Nếu Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn cho các DN khi đấu thầu thì có nghĩa là họ đã vi phạm WTO. Tại sao ta không thử đặt ra câu hỏi đó để nghiên cứu, chả lẽ chúng ta không biết kiện ai à? – TS. Phạm Sỹ Liêm chia sẻ.

LTS: Mời bạn đọc theo dõi phần 1 của cuộc bàn tròn Giá rẻ và câu chuyện trúng thầu” và cùng tham gia tranh luận về chủ đề này với VNR500.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa quý vị độc giả, hôm nay (31/8), báo VietNamNet và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VNR500 hân hạnh mời đến tham dự bàn tròn: Ông Bùi Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc; và ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Thưa ông Bùi Hồng Phúc, là người đã công tác nhiều năm ở Trung Quốc, ông lý giải hay có ý kiến gì về việc các nhà thầu Trung Quốc đưa ra mức giá rất rẻ khi đầu tư tại Việt Nam hoặc châu Á. Phải chăng, Chính phủ Trung Quốc đã có những hỗ trợ đặc biệt gì cho các doanh nghiệp của họ khi ra nước ngoài nhận thầu?

Ông Bùi Hồng Phúc: Theo tôi, điều trước tiên là Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nghĩa là chúng ta đã bước vào một sân chơi quốc tế, nên sức cạnh tranh rất lớn. Trước khi gia nhập WTO, Chính phủ và nhiều chuyên gia đã cảnh báo về vấn đề này. Do vậy, bản thân doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải lớn và mạnh thì mới cạnh tranh được.

img12

Các khách mời tham dự bàn tròn hôm 31/8 tại tòa soạn báo VietNamNet – Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn vì sao những DN Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam mà giá thầu lại rẻ như vậy, tôi xin cung cấp một số thông tin liên quan đến chính sách của Trung Quốc dành cho các DN.

Hiện Trung Quốc có chủ trương rất lớn khuyến khích đầu tư ra ngoài, trên 3 khía cạnh: hàng hoá, lao động và nhập về khoáng sản. Họ khuyến khích đi ra ngoài, kể cả lao động và du học sinh, điều này không chỉ áp dụng với riêng Việt Nam.

Trung Quốc hỗ trợ cho việc xuất khẩu hàng hóa. DN khi xuất khẩu hàng hoá được hoàn lại 12-13% giá trị, đặc biệt là những DN kinh doanh máy móc, điện khí, biên mậu. Hiện Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới ở các lĩnh vực như: may mặc, giầy da, đồ chơi và điện khí. Tôi nói ví dụ rất nhỏ, khi tôi tháp tùng Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đi thăm một nhà máy ở Chiết Giang thì chỉ có 1 huyện thôi mà sản xuất 80% lượng cà-vạt cho thị trường Trung Quốc và 30% thị trường thế giới.

Thêm vào đó, Trung Quốc khuyến khích nhận thầu công trình ở nước ngoài: cho vay lớn, dài hạn và lãi suất thấp. Họ quy định phải sử dụng thiết bị máy móc, vật tư thiết bị nhân công ít nhất 15% trở lên. Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc nhận thầu ở cả các nước châu Mỹ, châu Phi…

Ngoài ra, họ cũng muốn đưa cơ sở sản xuất ra ngoài, mà khu công nghiệp An Dương ở Hải Phòng là điển hình. Nếu DN nào xây dựng được khu công nghiệp ở bên ngoài mà thu hút được 50 DN Trung Quốc sang đó sản xuất thì sẽ được hỗ trợ 10-15% vốn (nên họ định làm một KCN nữa ở Đồng Nai).

Nhà báo Phạm Huyền: Cũng về vấn đề này, chúng tôi được biết TS. Phạm Sỹ Liêm đã thu thập công phu tài liệu về Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu xây dựng. Theo ông, các nhà thầu Trung Quốc có lợi thế gì khi tham gia đấu thầu ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng xây lắp?

Ông Phạm Sĩ Liêm: Trước hết phải nói rằng các nhà thầu Trung Quốc nếu nhận thầu ở Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với các nước khác, vì Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng. Việc đưa vật liệu, đưa con người, đưa cái gì sang cũng thuận tiện, nên rất rẻ. Còn đưa công nhân, chuyên gia từ châu Âu sang Việt Nam, ngoài chi phí còn phụ cấp xa đất nước nên tốn kém nhiều.

img7965a

Ông Phạm Sỹ Liêm (trái) và ông Bùi Hồng Phúc (phải) – Ảnh: Lê Anh Dũng.

