Thập niên vừa qua, đặc biệt là mấy năm gần đây, TPHCM chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi sâu sắc trong xã hội và những chuyển động nhiều chiều về kiến trúc đô thị.
Trung tâm TPHCM kết hợp kiến trúc hiện đại và xưa. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Cao hơn và đẹp hơn
Nói về chiều rộng của TPHCM, đó là sự vươn ra các khu vực ngoại vi thành phố với nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư mới cũng như khu công nghiệp, khu công nghệ – kỹ thuật cao… ở quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 7… Nói về chiều cao của thành phố là nói về các công trình cao ốc đang không ngừng mọc lên ở nhiều nơi, từ khu vực trung tâm (tập trung quận 1, quận 3) ra đến một số quận mới (quận 7, quận 9), hay xen cài trong một số quận nội thành cũ (quận Phú Nhuận, Bình Thạnh). Đó còn là sự đa dạng muôn hình muôn vẻ của kiến trúc nhà ở – mảng kiến trúc quan trọng của đô thị. Từ những nhà ở cao tầng mọc lên với thiết kế nội thất căn hộ phong phú, thông thoáng chiếu sáng tự nhiên, phù hợp khí hậu và tập quán sinh hoạt người Việt đến nhà ở riêng lẻ đã có sự chăm chút để đem lại những không gian sống phù hợp, đẹp mắt.
Mặc dù một số vấn đề về môi trường, xã hội của không ít công trình còn gây tranh cãi, song nhiều công trình xây dựng trong thời gian qua đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị ở TPHCM. Gần đây, TPHCM đã bắt đầu có những sáng kiến tích cực: kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm năng lượng được áp dụng trong một số thiết kế công trình mới; vỉa hè, công viên, quảng trường bắt đầu được quan tâm thiết kế giảm thiểu việc bê tông hóa bề mặt, tăng cường mảng xanh, đất thấm nước. Những hiện thực mới này một mặt góp phần vào khả năng thích ứng của TP với các vấn đề môi trường, mặt khác cũng đóng góp vào diện mạo không gian cảnh quan, kiến trúc đô thị.
Một số công trình mới xen cài trong trung tâm TP như tòa nhà văn phòng Bitexco trên đường Nguyễn Huệ, tòa nhà của Kho bạc Nhà nước TPHCM cũng đang góp phần tạo diện mạo kiến trúc mới, hiện đại cho TP. Tòa nhà của Kho bạc Nhà nước TPHCM với hình khối kiến trúc theo phong cách đương đại, đơn giản và trong suốt, đóng vai trò như hậu cảnh một cách hài hòa cho tòa nhà kho bạc đã có từ trước với kiến trúc cổ điển bảo tồn.
Ở góc nhìn nhỏ hơn, không thể không nhận ra đây đó những công trình kiến trúc thú vị, từ những nhà liên kế, nhà biệt thự… trên đường phố hay tận trong hẻm nhỏ với hình khối đơn giản, hiện đại nhưng phù hợp với khí hậu nắng nóng, mưa nhiều với kiến trúc bao che vừa rất quốc tế vừa rất địa phương cho đến những cửa hàng nhãn hiệu đẳng cấp, những nhà hàng, quán cà phê đầy ắp cây xanh và hoa hay rực rỡ nhiều sắc màu sinh động. Và không chỉ có những công trình xây dựng mới, nhiều công trình cũ như biệt thự, chung cư cũ… đã được tái sinh với diện mạo và không gian mới, có khi lại đảm đương chức năng mới như trụ sở, văn phòng hay cả nhà trẻ…
Mỗi giờ, mỗi ngày trên TP có những công trình như thế lại được thai nghén và ra đời, góp mặt vào dòng chảy cuồn cuộn không ngừng của không gian kiến trúc đô thị. Đó cũng là dòng chảy của sự phát triển TPHCM.
