Ngày 18/10/2010, Hội KTS Việt Nam ra thông báo tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt. Ngay sau đó, Kienviet nhận được bài viết nêu ý kiến của KTS Nguyễn Chứng Nhân về vấn đề này, xin chia sẻ cùng bạn đọc.
HƯỚNG NHÌN
Có lẽ tất cả các nước trên thế giới đều có thiên tai, và con người dĩ nhiên không thể chống chọi với thiên nhiên được. Chúng ta cũng không thể qui trách hết cho phá rừng hay xây đập hay môi trường biến đổi. Đã từ lâu, người Việt chúng ta đối diện với thiên tai bằng cách đối phó và thiếu tự chủ. Đối với các nước tiên tiến, việc khống chế thiên nhiên là chuyện chưa làm được nhưng làm chủ được tình thế đối với thiên tai để giảm những tổn thất về người và của, họ đã có rất nhiều kế hoạch và phương án ứng phó với tình thế khi sự việc xảy ra. Đối với Việt Nam dường như chưa được hình dung một cách rõ ràng và có sự tổ chức. Ở các nước bị thiên tai về ngập lụt tại Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung đều có các hệ thống cơ bản để phòng tránh bão, và một trong những hệ thống cơ bản nhất và hữu hiệu nhất là những tòa nhà tránh bão.
Thiên tai vẫn thường xuyên xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam
NHÀ TRÁNH BÃO
Được coi là nơi người dân có thể tụ tập an toàn, là nơi được trang bị điều kiện sống ở mức cơ bản nhất. Những địa điểm này thuận tiện việc di chuyển, tiếp tế, cấp cứu, cũng như có một sự quản lí cấp chính quyền cơ bản, hoạt động có tổ chức. Ví dụ như, bác sĩ, công an, giáo viên, lực lượng thanh niên, v.v… Đối với tòa nhà, nên được xây ở khu vực nền đất cao và cần phải có kết cấu vững vàng và chắc chắn. Ngoài ra, những tòa nhà này ngày thường đều có những chức năng khác như trường học, trung tâm văn hóa, văn phòng ủy ban, v.v… Bên cạnh đó, ngôi nhà này cũng đảm bảo cho những trận lũ lụt lịch sử 100 năm mới có một lần.
Người dân cũng tự phòng vệ bằng kinh nghiệm trước thiên tai
Và khi thiên tai ập đến…người dân chỉ còn biết khóc!
PHƯƠNG PHÁP
Như vậy, đối với người dân Việt Nam ở những vùng thường xuyên gánh chịu lũ lụt, chúng ta nên trước tiên cần phải tổ chức và xây dựng những căn nhà tránh bão và có hệ thống để dễ dàng tiếp cứu cũng như thông tin liên lạc. Với kết cấu khung bê tông, và các vật liệu thô sơ và nhẹ hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những khối nhà có chiều cao 2-3 tầng để tránh bão cho vài chục hộ gia đình trong một khối, với chi phí khoảng 500 triệu cho một khối nhà.
KINH PHÍ
Nếu kinh phí xây dựng cho một khối nhà có thể chứa được 20 hộ gia đình, tương đương với 100-250 người sinh sống trên một diện tích khoảng 300m2/sàn. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể xây vài chục khối có thể riêng lẽ cũng có thể liên kết cho một ngôi làng hay một khu vực.
Tính một bài toán đơn giản, nếu kinh phí rót vào 2,000 tỉ = 4,000 khối nhà = Chúng ta có thể giúp cho cả triệu người trong những vùng sâu và xa giải quyết được phòng chống mưa lũ tại miền trung. Với kinh phí 10,000 tỉ = chúng ta có thể giải quyết dứt điểm cho tất cả các tỉnh bị ngập lụt tại Việt Nam. Thêm vào đó là các hệ thống liên lạc, dự phòng, lương thực, y tế, v.v… trang bị thêm 10,000 tỉ. Tổng chi phí là 20,000 tỉ ≈ 1 tỉ USD. Con số này không quá lớn nếu có thể giải quyết dứt điểm cho tương lai 50 năm.
KẾT LUẬN
Với hệ thống nhà chống bão, chúng ta có thể yên tâm cho những thế hệ con cháu mai sau. Đất nước bao năm nay không thoát khỏi cảnh đói nghèo, không thoát khỏi hình ảnh một đất nước lũ lụt. Với một số tiền 1 tỉ USD tôi tin, sẽ đưa những người dân nghèo lam lũ sang một tương lai mới, một tương lai họ có thể tin tưởng và phát triển
Kiến trúc sư Nguyễn Chứng Nhân sinh năm 1977, sau khi anh tốt nghiệp PTTH tại Việt Nam anh sang Mỹ định cư, tại đây anh theo đuổi ngành kiến trúc tại USF(Đại học Nam Florida) đồng thời cũng tốt nghiệp cao học Kiến trúc tại trường này.Đã từng công tác tại Viện nghiên cứu Florida, cty Bunton Clifford Associates; Steinberg Architects (Một trong 50 Công ty Kiến trúc thành công nhất California). Hiện tại, anh về Việt Nam lập nghiệp, thành lập và điều hành Công ty Thiết kế Kiến trúc Đa Chiều (www.nformarch.com). KTS Nguyễn Chứng Nhân tham gia nhiều vào các hoạt động của giới nghề tại TP Hồ Chí Minh, anh cũng đã đóng góp cho trang KIENVIET.NET với một số bài viết qui hoạch và công trình kiến trúc. |
KTS Nguyễn Chứng Nhân