I. Mở đầu

1.1. Thế kỷ XX, nhân loại đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kiến trúc và xây dựng đô thị.

Thế kỷ XXI, loài người đang đứng trước những chuyển ngoặt to lớn. Sau 25 năm đổi mới, đô thị Việt Nam đã tăng trưởng và phát triển với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức to lớn do quá trình đô thị nhanh và sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

1.2. Để góp phần vào việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI, nội dung báo cáo này gồm:

1.2.1- Mở đầu

1.2.2- Bối cảnh chung

1.2.3- Tình hình phát triển đô thị Việt Nam sau 25 năm đổi mới

1.2.4- Các đối sách chiến lược xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI.

1.2.5- Kết luận.

II. Bối cảnh chung:

2.1. Nhận thức về thời đại:

2.1.1. Về thế kỷ XX:

Đại hội lần thứ XX kiến trúc sư thế giới đã dành phần thứ nhất cho việc phân tích “Nhận thức về thời đại của chúng ta”, trong đó đã khẳng định 4 nét đặc trưng của kiến trúc, xây dựng và phát triển đô thị thế kỷ XX là:

a- Thế kỷ XX là thời đại kiến trúc phát triển lớn chưa từng thấy về kỹ thuật, nghệ thuật, lý luận và tư duy đổi mới về kiến trúc, quy hoạch đô thị.

b- Thế kỷ XX cũng là thế kỷ bị tàn phá lớn, chưa từng thấy bởi các cuộc chiến tranh thế giới.

c- Từ thực tiễn, những người tiên phong, sáng tạo đã có nhiệt huyết, lý tưởng và tư tưởng nhạy bén đi trước thời đại:

– Năm 1898, E.Howard trình bày tác phẩm “Ngày mai, con đường hòa bình tiến tới cải cách thật sự”.

– Năm 1933, CIAM công bố “Hiến chương Aten”.

– Năm 1963-1971, công bố loạt “Tuyên ngôn Delo”.

– Năm 1977, công bố “Hiến chương Machupicchu” v.v…

d- Tăng cường phối hợp hành động của các tổ chức quốc tế:

– Năm 1945 Liên hợp quốc thành lập; năm 1976, tổ chức Hội nghị quốc tế về “Khu vực cư trú của loài người tại Vancuvơ”; năm 1992, tổ chức Hội nghị về “Môi trường và phát triển” tại Rio De Janero; năm 1996, tổ chức Hội nghị về “Khu vực cư trú của loài người” lần thứ II tại Ixtabun.

– Từ năm 1948, kể từ khi thành lập, UIA đã có nhiều hoạt động quan trọng, đặc biệt là trong 20 năm gần đây đã có những quan tâm đặc biệt về các chủ đề: Xây dựng lại đô thị và nhà ở đô thị; Vấn đề con người và môi trường; Vấn đề tổ chức và hoạt động của Hội Kiến trúc sư quốc tế và Vấn đề quan hệ kiến trúc với chính trị đương thời v.v…”

2.1.2. Thế kỷ XXI, đứng trước những “chuyển ngoặt lớn”:

Đại hội Kiến trúc sư Thế giới lần thứ XX cho rằng, đặc trưng của thế kỷ XXI là:

a- Thời đại ra đời nhiều học thuyết lớn chuyển đổi như: “Từ Xã hội công nghiệp đến xã hội hậu công nghiệp; từ thời đại Công nghiệp hóa tiến tới thới đại thông tin; từ thời đại cơ khí tới thời đại sinh mệnh; từ đóng kín cửa tiến tới toàn cầu hóa; từ chủ nghĩa tăng trưởng tiến tới học thuyết phát triển bền vững; từ “đô thị hóa” tiến tới “thế kỷ đô thị”; từ “thời đại kỹ thuật” tiến tới thời đại nhân văn v.v….

b- Thế kỷ phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối: Sự phát triển chênh lệch các khu vực ngày càng lớn. Nhận thức, tư duy lại vai trò của Châu Á như một vùng mới trỗi dậy bừng sáng lên, trong đó sự vươn lên của Trung Quốc, Ấn Độ trong nhóm

c-BRIC và của Việt Nam trong nhóm 11-Next.

d- Qui hoạch đô thị và kiến trúc đang đứng trước ngã tư đường do có những sự đổi thay lớn của thời đại về trật tự kinh tế, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu toàn cầu v.v…

Tóm lại, thời đại của chúng ta đang sống là một thời đại thay đổi lớn chưa từng thấy. Một thời đại cải cách chính trị, kinh tế, xã hội làm mọi người kinh ngạc mà lại khao khát. Một thời đại phát triển kỹ thuật khiến cho mọi người phải quan tâm. Đây là một thời đại phục hưng văn hóa với tư tưởng linh hoạt. Bối cảnh này có tác động trực tiếp đến quy hoạch đô thị và kiến trúc Việt Nam, một thành viên của UIA và cộng đồng quốc tế.

