ đây, mỗi khi rảnh rỗi tôi vẫn được vợ tôi sai ra chợ rất khéo “bố nó khỏe chân, chạy ra chợ…” Tôi đã thân thiết với chợ Hà Nội và biết nó biến đổi ra sao nửa thế kỷ rồi.
Tôi cũng đã từng sống ở ngoại thành Hà Nội những năm chiến tranh. Nên cũng đã biết chợ quê đem lại niềm vui, sự trông đợi háo hức những món quà quê từ phiên chợ: Vài cái bánh rán tẩm đường, dăm thanh kẹo bột, đôi khi là một ống bơ châu chấu rang béo ngậy… Những ngày xưa nghèo yêu dấu.
Chợ Hàng Da. Ảnh: M.N (Lao động)
Việc thay chợ cũ bằng những ngôi nhà kính bê tông cao tầng đang đặt ra những câu hỏi, tương lai các chợ dân sinh sẽ ra sao? Đa số cư dân đô thị sinh hoạt bình dân sẽ mua sắm trong các chợ như thế nào? Vì sao những tòa nhà kính bê tông cao tầng tọa lạc trên nền chợ cũ nhưng thưa vắng kẻ bán người mua, còn các chợ bên đường thì càng cấm càng đông. Cuộc rượt đuổi của các đội quản lý và người bán rong ngày một trở nên hình thức, đôi khi có cảm giác như có thêm một đặc trưng mới của chợ phố.
Chúng tôi đã từng vẽ ra và tham gia tân trang những cái chợ dột nát giữa trung tâm Hà Nội. Nhưng chỉ là cố gắng thay thế chợ cũ bằng cái chợ tươm tất hơn. Nhưng cách làm chợ mới như chợ Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Mơ … có là hình mẫu để thay thế cho các chợ khác tại HN thì có lẽ cần cân nhắc.
Bài học từ Manila (Philippines)
KTS Paul Schuttenbelt, GĐ công ty Giải pháp đô thị (Urban Solutions – Netherlands & Hongkong) tới Học viện Hành chính Hà Nội thuyết trình ” Quy hoạch đô thị chiến lược, từ lý thuyết đến thực tiễn tại VN” cho biết: Đại học Harvard (Hoa kỳ) đã có một nghiên cứu công phu để tìm lời giải “rằng các đô thị vệ tinh VN sẽ giống như Seoul (Hàn Quốc) hay Manila (Philippines)? Tất nhiên là không ai muốn nó thành Manila.
Một KTS lớn tuổi đến từ ĐH Hawaii (Mỹ) tâm sự: “Trong các dự định canh tân đô thị, VN đang tìm kiếm mô hình nước ngoài. Thay vì đến Sinhgapore để bắt chước hình mẫu quá khác biệt về duyên cớ sinh thành, các bạn hãy đến Manila- ở đó các bạn học được nhiều hơn. Các bạn sẽ thấy những sai lầm mà họ đã mắc cách đây mấy chục năm để mà tránh giẫm lên vết xe đổ ấy. Các bạn sẽ giữ được những thứ giá trị hiện có thay vì tự hủy hoại. Những thứ mà trong tương lai phải rất tốn kém mới phục hồi lại được, thậm chí không thể làm nó hồi sinh”. |
Xem phim ảnh hay tranh vẽ Seoul thật hay, tư vấn Hàn Quốc đang vẽ ra nhiều dự án đô thị tại Hà Nội, nhưng liệu Hà Nội có giống Seoul hay không lại là chuyện khác.
Nói đến Manila thì ai cũng hình dung về nạn tắc đường, nhà ổ chuột, thất nghiệp, người vô gia cư, hàng rong, ô nhiễm mất trật tự và những vụ án mạng ầm ĩ … Vậy, những cái chợ Manila thì sao?
Trước đây, Manila cũng có nhiều chợ dân sinh đẹp. Ảnh những năm đầu thế kỷ gợi cho ta khung cảnh thành phố phong cách Âu – Mỹ rất sang trọng. Sau thế chiến II cho đến thập kỷ 70, nhiều dự án quy hoạch, công trình công cộng tại Manila để lại dấu vết huy hoàng, nhiều tác phẩm rất hiện đại được sáng tác bởi các KTS đẳng cấp cao. Ngân hàng Thế giới từng dự đoán Philippines hóa rồng vào những năm 1970, nhưng đến nay giấc mơ đó ngày càng xa vời. Manila được nhận định là thành phố phát triển quá nhanh và nay già cỗi, quá tải, bên cạnh xa hoa có nhiều nơi nhếch nhác.
Đông dân hơn VN (89 triệu người), Philippins năm 2010 có gần 94 triệu người. So với VN, thu nhập đầu người (GDP) của Philippines gấp đôi nhưng một nửa tự coi mình là người nghèo, và cứ 4 người thì có 1 người thu nhập dưới 1,25USD/ ngày.
