Vẫn biết anh bạo bệnh từ lâu, song nghe tin anh qua đời 0h50 ngày 8/12/2008, tôi thấy hẫng hụt. Hầu như toàn bộ kinh nghiệm trong sự nghiệp hơn 40 năm làm công tác đào tạo kiến trúc sư được anh đúc kết trong những cuốn sách giáo trình đào tạo kiến trúc sư, trong đó có 11 cuốn đã được tặng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.
Năm 1959 tốt nghiệp loại ưu, anh được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy. Hàng ngày vẫn tự mày mò thiết kế những công trình giả định, hễ có dịp là anh nhận thêm việc để sáng tác kiến trúc. Những phương án của anh luôn được giới nghề đánh giá cao. Khi Trường đại học Xây dựng mở Khoa Kiến trúc, anh đã giảng dạy, chăm chút hướng dẫn sinh viên làm đồ án thiết kế kiến trúc. Cũng vì vậy mà những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước trong giới nghề cứ tranh luận mãi về việc có nên công nhận sinh viên của kỹ sư xây dựng đào tạo trở thành kiến trúc sư hay không? Nhưng rồi thầy và trò đều không ngừng học tập đã làm tốt công tác sáng tác kiến trúc, ý tưởng độc đáo, thậm chí còn đoạt giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế, nên chuyện cứ lắng xuống dần và đến nay không còn ai nhắc đến chuyện “trái khoáy” ấy nữa.
GS.TS.KTS NGUYỄN ĐỨC THIỀM sinh năm 1938, mất ngày 8/12 2008. Lễ viếng từ 7 đến 9 h ngày hôm nay (11/12) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông (HN). An táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ. |
2. Đầu những năm 1960, các kiến trúc sư Liên Xô (cũ) thiết kế Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, khi bạn rút về nước anh Thiềm thiết kế mở rộng, xây thêm nhà học C9, có cầu thang ngoài trời hướng ra đường Giải Phóng, công trình hài hòa với tổng thể kiến trúc của bạn thiết kế, mà giá thành lại rẻ hơn. Anh cũng là tác giả nhiều nhà ký túc xá sinh viên các trường đại học Bách Khoa, Y khoa, Giao thông…