2.2. Đô thị hóa là tất yếu của quy luật khách quan

Năm 1800, tỷ lệ dân cư sống trong đô thị là 3%; năm 1900 là 14%; năm 2000 là 55% và hiện nay khoảng 60%. Như vậy, mỗi năm ở thế kỷ XX, mức độ đô thị tăng trung bình 0,41%, gấp 3,7 lần so với thế kỷ trước.

Thế kỷ XIX, XX, đô thị hóa diễn ra chủ yếu ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ XXI đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Châu Á; dự báo năm 2010 đạt 40%, năm 2050 đạt 60%.

Đô thị hóa đã dẫn đến các hệ quả:

2.2.1- Di dân nông nghiệp;

2.2.2- Sự xuất hiện nhiều các siêu thành phố;

2010 12 08 1018

Hình 1a – Các thành phố lớn nhất thế giới

2010 12 08 1019

Hình 1b – Quần đảo “các vùng đô thị quốc tế”

2.2.3- Thu nhập GDP/đầu người/năm tăng, tỷ lệ thuận với mức độ đô thị hóa;

2.2.4- Liên kết không gian, phổ cập kiểu “phân bố dân cư theo nhóm” trên lãnh thổ;

2.2.5- Nhiều “căn bệnh đô thị” xuất hiện đặc biệt ở các nước nghèo, nơi có xu thế “Đô thị hóa giả tạo”.

2.3. Trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi

Từ các nước G7 chi phối kinh tế thế giới, nay G7 đã mở rộng đến G20 và tương lai là nhóm nước 4-BRIC và 11-Next. Xu thế từ “độc cực” chuyển sang “đa cực” ngày càng rõ nét.

2.4. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho Nhân loại, trong đó Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tác động mạnh mẽ nhất.

Ba kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam xây dựng trên cơ sở các kịch bản phát thải khí nhà kính ở ba nước thấp, trung bình và cao với số liệu tính cho bốn giai đoạn: 2020, 2030, 2040 và 2100 như sau:

2.4.1. Lượng mưa tăng lớn

Vào cuối thế kỷ XXI, lượng mưa tăng khoảng 9-10% ở Tây Bắc, Đông Bắc, 10% ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; 4-5% ở Nam Trung Bộ; 2% ở Nam Bộ và Tây Nguyên so với thời kỳ 1980-1999. Tần suất ngập lũ không còn diễn ra theo quy luật. Tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên tại các đô thị.

2010 12 08 1020

Hình 2 – Lũ lụt trong đô thị

2.4.2. Nước biển dâng cao, nhiều vùng bị nhấn chìm

Nước biển toàn cầu có thể tăng 50-140cm vào năm 2100. Đối với Việt Nam, vào giữa thế kỷ XXI, nước biển có thể dâng thêm khoảng 28-33cm và đến cuối thế kỷ có thể dâng thêm 65-100cm so với thời kỳ 1980-1999.

Nước biển dâng, nhiều vùng đất sẽ bị ngập, tạo ra một cuộc đại tái định cư cho những vùng trũng. Ví dụ như nếu nước biển dâng 65cm (mức thấp) diện tích bị ngập ở ĐBSCL là 5144 km2 tương đương 37,8% diện tích toàn vùng

2010 12 08 1020 001

Hình 3 – Dự báo kịch bản ngập lũ do biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, nếu mực nước biển dâng 65cm thì diện tích bị ngập rộng khoảng 128km2 (6,3%), diện tích bị nhấn chìm 473km2 (23%); nếu mực nước dâng 100cm, nghĩa là ½ số đất thuận lợi xây dựng hiện nay sẽ bị ngập.

2010 12 08 1020 002

Hình 4 – Dự báo tác động của biến đổi khí hậu tại thành phố Hồ Chí Minh

2.4.3. Trái đất bị nóng lên

Nhiệt độ trung bình tăng từ 0,5-0,70C trong 4 thập niên gần đây, trong đó ở Hà Nội là 0,80C, ở Đà Nẵng là 0,40C, ở thành phố Hồ Chí Minh là 0,60C.Nếu nước biển dâng thêm 1m và nhiệt độ tăng thêm 2-30C, sẽ có hàng chục ngàn ha bị ngập mặn, sa mạc hóa.

2.5. Bùng nổ dân số và sự già đi của dân số

Dân số toàn cầu có thể tăng gập đôi vào vài chục năm nữa. Riêng ở Việt Nam, dân số sẽ tăng tới ngưỡng 150 triệu vào giữa thế kỷ XXI, lúc đó mới chững lại. Bùng nổ dân số sẽ dẫn đến nhiều vùng có mật độ rất cao quá tải, vượt ngưỡng cân bằng sinh thái. Đi đôi với hiện tượng bùng nổ dân số ở các nước chậm phát triển là sự già đi của dân số trong vòng 50 năm tới. Tỷ lệ người già >60 tuổi ngày càng cao dẫn đến thiếu lực lượng lao động và chi phí phúc lợi gia tăng đối với mỗi quốc gia.