Cho dù khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn, thì những siêu thị khổng lồ vẫn đang đua nhau xây dựng, thu hút một phần cư dân trong 12 triệu người Manila vào đó mua sắm. Chủ yếu là dạo chơi và tham quan là chính, vì hàng hóa luôn đắt hơn ngoài, có loại đắt hơn gấp mấy lần.
Cung cấp thực phẩm cho đại bộ phận cư dân là các chợ đầu mối, chợ bình dân và vỉa hè. Rau quả, thịt cá tươi ngon đôi khi rẻ bằng phân nửa so với trong siêu thị.
Gần đây xuất hiện những siêu thị mô phỏng đường phố. Makati- một thành phố tài chính, thương mại tân kỳ đã xuất hiện một chuỗi tổ hợp siêu thị Greenbel, Landmark trải rộng vài ô phố. Các cửa hàng nối nhau bởi những hành lang làm khách hành có cảm giác đi trên các đường phố. Những đường phố như trên sân khấu lớn từ khung cảnh đến mầu sắc, ánh sáng.
Chợ Manila đầu thế kỷ. Ảnh tư liệu
Tại nơi khác, khu đô thị “Globan City” có hẳn một dãy phố High Strees với những quán hàng nối tiếp nhau: Mùi bánh ngọt trong của hàng phong cách Paris. Hiệu kem Italia, quán ăn Tàu trong ánh đèn huyền ảo như đêm trắng Bắc Âu, tiếp ngay đó là siêu thị “Metro Market! Market!”. Có dãy hàng hoa quả sắp xếp giống hệt như chợ Tầu nhưng bao gói, dán nhãn cầu kỳ và sàn luôn sạch bóng…
Những dãy chợ bài trí sân khấu này bày bán hàng hóa đắt gấp vài lần chợ bình dân. Trên nóc chợ bày khung cảnh mô phỏng dãy phố dẫn đến khu căn hộ Serendra bán giá cao. Thế mới hay, phương thức kinh doanh bất động sản kiểu mới giờ đây đang khai thác khung cảnh đường phố, chợ búa một cách tinh xảo, trong khi những cái chợ thật sự đang tồn tại thì bị gạt sang bên lề của thành phố và các đường phố tàn tạ bị lãng quên. Có dự án BĐS Hà Nội đã nhái lại, họ mua các cây cổ thụ trồng vào các khu đô thị mới và mở cuộc thi vẽ mặt đứng các dãy nhà liền kề có cái mặt tiền giống khu 36 phố phường.
Khung cảnh Manila tương phản giàu nghèo qua từng ngôi nhà, dãy phố. Những khu biệt thự um tùm cây cối, bể bơi và con đường tĩnh lặng sau những bức tường cao vút, ngăn cách phần còn lại của thành phố sập xệ, chen chúc, mù mịt khói bụi nhả ra từ đoàn xe geepny ầm ĩ. Canh cổng các khu nhà quý phái là những nhân viên an ninh lạnh lùng đứng trong trạm gác nghiêm ngặt – ranh giới 2 thế giới khác biệt dưới cùng một mặt trời mỗi ngày chiếu sáng thành phố.
Tránh giẫm lên vết xe đổ
Hà Nội đang tập quen với các siêu thị mới mẻ hào nhoáng nhưng chỉ phần nhỏ. Có lẽ 80-90% người Hà Nội đến với chợ truyền thống, nơi hàng hóa được đảm bảo chất lượng bởi sự gắn kết thân tình kẻ bán, người mua đã cả chục năm. Người bán biết người mua cần gì để còn dành phần tươi ngon. Họ hẹn nhau nay mai đem gì tới chợ để chuẩn bị món mới. Nơi ấy cuộc sống phố phường đi qua chân thực mà chẳng cần điệu đàng diêm dúa.
Siêu thị bảng giá cố định và cửa vào chợ đầu mối với rau quả giá rẻ một nửa. Ảnh tư liệu |
Một KTS lớn tuổi đến từ ĐH Hawaii (Mỹ) tâm sự: “Trong các dự định canh tân đô thị, VN đang tìm kiếm mô hình nước ngoài. Thay vì đến Sinhgapore để bắt chước hình mẫu quá khác biệt về duyên cớ sinh thành, các bạn hãy đến Manila- ở đó các bạn học được nhiều hơn. Các bạn sẽ thấy những sai lầm mà họ đã mắc cách đây mấy chục năm để mà tránh giẫm lên vết xe đổ ấy. Các bạn sẽ giữ được những thứ giá trị hiện có thay vì tự hủy hoại. Những thứ mà trong tương lai phải rất tốn kém mới phục hồi lại được, thậm chí không thể làm nó hồi sinh”
Lời khuyên có hàm ý rộng lớn, nhưng tôi hiểu rõ hơn khi liên hệ tới cái cách thay cho những siêu thị nửa mùa là những cái chợ đích thực của Hà Nội.
Ghi chú: Ảnh tư liệu trong cuốn sách “A history of Architecture & Urbanismin the Philippines” của Gerard Lico. Các ảnh khác của tác giả -tháng 3/2011.
KTS Trần Huy Ánh
Theo Tuanvietnamnet