Chưa rõ bản sắc
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong thời gian qua, kiến trúc đô thị TP cũng còn một số vấn đề cần quan tâm. Trên địa bàn TP chưa định hình rõ các mảng, tuyến cảnh quan đặc trưng như mảng cao tầng, tuyến phố, mảng biệt thự… Một số khu vực còn nhạt nhòa đi bản sắc vốn có: khu biệt thự quận 3 đang mất dần những khuôn viên biệt thự Pháp do tình trạng chia tách biệt thự cho nhiều hộ cư trú, công trình cũ xuống cấp bị cơi nới, biến dạng hay tháo dỡ để xây dựng lại công trình khác; hay những dãy phố người Hoa ở quận 5, quận 6 bắt đầu đan xen những nhà phố xây mới hoặc công trình cao tầng với kiến trúc chưa thực sự phù hợp.
Tình trạng mất dần không gian kiến trúc đô thị đặc thù này cũng gắn với vấn đề bảo tồn không gian kiến trúc hiện chưa được nghiên cứu và pháp lý hóa một cách hệ thống: TPHCM chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý về các công trình bảo tồn và những quy định hướng dẫn sửa chữa, xây dựng đối với công trình bảo tồn cũng như khu vực xung quanh có thể ảnh hưởng đến công trình bảo tồn.
Trên góc độ không gian đô thị gắn với đặc điểm tự nhiên, trên địa bàn TP chưa nhận dạng được những bản sắc đô thị đặc trưng cho mỗi loại khu vực với điều kiện tự nhiên khác nhau, dù cho thực tế các khu dân cư, khu đô thị mới được phát triển theo nhiều loại từ nơi đất tốt, cao, ít kênh rạch cho đến nơi đất xấu, thấp, kênh rạch chằng chịt… Mạng đường và kiến trúc đô thị tương tự nhau, hình thái đô thị ná ná nhau với các ô phố, mảng xanh và công trình đặt ở bất cứ khu vực nào cũng được.
Một vấn đề khác cũng phải nhìn nhận là kiến trúc các công trình hạ tầng đô thị ở các thành phố – bên cạnh một số thành tựu nổi bật như cầu Phú Mỹ, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông-Tây… nhìn chung chưa thực sự đáp ứng trọn vẹn các tiêu chí về cảnh quan, thẩm mỹ đô thị. Một số công trình cầu đường, kể cả khu công viên đô thị còn thể hiện sự lúng túng về chủ đề thiết kế, cách xử lý, lựa chọn vật liệu thiết bị như đèn chiếu sáng, lan can hay vật liệu gạch ốp lát…
Nhiều công trình được thiết kế sơ sài, thiếu quan tâm đến kiến trúc, thẩm mỹ hoặc công trình quá câu nệ về hình thức một cách không phù hợp dẫn đến thiết kế rối. Nhiều chi tiết thừa, vật liệu sử dụng không cần thiết và không đúng chỗ có khi ảnh hưởng đến công năng và an toàn sử dụng hay duy tu bảo dưỡng công trình. Thực tế là trong việc hình thành các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện nay còn rất thiếu vắng bàn tay của kiến trúc sư.
Là điểm hội tụ của nhiều nền văn hóa trong một thời kỳ đô thị chuyển động mạnh mẽ nên TPHCM là một đô thị nhiều màu sắc, trẻ trung và tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, trong khi dáng dấp đô thị cũ dần mất đi – tuy chưa nhiều và quá nhanh – thì phần đô thị mới cấy xen vào đây đó chưa thực sự có cùng ngôn ngữ. Bố cục không gian tầng cao chưa có hệ thống trên toàn thành phố. Có sự khập khiễng về khoảng lùi của các công trình trên cùng tuyến phố.
Nhìn chung kiến trúc TPHCM có phần hỗn loạn, thiếu trật tự và sự sắp xếp bài bản, thiếu tổ chức một cách tổng thể, hài hòa, đồng bộ cho nên chưa tạo được hình bóng của một đô thị văn minh, hiện đại. Gần như chưa thể nhận dạng được kiến trúc Việt Nam đương đại trong đô thị TPHCM.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa
(Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TPHCM,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)
theo SGO