2.6. Những cải cách trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị trên thế giới

2.6.1. Nội dung, phương pháp và các mô hình cấu trúc đô thị sẽ không còn phù hợp trước sự tác động của nền kinh tế tri thức, sự phát triển của khoa học và công nghệ; sự biến đổi vi khí hậu và sự tàn phá môi trường, mất cân bằng sinh thái.

2.6.2. Quan niệm về quy hoạch như một sản phẩm đã không còn thích hợp. Hoạt động quy hoạch cần kết nối các khâu: Nghiên cứu, thiết kế quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch thành một quá trình thống nhất, cùng với sự ra đời của nhiều phương pháp quy hoạch mới như: Quy hoạch chiến lược (CDS), quy hoạch tham dự và quy hoạch hành động v.v…

2.6.3. Quản lý đô thị và quản trị đô thị đã được phối hợp để tăng cường hiệu quả và chất lượng kiểm soát phát triển đô thị.

2.7. Toàn cầu hóa và sự cần thiết các quốc gia phải liên hiệp lại thành một cộng đồng chung để đối phó với những khủng hoảng toàn cầu.

Trong lĩnh vực phân bố dân cư, nhiều cam kết chiến lược có ý nghĩa toàn cầu và khu vực như: Chiến lược phát triển của Liên hợp quốc (Hội nghị thượng đỉnh – chương trình Halitat tổ chức tại Stanbun 1996, 10 chính sách phát triển đô thị của Halitat II) và kế hoạch hoạt động về đô thị hóa của các nước Châu Á – Thái Bình Dương v.v…

 

III. Tình hình phát triển đô thị Việt Nam sau 25 năm đổi mới

3.1. Tình hình phát triển đô thị và nông thôn

3.1.1- Dân số đô thị không ngừng gia tăng:

Năm 1986 là 11,870 triệu người; năm 2000 là 18,772 triệu người; năm 2003 là 20,870 triệu người; năm 2005 là 22,337 triệu người; năm 2007 là 23,370 triệu người và năm 2009 là 25,374 triệu người, đưa tỷ lệ đô thị hóa cả nước từ 19% (1986) lên 29,6% (năm 2009).

3.1.2- Mạng lưới đô thị Việt Nam không ngừng được mở rộng với trên 754 đô thị (2009), trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 7 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 40 đô thị loại IV, còn lại là các đô thị loại V.

3.1.3- Đô thị Việt Nam được chia thành 06 loại và 03 cấp quản lý, trong đó có 04 thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); 82 thành phố, thị xã thuộc tỉnh (cấp huyện), còn lại là các thị trấn thuộc huyện (cấp xã).

3.1.4- Dân số nông thôn giảm dần từ 81% (1986) xuống 70% (2009).

Hình thức định cự cơ bản ở nông thôn là xã. Ngoài ra còn một số hình thức định cư khác là nông trường, xí nghiệp, nông lâm, ngư nghiệp. Cả nước hiện có 8774 xã, với diện tích bằng 96% diện tích tự nhiên của cả nước.

Kinh tế – Xã hội và kết cấu hạ tầng nông thôn đã có những chuyển biển tích cực, nhưng vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn còn nan giải, đó là sự chênh lệch phát triển quá lớn giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo cao (gần 18%), lối sống nông thôn bị biến dạng, đặc biệt là di dân tự phát và tái định cư do đất nông nghiệp bị thu hồi, nông nghiệp truyền thống bị tàn phá… đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi trên khắp mọi miền của đất nước.

3.2. Những hệ quả của quá trình đô thị hóa

3.2.1. Thay đổi địa vị và vai trò của đô thị, với sự đóng góp 70% tổng sản lượng cả nước từ kinh tế đô thị.

3.2.2. Sự bùng nổ dân số và gia tăng nhanh chóng dân số đô thị, trong đó phần đáng kể là dân di cư từ nông thôn ra thành thị, tuy tạo ra triển vọng tăng trưởng kinh tế, nhưng khoảng hơn 70% dân cư sống ở nông thôn đang bị rơi vào tình trạng khó khăn.

3.2.3. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn cao khoảng 14%. Vấn đề xóa đói giảm nghèo phụ thuộc vào sự phát triển ổn định lâu dài của đất nước.

2010 12 08 1021

Hình 5 – Mật độ đói nghèo ở Việt Nam

3.2.4. Đô thị hóa nóng, bên cạnh những tích cực, đang mang lại những “căn bệnh đô thị” như:

– Khai thác và sử dụng lãng phí tài nguyên, trong đó một số tài nguyên chiến lược như đất, nước, rừng, khoáng sản đang có nguy cơ bị cạn kiệt.

