Ngày 6/1/2010, Hội KTS Hà Nội tổ chức mời các KTS cao tuổi đến dự họp với BCH Hội về việc góp ý các văn kiện Đại hội KTS Hà Nội lần thứ 5 (2011-2015).
KTS Lê Hiệp ốm nên cử KTS Trần Huy Ánh đi thay. Tại hội nghị, KTS Trần Huy Ánh đã đọc bài phát biểu ghi lại những ý kiến thảo luận sơ bộ của các KTS chi hội Nhà Đất. Bản góp ý cho “ Điều lệ” và Báo cáo sẽ gửi bằng Email và bản in tới VP Hội.
Toàn cảnh Hội nghị
Những sự kiện kiến trúc đô thị đáng nhớ:
2006: Phía sau cổng vòm có những con ngựa lồng trên nóc, khu đô thị Nam Thăng Long ( gòn gọi là Ciputra) khẩn trương xây dựng biệt thự, chung cư trên nền đất san lấp vườn đào Phú Thượng. Dự án đổi đường Láng Hòa lạc mở rộng lấy đất bên đường làm nhà bán khởi công rầm rĩ rồi để đó thi công cầm chừng. Trong 10 năm, gần chục ngàn Ha đất NN chuyển thành đất đô thị, nhiều hơn suốt 50 năm (1955-1995).
2007: Hàng loạt đề xuất khu giải trí thương mại trên đất công viên Thống Nhất, Tuổi Trẻ …Chợ cũ trong phố lên đời thành các trung tâm thương mại. Bệnh viện nội thành rậm rịch nâng tầng. Dự án Disneyland xây trên công viên khơi mào cuộc thảo luận xã hội.
Cuối năm 2007, thành phố bên sông Hồng trình làng với nhiều chiều ý kiến. Cơn sốt BĐS Hà Tây đã nhanh chóng hướng sự chú ý từ phía Đông sang phía Tây thành phố. Dự án rào Hồ Gươm bằng kính và bê tông của EVN dấy lên sự lo âu ồn ào, trong khi hàng chục khối cao tầng lặng lẽ vươn cao trên nền trời khu phố cổ và phố cũ.
2008: Mở rộng Hà Nội đã có 744 dự án BĐS nằm chờ.Trong vài năm, diện tích đất Hà Tây giao lập các dự án đô thị lớn gấp mấy lần cả trăm năm đô thị hoá HN. Tháng 11/2008, Nội thành Hà Nội nước ngập mênh mông.
2009: Xây và dừng lại Khách sạn trong công viên Thống Nhất, TT Thương mại 19/12 …Trưng bày QH Hồ Gươm, QH Hà Nội do PPJ lập trình bày tại hàng chục cuộc hội thảo, tham khảo các hội Quy hoạch, Lịch sử, Khoa học kỹ thuật, Chiếu sáng đèn đường, Văn hóa dân gian …Chỉ mỗi hội KTS Hà nội hầu như không biết.
2010: Các cuộc thảo luận quanh đồ án Quy hoạch, các dự án BĐS dừng lại, cho xây tiếp rồi cân nhắc có dừng lại hay xây tiếp. Rộn ràng chuẩn bị Đại lễ nghìn năm. Di tích, đình chùa tôn tạo làm mới dồn dập, vỉa hè, cổng chào hối hả tiến hành ….
KTS Hà Nội ở đâu làm gì trong 5 năm qua:
KTS Hà Nội có mặt tại đủ các vị trí: lập dự án thiết kế, thẩm định và phê duyệt cấp phép, ra chủ trương và quyết định thực hiện các dự án đó … Bộ mặt kiến trúc Hà Nội xấu /đẹp, hay / dở do nhiều nguyên nhân nhưng trách nhiệm của KTS Hà Nội là rất lớn, không đóng vai trò quyết định nhưng rất cơ bản.
Hội KTS ta trong 5 năm qua đã tổ chức du xuân 5 lần: thăm cá thần Thanh Hóa, đến đền chùa Sóc Sơn, về xứ Đoài kết chạ, lên Tuyên Quang tìm nguồn …nơi nào hay Hội ta cũng tới. Nhưng KTS HN không thể vắng mặt những nơi Hà Nội cần đến.
