Ít ai nghĩ rằng giữa phố phường Hà Nội chật chội, nhộn nhịp lại có một ngôi nhà vườn cổ kính, có một không gian xanh đến yên bình. Đó là ngôi nhà 115 Hàng Bạc, có cổng sau là số 6 phố Đinh Liệt.
Bài liên quan:
>> Những ngôi nhà ống ở Phố Cổ Hà Nội
>> Không có phố cổ, chỉ có phố cũ
>> Phố cổ – Bảo tồn như thế nào?
Ít ai cũng biết được đây chính là ngôi nhà vườn duy nhất còn sót lại của chủ nhân thương hiệu vàng Sư Tử nổi tiếng khắp kinh kỳ, thậm chí toàn miền Bắc đầu thế kỷ 20.
Cụ Phạm Thị Tề, 97 tuổi bên ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội. |
Một câu chuyện về thân phận của ngôi nhà và những con người sinh sống trong ngôi nhà ấy qua những thăng trầm của thời cuộc khiến chúng ta hiểu rõ hơn về những con người Hà Nội đang sinh sống trong không gian phố cổ.
Năm tháng thăng trầm
Cụ Phạm Thị Tề, năm nay 97 tuổi, vợ của nhà tư sản Phạm Văn Thanh, chủ thương hiệu vàng Sư Tử nổi tiếng một thời cho biết, toàn bộ khuôn viên ngôi nhà vườn ban đầu có diện tích khoảng 600m2. Mảnh đất này được bố mẹ chồng bà Tề mua từ năm 1890, khi phố Hàng Bạc bắt đầu hành nghề đục, chạm vàng bạc đông đúc nhất Hà thành hồi bấy giờ. Năm 1940, ông Phạm Văn Thanh, chồng bà khi đó là nhà tư sản, gọi là tư sản cho oai chứ ông chồng hàng ngày vẫn phải cởi trần đứng trước lò luyện vàng lá để quai búa, luyện vàng. Ông có chơi thân với một số sinh viên trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và chính những sinh viên này đã thiết kế cho gia đình bà một ngôi nhà vừa mang phong cách kiến trúc Pháp, vừa mang kiến trúc đình làng Việt cổ. Ngôi nhà được xây dựng gồm hai tầng có 18 phòng. Ngoài thiết kế ngôi nhà, các sinh viên còn thiết kế những lối đi, hòn non bộ, tháp nước, rặng trúc quân tử trong khu vườn…“Biến cố gia đình xảy ra vào năm 1961, cụ Tề nhớ lại – khi ấy nhà nước có chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh”. Thương hiệu vàng Sư Tử bị dẹp, ông chủ Phạm Văn Thanh vào hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công nghiệp của phường Hàng Bạc làm công việc gò hàn. Từ một người làm thủ công mỹ nghệ vàng bạc khéo tay nhất Hà Nội, do khéo tay, giỏi kinh doanh nay ông Thanh chuyển sang làm công việc… sản xuất dụng cụ móc quai dép cao su. Tám người con của ông bà cũng phải đi làm đủ nghề để kiếm sống qua ngày.
Với người lao động bình thường thời ấy thì không có chuyện được ở trong ngôi nhà quá lớn như vậy. Hai vợ chồng, tám người con “phải rút” lên tầng trên. Còn tầng một, nơi sảnh chính và hai phòng ngủ phải nhường cho những hộ gia đình người lao động khác, họ từ Thanh Hoá, Thái Bình lên.
Ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội Ông Trần Việt Anh, phó trưởng ban thường trực – ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: nhà số 115 Hàng Bạc thuộc diện nhà ở có vườn, có giá trị cần bảo tồn, tôn tạo theo quyết định của UBND TP Hà Nội. Đây là ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội được các chuyên gia trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao. Các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu công trình này trong cuốn sách The 36 guild streets area Hanoi’s Ancien Quarter (Hà Nội 36 phố phường). |
Giữ nếp nhà
Bà Phạm Nguyệt Nga, con gái thứ ba của cụ Phạm Thị Tề nay đang hành nghề hoạ sĩ cho hay, sau biến cố của gia đình, ông bà Thanh – Tề cũng “choáng” một thời gian nhưng sau đều vui vẻ lại và chấp nhận. Ông đi làm hàng ngày ở hợp tác xã đều đặn và hưởng công điểm như bao xã viên khác.
