Nhiều năm nay, vấn đề nhà ở xã hội, hay còn gọi là nhà cho người thu nhập thấp (TNT) luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước. Khi kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân, đặc biệt là cư dân đô thị được nâng cao, thì nhu cầu về chỗ ở càng trở nên cấp bách.
Nhu cầu này là có thực, khi hàng triệu người nghèo, người thu nhập thấp là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hiện đang không có khả năng để tự lo nhà ở cho mình. Gần đây, một dự án nhà TNT được coi là lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta được chính quyền Hà Nội phê duyệt có diện tích lên tới gần 182.000 m2, với số dân khoảng 17.500 người. Dự án sẽ được triển khai tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, cách nội thành hơn 20 km. Dự án được triển khai sẽ làm tăng nguồn cung đáng kể cho phân khúc thị trường vốn rất “hot” này trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu bình tâm tạm quên đi cái triển vọng rất sáng sủa về chỗ ở kia, thì không khỏi có nhiều điều phải suy nghĩ.
Nhà ở là vấn đề xã hội. Người dân có quyền lựa chọn chỗ ở, vị trí ở tùy theo khả năng kinh tế và trong khuôn khổ của pháp luật. Đã có nhiều năm, chúng ta chủ trương các dự án nhà ở đều phải dành 30% cho đối tượng TNT. Đây là chủ trương đúng, hợp lý. Gánh nặng của xã hội được chia sẻ: nhà nước-nhà đầu tư và người dân. Sống trong một khu đô thị có nhà TNT và nhà ở thương mại (mà ta quen gọi là CCCC), người TNT sẽ yên tâm hơn khi tòa nhà dành cho mình giá thấp nhưng chất lượng…không thấp. Họ cũng sẽ được hưởng những điều kiện tốt do hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiện nghi mang lại như không gian xanh, trường học, siêu thị, nơi vui chơi giải trí, công viên, hồ nước theo bản vẽ quy hoạch đã được duyệt (!?) Và cũng do ở chung với nhiều lớp người: giàu, trung bình, thấp… người nghèo đỡ mặc cảm hơn và có hướng phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn.
Nhưng nay xây dựng một khu đô thị riêng cho người TNT lại cách xa trung tâm TP hàng hai, ba chục cây số, ai dám đảm bảo gần 20.000 người nghèo đô thị sống ở đó sẽ yên tâm với nơi cư ngụ của mình. Ai sẽ đảm bảo nhu cầu giao thông công cộng thuận tiện cho họ khi hầu hết công sở, cơ quan đang đóng tại nội thành. Ai sẽ đảm bảo hạ tầng kỹ thuật của khu ở dành cho người TNT này cũng sẽ tốt… như các khu đô thị khác! Người thu nhập thấp, người nghèo đô thị có cuộc sống khác xa người sống trong nhà ở thương mại. Họ tiêu xài ít hơn, dè sẻn hơn. Họ không đi làm bằng xe hơi riêng. Họ cần ở gần các trung tâm đô thị để thuận tiện cho việc kiếm sống. Họ làm bất cứ việc gì, từ chạy chợ, xe ôm, giúp việc theo giờ… Con cái họ không học trường dân lập, trường quốc tế thu học phí bằng đô la Mỹ. Ngoài giờ đến trường, nhiều khi chúng còn phải phụ giúp bố mẹ để tăng thu nhập.
Có rất nhiều vấn đề xã hội nảy sinh khi xuất hiện những khu nhà ở dành riêng cho người TNT và khu dành riêng cho người giàu kiểu như Ciputra ở Hà Nội. Chúng ta đang xây dựng một nền dân chủ, công bằng và văn minh. Chúng ta không chủ trương một xã hội cào bằng, khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng trong khuôn khổ cho phép của luật pháp. Nhưng xây dựng những khu ở chuyên biệt kiểu như dự án cho người TNT mà Hà Nội vừa phê duyệt, e rằng sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp trong quá trình sử dụng mà chính quyền và nhà đầu tư không lường hết được.
Vì lẽ đó, xin hãy thận trọng!
KTS Phạm Thanh Tùng
Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam