Hiện nay, các quận, huyện liên quan đã gần như hoàn tất việc tổng vệ sinh, dọn dẹp đất, rác thải, tháo dỡ bục bệ, xử lý các công trình vi phạm, lấn chiếm… trên toàn tuyến sông Tô Lịch, trả lại vẻ thông thoáng ở 2 bên bờ con sông tiêu thoát chính của thành phố.
Nhiều vi phạm đã được xử lý để trả lại sự thông thoáng cho sông Tô Lịch
Người dân ủng hộ
Ông Lê Văn Dục – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, từ ngày 24-7 tới nay, các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện tập trung lực lượng, phương tiện tổng vệ sinh, thu dọn, vận chuyển hơn 26.400m3 phế thải, rác đất dọc bờ phải sông Tô Lịch. Đến nay, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (MTĐT) đã nghiệm thu và bàn giao hoàn thành toàn tuyến trên địa bàn quận Cầu Giấy cho UBND quận Cầu Giấy quản lý, duy trì với tổng số đất rác, phế thải thu dọn được là 13.300m3 (đạt 100% khối lượng). Các quận dọc sông như Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì cũng đã giải tỏa hàng trăm bục bệ, nhiều lều lán, mái che, mái vẩy, điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, chợ cóc, hàng quán, biển quảng cáo… trái phép.
Dự kiến đến ngày 17-8, Công ty MTĐT sẽ nghiệm thu và bàn giao phần tuyến dọc sông trên địa bàn quận Thanh Xuân và Hoàng Mai. Tuy vậy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện vẫn còn một số điểm chưa được giải tỏa, thu dọn, chủ yếu là các bãi để xe có phép do Sở GT-VT quản lý ở phường Nghĩa Đô, Đại Kim, hay bãi để xe máy của chợ Cầu Giấy ở phường Quan Hoa. Ngoài ra, việc giải tỏa chợ cóc bên lề đường vẫn chưa triệt để, vẫn còn để tái lấn chiếm sau khi thu dọn xong đất thải, phế thải.
Một số khu vực đã có dấu hiệu tái vi phạm
Đặc biệt, theo đại diện Công ty MTĐT Hà Nội, tuy đợt này “dọn dẹp” số trường hợp vi phạm rất lớn dọc 2 bên sông chạy dài hàng chục kilômét trong nội thành nhưng nhân dân rất ủng hộ chủ trương của UBND TP. Trong quá trình triển khai, lực lượng chức năng không gặp phải hiện tượng chống đối, cản trở hay bất hợp tác. “Tỷ lệ người dân ủng hộ gần như tuyệt đối. Ý thức người dân rõ ràng được nâng lên rất nhiều khi bức tranh đô thị dọc 2 bên sông sáng sủa lên…” – vị này nói. Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nói: “Điều này chứng tỏ, nếu Nhà nước quản lý tốt, trách nhiệm cao thì người dân đồng thuận. Ngược lại, nếu buông lỏng quản lý, người dân sẽ phát triển tự phát và tình hình sẽ lộn xộn…”.
Ngăn chặn tái lấn chiếm
Cũng liên quan tới việc “làm đẹp” cho sông Tô Lịch, ngoài việc tổng vệ sinh trên toàn tuyến, dự án cải tạo, chỉnh trang bờ trái sông Tô Lịch cũng đang gấp rút triển khai. Theo Ban quản lý dự án (QLDA) thoát nước Hà Nội, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công đường bờ trái sông Tô Lịch chỉ còn vướng một số hộ dân. Trong khi đó, khâu GPMB phục vụ thi công đường bờ phải sông Tô Lịch còn tồn tại hàng trăm hộ chưa GPMB. Cụ thể, phường Quan Hoa còn 120 hộ, Yên Hòa còn 119 hộ, Nhân Chính còn 80 hộ, 2 phường Thượng Đình, Hạ Đình còn 200 hộ, phường Đại Kim 50 hộ.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, thành phố đặc biệt quan tâm tới việc tổng vệ sinh, cải tạo, chỉnh trang trên toàn tuyến sông Tô Lịch. Thành phố đã lưu ý, các quận, huyện chịu trách nhiệm trước thành phố về việc duy trì, giữ gìn vệ sinh sông Tô Lịch theo địa bàn và để làm tốt việc này UBND các quận, huyện nên gắn trách nhiệm tới từng Chủ tịch UBND các phường.
Tuy việc dọn vệ sinh đã cơ bản hoàn tất song ghi nhận của phóng viên chiều 12-8 cho thấy, có một số điểm đã có hiện tượng tái lấn chiếm làm bãi để vật liệu xây dựng hoặc vứt rác thải bừa bãi. Do đó, ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: “Các quận, huyện tiếp tục tập trung xử lý quyết liệt những vi phạm. Đặc biệt, cần phạt thật nặng những trường hợp tái vi phạm, cố tình lấn chiếm”.
Lưu ý tới việc bố trí các điểm đỗ dọc tuyến, ông Vũ Hồng Khanh yêu cầu, các quận phải rà soát và đề xuất để Sở GT-VT thẩm định rồi trình UBND TP để hướng tới sắp xếp tổ chức quy củ các điểm đỗ xe trên tuyến. “Quỹ đất còn lại sẽ ưu tiên làm điểm đỗ xe. Các dự án sử dụng đất nếu đã duyệt song chậm tiến độ cũng có thể sẽ bị thu hồi để làm điểm đỗ…” – ông Vũ Hồng Khanh nói. Đối với việc GPMB để thi công hai bên bờ sông Tô Lịch, Phó Chủ tịch UBND TP sẽ trực tiếp giải quyết dứt điểm sau khi các quận, huyện chuyển kiến nghị tới UBND TP. Ông Vũ Hồng Khanh nói: “Thành phố đủ quỹ nhà tái định cư để bố trí. Thế nên, một mặt phải tăng tốc GPMB, mặt khác, các đơn vị thi công phải khẩn trương nhập cuộc để triển khai ở những vị trí đã có mặt bằng sạch…”.
Chính Trung – An Ninh Thủ Đô