– Khoảng hơn 50% số hộ đang sống trong điều kiện nhà ở không đạt tiêu chuẩn ở đô thị.

– Thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu: Giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, xử lý chất thải v.v…, trong khi nguồn lực đáp ứng nhu cầu lại hạn chế.

2010 12 08 1021 001

Hình 6 – Ách tắc giao thông đô thị Việt Nam

– Trật tự kiến trúc bị đảo lộn, mỹ quan đô thị bị xuống cấp.

2010 12 08 1021 002

Hình 7 – Những khu nhà ổ chuột bên cạnh những tòa nhà cao tầng

– Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng; vệ sinh an toàn dân cư không được đảm bảo; thiên tai tàn phá dữ dội đặc biệt là khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc và vùng ven biển.

2010 12 08 1022

Hình 8 – Ô nhiễm môi trường

3.3. Đánh giá chung

3.3.1. Những mặt được
Công tác xây dựng và phát triển đô thị nước ta trong 25 năm đổi mới đã đạt được những kết quả to lớn và có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Kinh nghiệm của Việt Nam không chỉ là bài học quí giá cho chính mình, mà còn có tác dụng đối với nhiều nước khác có điều kiện tương tự.

3.3.2. Những tồn tại, yếu kém

a- Nhận thức về đô thị hóa thiếu toàn diện

Một số địa phương cho rằng đô thị hóa là quá trình nông dân di cư vào đô thị, dân số đô thị gia tăng, qui mô đô thị mở rộng. Thực ra, dân số tập trung chỉ là đặc trưng bên ngoài của đô thị hóa. Sự thay đổi phương thức sản xuất mới là động lực căn bản của đô thị hóa, còn sự thay đổi phương thức sinh hoạt là hệ quả của đô thị hóa. Xu hướng biến “tỉnh thành đô thị” đang phổ biến ở một số địa phương.

b- Xác định động lực phát triển của đô thị hóa còn phiến diện và duy ý chí

Động lực của đô thị hóa gồm 2 loại: Động lực từ phía thị trường và động lực từ phía chính quyền, trong đó động lực từ phía thị trường là động lực căn bản, còn động lực từ phía chính quyền chỉ là sự bảo đảm cho đô thị hóa phát triển lành mạnh. Tóm lại, trong quá trình thị trường thúc đẩy đô thị hóa phát triển, sự can thiệp của chính quyền là cần thiết, nhưng chỉ là sự can thiệp có hiệu quả, phù hợp qui luật khách quan của nền kinh tế thị trường, đảm bảo đô thị đúng là “hình chiếu của xã hội trên lãnh thổ”, chứ không phải là một mô hình nhân tạo, áp đặt bởi ý chí của chính quyền.

c- Đẩy mạnh đô thị hóa bằng biện pháp tăng qui mô dân số đô thị

Việc phân loại, nâng cấp đô thị ở đa số các địa phương còn nặng về hình thức dẫn đến đảo ngược quan hệ nhân quả giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế. Động lực cơ bản của đô thị hóa là công nghiệp hóa, còn đô thị hóa phải là kết quả của công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã dùng mọi biện pháp để tăng qui mô dân số đô thị, không coi trọng đến công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Điều tất yếu sẽ dẫn đến kiểu “đô thị hóa giả tạo”.

d- Đường lối đô thị hóa bị hiểu sai lệch

Năm 1998, Chính phủ đã xác định đường lối đô thị hóa của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cơ sở đề nghị của Bộ Xây dựng tại Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển đô thị, dẫn dắt quá trình đô thị hóa theo qui luật khách quan, phù hợp với trình độ của kinh tế và thị trường và tình hình của đất nước, đảm bảo phát triển cân đối giữa các nước và các đô thị lớn, vừa và nhỏ, từng bước hình thành hệ thống đô thị hợp lý trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu qui hoạch tổng thể xây dựng hệ thống đô thị trên địa bàn các tỉnh, chính quyền địa phương không quan tâm đến điều kiện của từng khu vực, nôn nóng muốn xây dựng hệ thống đô thị của địa phương mình vượt quá khả năng dung nạp và cơ sở kinh tế, dẫn đến đường lối đô thị hóa chủ quan, duy ý chí.

e- Xem nhẹ chất lượng đô thị

Việc phân loại, nâng cấp, hạ cấp điều chỉnh địa giới hành chính đô thị vừa qua đã không dựa vào bản chất của đô thị là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và các yếu tố cấu thành.

