Việc xây dựng trụ sở BQL hồ Hoàn Kiếm tại địa điểm số 2 phố Lê Thái Tổ đã trở thành một vấn đề “nóng” tại thời điểm này. Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia đã thẳng thắn với hai từ “phản đối”. Đơn, thư của người dân cũng như các Hội nghề nghiệp cũng đã được gửi tới các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội. Hội KTS Việt Nam cũng đã chính thức vào cuộc – Công cuộc giữ lại “văn hóa” cho mai sau.
KTS Nguyễn Tấn Vạn trong cuộc trao đổi với báo giới sáng 28/5
Rõ ràng không chỉ Hội KTS Việt Nam mà gần như rất nhiều người đều bị “giật mình” khi được biết tin này. Ngay cả KTS Hoàng Thúc Hào – Người đã có rất nhiều tâm huyết và từng đoạt giải trong cuộc thi Thiết kế khu vực hồ Gươm khi được hỏi cũng hết sức ngỡ ngàng – “Tôi không hề hay biết”. Nếu không có những lá đơn của một số người dân sống gần hồ, không có những lá thư gửi “khắp nơi” của những người có tâm, thì có lẽ chỉ khi “ván đã đóng thuyền” chúng ta mới được biết. Chuyện này hẳn là lạ bởi xưa nay, khi xây bất cứ cái gì quanh khu hồ Gươm, đặc biệt là tại khu “vành đai 1” như thế này, đều được đưa ra nâng lên đặt xuống và lấy ý kiến “cẩn trọng” rồi mới quyết định.
KTS Hoàng Thúc Hào (người cầm bản vẽ) tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết thông tin về công trình này
Đúng là “Họ” không sai, mọi thứ thật chặt chẽ, “đúng luật”. Bản vẽ tòa nhà gồm 3 tầng nổi và 1 tầng hầm cũng hoàn toàn đúng với quy định chiều cao quanh hồ. Thế nhưng họ đã quên mất một điều, đó là cái “văn hóa” ứng xử với Di sản, ở đây là hồ Hoàn Kiếm – Một di sản từ lâu đã trở thành biểu tượng không chỉ của Thủ đô mà của cả đất nước.
Trong buổi trao đổi với các phóng viên, Hội KTS Việt Nam đã tỏ ra hết sức “bức xúc” về vấn đề này. Hội cũng đã tập hợp, đưa ra đầy đủ tài liệu, hồ sơ thi công của công trình số 2 Lê Thái Tổ. Quan điểm của Hội là thẳng thắn “phản đối” việc xây dựng công trình này. Hội cũng sẽ có công văn gửi tới các cấp xem xét, giải quyết. KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để chúng ta có thể làm gì đó cho quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. “Chúng ta cần mở lại lịch sử cho con cháu bởi cũng không nhiều người đã biết về sự tích của tên gọi Đông Kinh Nghĩa Thục này. Cái thiếu lớn nhất của khu vực hồ Gươm chính là một không gian công cộng – nơi những người dân, khách du lịch có thể tản bộ ngắm nhìn viên ngọc của Hà Thành. Giờ đây chính là lúc chúng ta cần trả lại những điều đó cho hồ Gươm“.
Nhiều chuyên gia khi được hỏi về vấn đề này đều có chung nhận định: Đối với khu vực hồ Gươm, chúng ta không nên xây thêm bất cứ một công trình cơ quan, trụ sở nào. Quanh khu hồ Gươm tiến tới chủ yếu chúng ta sẽ dành để người dân đi bộ, là nơi sinh hoạt văn hóa. Vì vậy, chỉ nên có những công trình văn hóa. Một vườn hoa nho nhỏ như một tiểu cảnh ven hồ cũng là một ý kiến hay. Tuy nhiên, vườn hoa như thế nào thì cần chờ khi hoàn thiện quy hoạch chi tiết khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
KTS Nguyễn Trực Luyện – Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam góp ý: “Thành phố đã bỏ ra khá nhiều tiền tổ chức cuộc thi Thiết kế khu vực hồ Gươm và phụ cận, có lẽ việc đó nên được đẩy lên thành những bước thiết kế đô thị chính thức, từ đó chúng ta có những cơ sở để thực hiện, chứ không phải “chạy theo”, “chữa cháy” từng căn nhà, miếng đất như hiện nay.”
Là một người dân, chắc hẳn tôi sẽ băn khoăn tự hỏi: BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm có nhiệm vụ gì? Gồm bao nhiêu người? mà phải xây dựng cả một tòa nhà như thế. Chẳng lẽ không còn mảnh đất nào khác để xây dựng? Rõ ràng, có nhiều ý kiến tỏ vẻ “nghi ngại” xung quanh việc xây dựng trụ sở tại đây. Người ta có cơ sở để nghi ngại, bởi Hà Nội đã có không ít vị trí “đắc địa” xây dựng các công trình nhà nước nhưng công năng sử dụng của chúng lại được “biến hóa” theo nhiều hướng khác nhau.
Khu vực quây tôn xanh là vị trí sẽ xây dựng công trình
Với cảm quan riêng, có lẽ những người trong BQL nghĩ rằng: Họ quản lý khu vực hồ Gươm nên việc đặt trụ sở làm việc cạnh đó là đương nhiên và có gần như vậy thì mới quản lý được? Xin thưa rằng “Họ” quản lý đâu phải bằng việc ngày ngày nhìn quanh hồ xem có cái nhà nào “chồi” lên không; có viên đá nào lát bị lõm xuống; có người dân nào sơ ý vứt rác ra đường…mà đòi hỏi phải “nằm cạnh”? Liệu họ có “quản lý” được người khác không, khi mà chính họ đang phá vỡ đi cái không gian văn hóa cần có cho hồ Gươm?
Phải chăng, BQL đã “quên” quản lý chính mình?
Trần Anh