Trước những sự kiện kiến trúc đô thị trọng đại của Thủ đô, KTS HN đã đóng góp những gì: đã hăng hái tham gia ý kiến nhưng hẳn còn nhiều nghi ngại, bởi chính chúng ta cũng đã từng hăng hái làm xấu HN không kém. May ra có bài của KTS Nguyễn Mạnh Cường về Quy hoạch HN gây chú ý, của KTS Phạm Cao Nguyên về trục Thăng Long khá ấn tượng, quý nhất là những ý kiến trực diện đầy trách nhiệm của lão tướng KTS Ngô Huy Giao về cảnh quan Hồ Gươm (đã nhận được thư cảm ơn của KTS -Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo), còn lại là những ý kiến nhỏ lẻ rời rạc của vài KTS phát biểu tự phát trên báo này đài kia.
Giá trị nhất là cuộc thảo luận góp ý “cổng chào HN” , đã giúp cho lãnh đạo TP sáng suốt kịp thời dừng lại – rất hợp lòng dân , uy tín Hội ta lớn lên nhiều.
Tuy vậy trước những sự biến đổi nhanh chóng, dồn dập quy mô vô cùng lớn – chưa từng có trong lịch sử đô thị hoá Hà Nội, đóng góp của Hội ta như vậy là quá khiêm tốn, nhỏ bé, yếu ớt … chưa xứng đáng với khả năng và trách nhiệm, niềm tin, sự kính trọng của xã hội đối với giới KTS Thủ đô.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ, Hội ta và Hội viên cần như thế nào:
Hội ta đông nhưng không mạnh, vì già lão và tự mãn …Xem dự thảo báo cáo thì thấy HN ta có nhiều thành tựu về KT- đô thị… trong đó thành tích, đóng góp của Hội ta cũng nhiều đến mức không cần phải làm gì nữa – Thực tế có phải vậy không? Nếu phải thì thôi, nếu không thì bắt đầu từ việc gì.
Việc đầu tiên là thay những lời hoa mỹ trống rỗng trong “Báo cáo …” bằng những chỉ tiêu cụ thể, công việc thiết thực. Đặt ra mục tiêu trẻ hóa thì phải trẻ từ lãnh đạo đến hội viên: Chủ tịch Hội nên từ 50 đến 55 tuổi, còn khỏe và đủ uy tín, nếu là nữ Chủ tịch thì càng hay vì đạt thêm chỉ tiêu bình đẳng giới.
Lãnh đạo Hội không thể kiêm lãnh đạo hay tham gia quản lý NN, vì như vậy không thể đảm đương nhiệm vụ phản biện xã hội. Không thể cùng lúc ra quyết định lại phản biện cái quyết định ấy.
Chủ tịch Hội trẻ tuổi còn thiếu kinh nghiệm thì cần các bậc đàn anh làm cố vấn, nên chăng các Chủ tịch, PCT sẽ đảm trách Chủ tịch, PCT danh dự – Danh hiệu cao quý này dành cho các vị đã từng tham gia Đoàn Chủ tịch suốt kỳ đại hội đã qua …Nếu được vậy mà đưa vào Điều lệ, Hội ta làm tấm gương cho cả nước về truyền thống biết ơn nhớ nguồn các thức thế hệ đi trước và liên tục đổi mới hình thức hoạt động.
Thay vì kêu to “hãy vì kiến trúc nông thôn ..” rồi để đấy từ Đại hội trước mà chẳng làm gì, Chi hội Nhà đất chúng tôi xin có ngay tại Đại hội này một sản phẩm “Bảo tồn kiến trúc làng truyền thống Lại Đà, Đông Hội -Đông Anh, phát triển kinh tế mới trong không gian làng ven đô trong cuộc đô thị hóa“ hay đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ làng quê ven sông và môi trường sông Nhuệ.
Thi đua với Nhà Đất Các chi hội khác nên có vài sản phẩm …Chúng tôi xin cùng phối hợp truyền thông. Hoạt động Hội thiết thực tự dưng ai cũng tự hào, nhiệt tình tham gia vì danh hiệu cao quý là thành viên Hội KTS Hà Nội, chẳng đợi 5 năm đến kỳ Đại hội mới nghe một lần đọc diễn văn nhạt nhẽo mà cuộc sống sáng tạo sẽ là thực tế diễn ra sôi động ra hàng ngày.
Trần Huy Ánh