Cảm giác của tôi là thành phố đang phải kết thúc một việc đã lỡ khơi ra rồi. Thôi thì, cũng chẳng có gì phải xấu hổ, nếu mình thấy chuyện đến giờ không còn phù hợp nữa thì nên ngừng lại đi.

LTS: KTS Nguyễn Văn Tất, Tân Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, đang sống và làm việc tại TPHCM nhưng như ông tự nhận là “đứng từ xa để yêu HN” nên sẵn sàng lên tiếng cùng các đồng nghiệp ngoài Bắc về những câu chuyện xung quanh Cổng chào Hà Nội.

Hà Nội muốn lập kỷ lục VN mới?

Ở phương Nam, ông có theo dõi những thảo luận về cổng chào Hà Nội không? Ông đánh giá thế nào về những mẫu thiết kế gần như đã được chọn?

KTS Nguyễn Văn Tất: – Tôi có biết, nhưng đến khi bạn gửi thì mới xem đầy đủ hình ảnh của các cổng chào.

Yêu cầu trước tiên của bất kỳ đồ án nào loại này là câu chuyện về nội hàm văn hóa. Lẽ ra nội dung của các biểu trưng này phải được nghiên cứu cặn kẽ để đưa ra trước, rồi những nhà kiến trúc sẽ sáng tạo ra sản phẩm của mình trên những giá trị biểu trưng đó. Còn việc thiết kế cổng chào lần này thiếu bước phân tích tường tận để đưa ra nội hàm về biểu trưng văn hóa, mà đi thẳng vào việc tìm hình dáng cho một biểu trưng văn hóa bất kỳ do KTS tự chọn. Vì thế, việc các phương án còn hời hợt, thô thiển, còn nhiều yếu tố bất ổn… như một số phát biểu là điều không tránh khỏi.

2034

Cổng chào Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Thứ hai, các đồ án được tổ chức với quan niệm theo nghĩa đen của một cái cổng nhiều quá nên tính biểu trưng về mặt tạo hình không cao. Đối với các trục giao thông đường bộ, cửa ngõ đô thị hiện thời, bề ngang luôn rất lớn, nên để đạt hình ảnh quen thuộc của chiếc cổng thì quy mô của công trình sẽ rất lớn như KTS Nguyễn Trực Luyện đã phân tích, dẫn đến những khối tích kiến trúc có thể sử dụng bên trong cũng cực kỳ lớn, phải có công năng sử dụng cụ thể chứ bỏ không thì quá phí ở góc độ đầu tư. Cũng bởi quá đuổi theo nghĩa đen nên những chiếc cổng này lớn một cách khiên cưỡng.

Chưa kể, trong những mẫu thiết kế đó, yếu tố cổng hội chợ, cổng lễ hội… có phần lấn át, trong khi tính đơn giản, khúc chiết, hoành tráng biểu trưng lại bị lu mờ.

Nếu chỉ nhìn những mẫu thiết kế đó, ông có nghĩ đến cổng chào của thành phố Hà Nội không?

– Đúng là các cổng trong đó được tạo hình theo những ý nghĩa phổ cập ở cấp quốc gia, chứ không phải những giá trị biểu trưng riêng của Hà nội.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm một ý, nếu đã muốn công trình mang tính “vĩ đại”, phi dân dụng, phức tạp trong cấu trúc như đang vẽ ra kia, thì việc đặt vấn đề làm tạm là rất khó hiểu. Bởi những yếu tố kỹ thuật để công trình có thể đứng vững sẽ phải tốn kém rất nhiều trong khâu kết cấu. Như những con chim lạc với độ vươn ra 20, 30 m như thế sẽ phải dùng rất nhiều sắt thép để làm khung, dù bên ngoài có dùng cót ép đi nữa. Phải cực kỳ chơi sang mới làm những khung rất tốn kém để đỡ cho lớp vỏ tạm bên ngoài như thế.

Rồi phức tạp như thế mà định thực hiện tất cả chỉ trong mấy tháng, không biết có phải muốn lập kỷ lục VN mới không?

Chỉ do KTS mơ mộng, tưởng tượng thôi!

Trước đây TPHCM cũng đã tổ chức cuộc thi sáng tác một loạt biểu trưng đặt ở các lối ra vào thành phố, ông có tham gia không?