“Tám người con, duy chỉ có người con gái đầu – bà Phạm Ngọc Bích là được học hành đến nơi đến chốn” – nữ hoạ sĩ Nguyệt Nga kể. Chị gái của bà vào trường đại học Bách khoa từ những năm 1958, trước cuộc cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Bà Bích cười nhỏ nhẹ: “Tôi thì lọt được vào trường đại học nhưng sau khi tốt nghiệp xin việc khó lắm, chẳng nơi nào nhận vì lý lịch là con em thành phần tư sản. Sau mãi mới xin được việc làm công nhân sản xuất nhựa ở dưới Hải Phòng, sau hơn ba mươi năm công tác, khi về hưu tôi lại về ở đây cùng mẹ”. Còn bà Nga và các em trai, em gái khác, sự học hành phải nói là chật vật bởi cái thời còn nặng nề lý lịch.
Cụ Tề cho biết, sau cuộc cải tạo công thương nghiệp, khi biết nghề gia truyền của gia đình không được làm nữa thì hai cụ đã động viên các con chuyển nghề khác. Và trong các người con của cụ Tề, hầu như ai cũng giỏi một nghề, và sống bằng nghề. Trừ người con út song sinh đang sống ở phía Nam, còn ở Hà Nội, tất cả mọi người, hiện là bảy hộ gia đình sống quây quần trong khu nhà vườn, ai cũng có nghề và sống khoẻ. Cô con gái Phạm Nguyệt Nga thi ba lần không được vào trường Mỹ thuật vì một thời mắc “chuyện lý lịch”, cô đã tự học và trở thành hoạ sĩ tự do, cô chuyên vẽ tranh về phố cổ, con người Hà Nội nên có rất nhiều khách nước ngoài đến mua tại nhà. Cô con gái thứ sáu Phạm Lan Hương thì giỏi nghề thêu, được một cơ sở tư nhân có tiếng về nghề thêu ở Hàng Bông mời làm việc, sau chủ nhân thấy giỏi quá liền mời luôn… “làm con dâu nhà mình” và cô đã cai quản hẳn cơ nghiệp nhà chồng.
Một góc nhà vườn 115 Hàng Bạc
Gia đình cụ Tề hiện có hơn 30 người gồm năm thế hệ, đến hàng chắt cùng mấy hộ gia đình khác sinh sống ở khu nhà vườn cổ kính nhưng không bao giờ những người trong hộ gia đình lớn của cụ Tề to tiếng. Cháu trai, cháu gái đều thạo việc nhà, nhất là các cháu gái rất thạo nữ công gia chánh. Trong nhà bao giờ cũng có lệ, trên nhường dưới, dưới kính trên.
Cụ Tề cho biết, năm 1979, cụ ông Phạm Văn Thanh – chủ nhân của thương hiệu vàng Sư Tử nổi tiếng Hà thành qua đời. Trong lúc thời bao cấp khó khăn, có nhiều người muốn mua ngôi nhà nhưng gia đình không bán. 16 phòng còn lại của căn nhà, trừ hai phòng lớn dưới đại sảnh đã được những hộ dân đến ở thuê nhà nước. Số còn lại, bà phân chia đều cho các con, mỗi cặp vợ chồng con cái hai phòng, riêng con trai trưởng được ba phòng. “Đây là một khu chung cư gia đình đúng nghĩa và ấm cúng” – cụ Tề cười nhẹ nhàng, đôn hậu nói về ngôi nhà vườn còn lại duy nhất trong phố cổ Hà Nội của gia đình mình như thế.
Hữu Lực – SGTT