Thứ hai, vì gần nhau nên người Trung Quốc cũng hiểu Việt Nam tương đối kỹ. Cung cách làm ăn của người Việt cũng có nét gần với người Trung Quốc, nên họ sang Việt Nam dễ dàng hơn. Còn sự hỗ trợ tôi chưa biết có hỗ trợ gì đặc biệt không, nhưng cũng như Trung Quốc đã hỗ trợ cho các hoạt động thầu của họ ở nước ngoài tại các châu lục khác chưa chứ có gì đặc biệt hơn.

Tuy nhiên, có câu hỏi là, chúng ta cứ áy náy là phải hòa nhập để tuân thủ WTO, vậy nếu Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn cho các DN khi đấu thầu thì có nghĩa là họ đã vi phạm WTO, chẳng hạn như Mỹ kiện chúng ta bán phá giá. Tại sao ta không thử đặt ra câu hỏi đó để nghiên cứu, chả lẽ chúng ta chỉ biết thiên hạ kiện mình mà không biết kiện ai à?

Nhà báo Phạm Huyền: Như vậy thì hiện tượng Trung Quốc trúng thầu ở Việt Nam cũng là câu chuyện kinh doanh hết sức bình thường. Vì không chỉ ở Việt Nam, họ còn trúng thầu ở nhiều châu lục khác. Vậy theo ông, nguyên do còn bởi vấn đề nào khác?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Tôi nghĩ là, công việc xây dựng trên đất nước ta còn phải tuân thủ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ngành xây dựng. Chính sách của ta là đầu tư, bỏ vốn, thu hút, vay vốn để tạo ra tài sản. Bên cạnh đó, tìm kiếm công ăn việc làm để giải quyết nạn thất nghiệp và phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

Muốn phát triển ngành đó thì phải tiêu thụ sản phẩm cho nó chứ không phải mua từ nước ngoài. Chúng ta muốn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì phải có nhà máy sản xuất, chứ mua lại của nước ngoài thì làm sao phát triển được? Luật Đấu thầu chưa phản ánh đúng chính sách đó, chỉ nhìn thấy giá rẻ, kỹ thuật… còn các khía cạnh chính sách khác chúng ta không để ý đến, như thế là không đúng. Như vậy, chính sách có lỗi, nhưng bản thân ngành xây dựng cũng có lỗi.

Chúng ta ít nhất có 2 thập kỷ đổi mới (kể từ năm 1990), nhưng ngành xây dựng còn nhiều yếu kém, đặc biệt là thể chế thị trường của ngành xây dựng rất kém.

Hiện, DN xây dựng ở Việt Nam không có hàng vạn công nhân như trước, mà chỉ có đội quân ít nhưng tinh nhuệ thôi. Vì sao vậy? Vì ngày xưa xây dựng dựa vào kế hoạch của Nhà nước hết công trình này đến công trình khác, Nhà nước không để công nhân thất nghiệp được. Còn giờ là cơ chế thị trường, nếu cần có thể ra thị trường tìm lao động.

Tuy nhiên, thị trường của ta lại không có các tổ chức chuyên môn cung ứng nhân lực. Các nước khác không chỉ có tổ chức cung ứng nhân lực, họ còn có cả một bộ máy chuyên săn đầu người, tìm người tài giỏi. Máy móc cũng vậy, giờ doanh nghiệp xây dựng không cần nhiều, cần thì ra thị trường, nhưng ở Việt Nam, các doanh nghiệp cho thuê không nhiều và cũng chẳng hề mạnh.

Một yếu tố nữa, là chúng ta thiếu các tổng công ty cung ứng thiết bị. Loại công ty này, thị trường rất cần. Trong khi, ở Trung Quốc, họ có cả một dây chuyền cung ứng đầy đủ và các doanh nghiệp này đã được thành lập và phát triển rất nhiều năm.

Đấy là cái yếu kém của chúng ta. Lỗi về chính sách cũng có, quản lý vĩ mô cũng có, quản lý ngành cũng có. Nhưng cũng phải có đối sách với tình hình thực tế đang diễn ra.
 

Theo VnR500

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more