– Tôi không tham gia. Dù Hội KTS bảo trợ cuộc thi đó, nhưng tôi vẫn phản đối nó. Lý do vì ngay một lúc, trong một thời điểm, với một mốc thời gian rất gấp, lại muốn tổ chức thi và xây dựng một loạt cổng vào TPHCM với những tiêu chí như tôi đã phân tích ở trên thì là một sự duy ý chí, là ép sản phẩm văn hóa phải ra đời rất cập rập. Cũng như câu chuyện với Hà Nội bây giờ, không hề có công bố của những nhà văn hóa về chuyện cái gì là biểu trưng cho TPHCM về mặt văn hóa, lịch sử, tất cả chỉ do KTS tự mơ mộng, tự tưởng tượng thôi.

Cũng lại làm cho một dịp kỷ niệm?

– Cũng như Hà Nội bây giờ thôi.

Kết quả, hình ảnh biểu trưng duy nhất chọn được đã được xây ở khoảng trống lối vào sân bay Tân Sơn Nhất. Bản thân ông đánh giá thế nào?

– Cá nhân tôi thấy nó tương đối ổn, được nghiên cứu về mặt tạo tác rất tốt, dù vẫn hơi có chút gì đó không thật riêng biệt, có phớt qua nét của một biểu trưng đã xây. Nhưng để xây dựng nó thì mất thời gian rất lâu, không có chuyện 100 ngày đâu, dù kích thước không lớn, lại không phải là một cái cổng.

Theo tôi, với không gian lớn như lối vào thành phố, làm những công trình mang tính chất biểu trưng văn hóa sẽ tốt hơn là làm một cái cổng theo nghĩa đen.

Nên chọn một số địa điểm có sẵn hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng ở một mức độ nhất định, kết hợp với nó để xây dựng một biểu trưng kiến trúc có thể nhìn thấy từ xa, đánh dấu một cột mốc. Công trình cũng phải mang công năng phù hợp với cửa ngõ, là nơi trước khi rời thành phố ta dừng lại để lắng lòng chào tạm biệt, hay trước khi vào thành phố thì dừng lại ở đó để chuẩn bị cho tinh tươm chẳng hạn?

Cũng phải chọn những biểu trưng đơn giản, để nếu chỉ lướt qua với tốc độ xe 80 km/h vẫn kịp nắm bắt cái gì đó.

Ngừng lại, chẳng có gì phải xấu hổ

Có người đề xuất nên làm cổng chào luôn ở những trạm thu phí, ông thấy sao?

– Thế thì lại là một thứ kệch cỡm khác, không thể chào đón bằng một nỗi bực dọc phải móc ví ra được, tế nhị lắm.

Cảm giác của tôi là thành phố đang phải kết thúc một việc đã lỡ khơi ra rồi. Thì thôi, cũng chẳng có gì phải xấu hổ, nếu mình thấy chuyện đến giờ không còn phù hợp nữa thì nên ngừng lại đi. Hãy bàn một công việc mới, rằng còn 100 ngày, HN 1000 năm cũng cần một số công trình cổng chào theo kiểu lễ hội, không cần ở những điểm ra – vào Hà Nội, mà ở trong thành phố. Ngày thường đi qua không thấy gì, nhưng giờ thấy cổng chào lễ hội để nhắc nhớ Hà Nội đang trong những ngày đại lễ.

Như thế đơn giản hơn nhiều, ông bà mình đã có rất nhiều kinh nghiệm tốt, vừa rẻ tiền nhưng đáp ứng hoàn toàn công năng vui chơi trong một khoảng thời gian nhất định.

Tôi nhớ đến một ví dụ đơn giản nhưng hiệu quả. Đó là dàn cờ phướn, từ xưa đến giờ ngàn vạn lần lễ hội đều dùng. Một cái cờ thì đơn giản nhưng một dãy cờ lại tạo không khí cực kỳ tưng bừng. Để thấy biểu tượng lễ hội hoành tráng trong khoảng thời gian ngắn và tiết kiệm nên dùng cách tổ hợp (lặp lại) nhiều yếu tố đơn giản, như thế sẽ quán xuyến được không gian lớn và rất lớn.

Nếu sau này Hà Nội tổ chức cuộc thi nghiêm túc để làm một công trình biểu trưng, ông có tham gia không?

Biết đâu được! 50 – 50. Tôi là người làm chuyên môn, đứng từ xa để yêu HN, cảm thấy nếu mình đóng góp được gì đó với HN đều là vui cả. Tôi mong đến ngày HN sẽ có một công trình biểu trưng như một lời chào, chứ không phải cổng chào hiểu theo nghĩa một vòm vật chất mà người ta phải đi qua đó.

Khánh Linh  – Vietnamnet
 

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

chungcucu caitao head
Quy chế thí điểm xây dựng cải tạo các khu nhà chung cư cũ tại Hà Nội

Sự đồng hành giữa lợi ích của Nhà nước, thành phố, DN và người dân, trong đó lấy lợi ích Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more