Căn cứ vào các tiêu chí phân loại đô thị, nhiều địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng đô thị cốt để đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị về mặt số lượng, để nâng loại, nâng cấp nhưng không chú ý đến chất lượng. Điều này dẫn đến quá trình phát triển đô thị theo kiểu “quảng canh”, cố tăng qui mô dân số và diện tích đất xây dựng đô thị, không coi trọng việc cải tạo, đổi mới và nâng cao chất lượng đô thị. Điển hình là Thủ đô Hà Nội, từ đô thị loại đặc biệt nay một số tiêu chuẩn chỉ đạt là đô thị loại V.

f- Quyền lực quản lý Nhà nước quá lớn, nhưng trách nhiệm không rõ ràng

Sự phối hợp liên ngành, liên cấp còn hạn chế. Sự ban hành và sự điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch và các quyết định quá nhanh, nhiều và dễ vừa qua đã thể hiện quyền lực quản lý Nhà nước là vô hạn, nhưng trách nhiệm thì lại hữu hạn. Những sai lầm của người hoặc cơ quan cấp có thẩm quyền quyết định không được làm rõ về trách nhiệm, do đó chỉ có người dân là phải gánh chịu hậu quả. Quản trị Nhà nước trong lĩnh vực qui hoạch đô thị chưa được coi trọng.

g- Nội dung và phương pháp Quy hoạch đô thị – nông thôn chậm đổi mới

Việc lập QHDT còn duy ý chí. Nội dung, phương pháp quy hoạch lạc hậu, chậm được đổi mới trước những bối cảnh của thời kỳ chuyển đổi. Các cơ quan trong vùng và địa phương có tư tưởng sính ngoại, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài.

h- Đầu tư xây dựng tràn lan không được kiểm soát

Hệ quả là dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn, không bản sắc, khủng hoảng thừa, thiên nhiên, di sản bị tàn phá tạo ra sự san lấp, phá núi, biến đổi, lấn lấp sông hồ, hình thành những đường phố tự phát dài vô tận như Hà Nội – Hải Phòng 100km hoặc bùng nổ các dự án (744 dự án ở Thủ đô Hà Nội) ở các vùng trũng, ngập úng, các dòng sông mặt nước bị ô nhiễm nặng, nạn sân Golf, những vùng đất nông nghiệp mầu mỡ bị thu hồi, bỏ hoang v.v… là những bài toán khó giải đối với các thế hệ mai sau.

i- Pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị còn nhiều bất cập, nhất là Luật xây dựng, Luật quy hoạch đô thị gây trở ngại cho quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch.

3.4. Những thách thức và nguy cơ phát triển đô thị không bền vững ở Việt Nam

3.4.1. Về các mục tiêu phát triển bền vững

Phát triển bền vững được định nghĩa là sự đáp ứng đầy đủ các nhu cầu hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển để đáp ứng các nhu cầu của tương lai.

Ngân hàng Thế giới đã xác định 04 mục tiêu phát triển bền vững của đô thị như sau:

a- Đảm bảo và phát triển khả năng cạnh tranh của đô thị;

b- Đảm bảo cuộc sống của dân cư đô thị tốt hơn;

c- Nền tài chính đô thị lành mạnh;

d- Quản lý đô thị tốt.

Việc cụ thể hóa các mục tiêu trên trong điều kiện cụ thể của Việt Nam đang là thách thức lớn.

3.4.2. Nguy cơ tụt hậu

a- Nghiên cứu và đánh giá trình độ phát triển đô thị Việt Nam trong sự so sánh với các nước trong khu vực ASEAN năm 2006 của tác giả đã xác định Việt Nam được xếp vào hàng thứ 06 so với 11 nước ASEAN, sau Singapore, Bruney, Malaixia, Thái Lan, Philippin.

b- Việt Nam còn phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực mới có thể khắc phục được những vấn đề nổi cộm, đó là:

– Sự tiếp tục tăng dân số và quá trình đô thị hóa giả tạo;

– Kinh tế và động lực phát triển đô thị yếu kém, còn xa mới tiếp cận được kinh tế tri thức;

– Tổ chức lãnh thổ mất cân đối, cùng với sự xuất hiện nhiều vùng siêu thành phố thiểu năng, những đô thị vừa và nhỏ kém sức cạnh tranh và vùng nông thôn đói nghèo, bị lệ thuộc vào đô thị;

– Nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm 70% dân số và hơn 90% diện tích cả nước, đang còn nhiều vấn đề phải giải quyết;

– Cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu đồng bộ;

– Ô nhiễm môi trường và khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng;

– Đói nghèo đô thị còn cao;

– Sử dụng công nghệ tương thích và năng lượng tự nhiên còn hạn chế;

– Quản lý đô thị còn nhiều bất cập;

– Toàn cầu hóa và nguy cơ đánh mất bản sắc riêng của kiến trúc Việt Nam;

– Sự hợp tác và phối hợp trong khu vực còn hạn chế.

3.4.3. Tác động mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu, làm thu hẹp các vùng đất định cư, tăng nhiệt độ và sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt như đã nêu tại mục 2.4 Báo cáo này.

3.4.4. Sự phát triển đô thị “chệch hướng” do tầm nhìn và hiểu biết hạn chế về quy luật đô thị hóa của một nước nghèo như đã nêu ở mục 3.3 Báo cáo này. Sự tiếp tục bố trí dân cư ở những vùng nhạy cảm sinh thái do biến đổi khí hậu. Tư tưởng chủ quan, nóng vội trong việc xây dựng các siêu đô thị khổng lồ, kém chất lượng đích thực.

3.4.5 Thiếu sự nghiêm túc, công khai minh bạch, dân chủ trong qui hoạch và quản lý đô thị.

 

IV/ Các đối sách chiến lược xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Trong các thập kỷ tới của thế kỷ đô thị, việc xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam phải được Nhà nước quan tâm xếp là một nhiệm vụ trọng tâm nhất, để chỉ đạo áp dụng hiệu quả các đối sách chiến lược.
Một số kiến nghị như sau:

4.1 Ở cấp quốc gia, tăng cường phối hợp hành động các Bộ, tiến tới thành lập một cơ quan thường trực của Nhà nước có thể là Ủy ban quốc gia về phát triển, quản lý đô thị và môi trường như Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề xuất:

“Đã đến lúc phải thành lập một cơ quan, một tổ chức hợp nhất tất cả các bộ phận phát triển và quản lý đô thị này lại với nhau, đảm bảo một sự phối hợp đồng bộ, hài hòa với các kế hoạch đầu tư đã được chuẩn bị trên cơ sở một chiến lược hợp nhất. Một Ủy Ban quốc gia về phát triển, quản lý đô thị và môi trường với đủ nguồn nhân lực, quyền hạn và năng lực chịu trách nhiệm chuẩn bị một “Chiến lược đô thị hóa quốc gia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan hỗ trợ Thủ tướng trong việc chỉ đạo quá trình lâu dài, có nhiều biến đổi này là một yêu cầu của tình hình phát triển hiện nay”.( Số Báo Tết 2006 của Báo Sài Gòn cuối tuần)

Ở cấp địa phương địa phương , Ủy ban này cũng sẽ thành lập thay cho KTS trưởng để giúp chính quyền địa phương trong quản lý, phát triển đô thị và môi trường.

4.2. Xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia hợp nhất đi đôi với việc cải cách thể chế:

4.2.1- Giải quyết; khắc phục những tồn tại hiện nay về đô thị hóa sau 25 năm đổi mới.

4.2.2- Đối mặt những thách thức do biến đổi khí hậu toàn cầu, phân các vùng sinh thái tự nhiên cơ bản để khống chế các ngưỡng cân bằng sinh thái làm cơ sở bố trí dân cư phù hợp với khả năng dung nạp dân số mỗi vùng.

2010 12 08 1022 001

Hình 9 – Phân vùng sinh thái tự nhiên của Việt Nam

– Vùng núi phía Bắc, Bắc trung bộ.

– Vùng đồi trung du Bắc, Bắc Trung bộ;

– Vùng Tây Nguyên và cao nguyên xếp tầng;

– Vùng đồng bằng cổ Miền Đông Nam Bộ

– Vùng đồng bằng Bắc bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ

– Vùng cửa sông, ven biển và hải đảo.

4.2.3- Đáp ứng nhu cầu phát triển cho tương lai chuẩn bị tốt các điều kiện kỹ thuật đất đai phục vụ tốt cho việc cải tạo, xây dựng đô thị theo các chỉ tiêu dự báo sau:

– Thu nhập quốc dân hàng năm: 500 – 600 tỷ USD, bình quân 4000 USD/người/năm.

– Bố trí khoảng 150 triệu dân số trong đó 70-80 % là dân đô thị sau năm 2050.

– Chuẩn bị tốt điều kiện kỹ thuật đất đai xây dựng đô thị cho 100 triệu dân. Năm 2007, tổng diện tích xây dựng đô thị là 390.914 ha, chiếm 1,8%, bình quân với qui mô dân số là 23,370 triệu người, bình quân 167m2/ người.

Nếu tính trung bình 150m2/ người thì quỹ đất cần chuẩn bị cho xây dựng đô thị vào giữa thế kỷ XXI sẽ là 1.500.000 ha chiếm 4% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc.

Theo tính toán của tác giả, tổng diện tích đất thuận lợi cho định cư ở Việt Nam chiếm 30% diện tích đất tự nhiên. Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tỷ lệ trên có thể giảm xuống còn 20% tương đương 6,6 triệu ha trong đó vùng núi Bắc Bắc Trung bộ chỉ có khoảng 60.000 ha đất thuận lợi. Như vậy, mật độ xây dựng tại các vùng định cư có thể tăng lên 40% và mật độ cư trú cả nước sẽ là 450 người/km2. Tóm lại, phần lớn những khu vực thuận lợi cho định cư đều nằm trong các đồng bằng Bắc bộ , Tây Nam bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ; vùng đồng bằng cổ, còn lại những vùng khác chiếm 70% – 80% diện tích đất cả nước dung nạp hết sức hạn chế chủ yếu giữ vai trò là bộ khung bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, phần lớn các vùng có điều kiện định cư tốt thì lại bị tác động của biến đổi vi khí hậu.

2010 12 08 1022 002

Hình 10 – Phân vùng kỹ thuật – sinh thái và các vùng phát triển định cư

4.2.4. Chuẩn bị cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất là nhà ở, công trình phục vụ công cộng, giao thông, cấp nước, thoát nước bẩn, xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường, cấp điện v.v… cùng với 1 khối lượng vốn khổng lồ, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới là 1,7- 1,8 tỷ USD/năm (bằng 3,7 GDP của cả nước), nhưng thực tế nhu cầu vốn phải gấp 10 lần như vậy.

4.2.5. Tổ chức lại lãnh thổ và qui hoạch hệ thống phân bổ dân cư thống nhất trên lãnh thổ Việt Nam và các vùng sinh thái, gắn việc xây dựng bộ khung bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Tăng cường hình thức xây dựng các vùng đô thị lớn tập trung trên các vùng lãnh thổ có cơ cấu hợp lý, gắn sự phát triển đô thị với nông thôn.

2010 12 08 1023

Hình 11a – Cấu trúc hệ thống đô thị quốc gia Việt Nam

2010 12 08 1024

Hình 11b – Cấu trúc bộ khung bảo vệ thiên nhiên của Việt Nam

4.2.6. Xây dựng thể chế và giải pháp thực hiện chiến lược đô thị quốc gia hiệu quả.

4.3. Xây dựng và phát triển các khu dân cư theo mô hình đô thị sinh thái, phát triển bền vững.
Đô thị sinh thái là điểm dân cư được gắn bó một cách mật thiết và toàn diện với môi trường xung quanh (môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo).

Sau đây là kiến nghị về các nguyên tắc quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái phát triển bền vững:

4.3.1. Nguyên tắc 1: Vận dụng phương thức qui hoạch đô thị theo nhận thức mới về “qui hoạch đô thị là một quá trình”, bao gồm:

a- Quá trình nghiên cứu chiến lược phát triển (CDS): Xác định đúng bối cảnh, mục tiêu, các vấn đề chủ yếu và các đối sách chiến lược phát triển đô thị bền vững.

b- Quá trình thiết kế triển khai, đảm bảo cho các giải pháp tối ưu.

c- Quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo cho các mục tiêu qui hoạch đô thị khả thi và đạt chất lượng hiệu quả.

4.3.2. Nguyên tắc 2: Xác định đúng vị trí của đô thị trong các mối quan hệ hài hòa:

a- Đô thị – vùng

b- Đô thị – thiên nhiên

c- Đô thị – nông thôn

d- Quá khứ – hiện tại và tương lai

e- Dân tộc và hiện đại

f- Kinh tế – xã hội – khoa học kỹ thuật và môi trường

4.3.3. Nguyên tắc 3: Quy mô đô thị tối ưu phụ thuộc vào điều kiện cụ thể:

Quy mô đô thị là hám số của khả năng dung nạp môi trường, chức năng đô thị (loại và cấp), cơ sở kinh tế, dân số, lao động, xã hội và đất đai.

Mỗi vùng, địa điểm xây dựng có các “ngưỡng” phát triển riêng. Do đó, quy mô đô thị tối ưu là quy mô tối đa phù hợp với “ngưỡng”: phát triển của từng thời kỳ hoặc giai đoạn lịch sử, đảm bảo sự cân bằng đô thị với môi trường. Như vậy, quy mô thành phố cực lớn, lớn, trung bình và nhỏ tùy thuộc vào điều kiện xây dựng và phát triển của từng địa điểm, vùng sinh thái.

4.3.4. Nguyên tắc 4: Lựa chọn hình thái tổ chức không gian theo điều kiện tự nhiên, địa thế.

Quỹ đất xây dựng thuận lợi và đặc điểm phân bố dưới sự tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử và hình thái kinh tế xã hội là cơ sở chọn đất xây dựng và tạo lập các hình thái tổ chức không gian cho từng đô thị. Sự phát triển tập trung, phân tán, tuyến tính v.v… không nên phụ thuộc quá nhiều vào mô hình lý thuyết, có tính tiền định và duy ý chí chủ quan của các KTS hoặc các nhà lãnh đạo, mà phải dựa vào điều kiện thực tiễn của khu vực xây dựng và phát triển đô thị.

4.3.5. Nguyên tắc 5: Cơ cấu quy hoạch đô thị mềm dẻo; gắn với các vùng dân cư lãnh thổ

Xây dựng mô hình cấu trúc các đô thị mềm dẻo, gắn bó hài hòa các mối quan hệ hữu cơ, cho phép giải quyết tốt việc gắn kết giữa cấu trúc thiên nhiên với cấu trúc nhân tạo; giữa đô thị với nông thôn, giữa quá khứ với hiện tại v.v…chủ động dự phòng, hướng tới tương lai (khả năng chuyển hóa, chuyển đổi, sắp xếp lại) và bền vững (phù hợp với thuật phong thủy, 4 tiêu chí phát triển bền vững và mô hình đô thị sinh thái), đặc điểm của nền kinh tế tri thức, xu thế phát triển công nghệ cao và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

2010 12 08 1024 001

Hình 12 – Phương hướng của quy hoạch môi trường đô thị thế giới

4.3.6. Nguyên tắc 6: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bền vững.

Khả năng chịu tải của đô thị phụ thuộc vào kết cấu hạ tầng cơ sở được xây dựng đúng quy hoạch, phục vụ cho diện rộng, các vùng quy hoạch đô thị và các khu chức năng, đảm bảo các nguyên tắc: Bền vững, tách biệt, chuyên môn hóa, khớp nối, sử dụng tập trung và đầu tư xây dựng quá độ, tùy thuộc vào nguồn lực và nhu cầu sử dụng của mỗi giai đoạn.

4.3.7. Nguyên tắc 7: Tăng cường sự tham dự của dân cư.

Xây dựng và phát triển đô thị là ý chí, nguyện vọng của cộng đồng theo định hướng của Nhà nước phù hợp với quy luật thị trường. Quá trình nghiên cứu, thiết kế và thực hiện quy hoạch cần có sự tham dự của dân cư và đại diện của cộng đồng, để đô thị trở thành sản phẩm của dân, do dân và vì dân.

4.3.8. Nguyên tắc 8: Xây dựng và phát triển đô thị là một quá trình phải được kiểm soát chặt chẽ.

Sự phát triển cá thể (các dự án, công trình riêng lẻ) phải tuân thủ các quy tắc chung của quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Không một ai có quyền cho trường hợp của mình là ngoại lệ tách ra ngoài vòng kiểm soát của pháp luật.

4.3.9. Nguyên tắc 9: Xây dựng thiết chế quan trắc, dự báo, phòng ngừa và ngăn chặn các biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố công nghệ có thể xảy ra. 

2010 12 08 1024 002

Hình 13a – Thành phố xanh ở Singapore

2010 12 08 1024 003

Hình 13b – Thành phố xanh ở Stockholm

2010 12 08 1025

Hình 13c – Thành phố xanh ở Sydney 

4.4. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đào tạo các ngành của “Đô thị học” để có nhận thức và tầm nhìn đúng về đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI.

4.5. Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Phát huy vai trò và hoạt động của Hội KTS Việt Nam trong tổ chức UIA, UNESCO và sự phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI.

 

V. Kết luận

5.1. Thế kỷ XXI là Thế kỷ đô thị; Thế kỷ mà Nhân loại đang kế thừa những thành tựu to lớn về kiến trúc, phát triển đô thị của các thế kỷ trước, đặc biệt là thế kỷ XX, đồng thời đang đứng trước những chuyển ngoặt lớn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải cùng hợp tác lại để sinh tồn, đấu tranh cho sự phát triển bền vững các khu định cư.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam khẳng định đường lối phát triển đô thị bền vững là định hướng không có lựa chọn khác.

5.2. Những thành tựu đô thị hóa ở Việt Nam trong 25 năm đổi mới là rất lớn. Bước sang thế kỷ XXI, để tiếp tục phát triển cao hơn, bền vững hơn, Việt Nam cần đối mặt với những tồn tại, yếu kém hiện nay và những thách thức, nguy cơ phát triển không bền vững của những thập kỷ tới, nổi trội hơn cả là:

5.2.1- Xây dựng và tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí phát triển bền vững;

5.2.2- Nguy cơ tụt hậu;

5.2.3- Sự biến đổi khí hậu toàn cầu;

5.2.4- Sự phát triển chệch hướng;

5.2.5- Năng lực quy hoạch và quản lý đô thị.

5.3. Chỉ đạo áp dụng cương quyết các đối sách chiến lược gồm:

5.3.1- Thành lập Ủy ban quốc gia về phát triển, quản lý đô thị và môi trường;

5.3.2- Xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia hợp nhất gắn với việc đổi mới các thể chế;

5.3.3- Nghiên cứu đưa vào áp dụng các nguyên tắc quy hoạch, xây dựng và phát triển các khu dân cư theo mô hình đô thị sinh thái, phát triển bền vững;

5.3.4- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và đào tạo về đô thị hóa trong thế kỷ XXI;

5.3.5- Tăng cường phối hợp các hành động cấp khu vực, quốc tế thông qua hợp tác quốc tế.

 

PGS.TS.KTS. Trần Trọng Hanh

Báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học thành phố Đà Nẵng, ngày 04/12/2010 do Hội KTS Việt Nam tổ chức
 

 

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more