Hà Nội là trái tim hồng của đất nước, là mảnh đất ngàn năm văn hiến, là cảm hứng cho bao tác phẩm nghệ thuật…bởi lẽ đó, việc quy hoạch xây dựng, đem lại một diện mạo mới cho Thủ đô đã trở thành đề tài được người dân từ già đến trẻ đặc biệt quan tâm.
2. Phùng Kiến Dũng – Diễn, Hà Nội
Tổng thể là một đồ án tốt. Điều tôi quan tâm, đó là vấn đề xử lý môi trường : không chỉ đô thị trung tâm mà còn ở cả các vệ tinh. Chúng ta đã từng để cho một Hà Nội yên bình, thơ mộng thành một thủ đô đầy khói bụi và ô nhiễm, vì vậy chúng ta không thể để tình trạng này tiếp diễn ở quanh nó.
Vấn đê xử lý môi trường đô thị trung tâm, các đường ống nước thải như thế nào cho hợp lý? Liệu có nên áp dụng cơ chế xử lý tại nguồn không? Và, khi làm đường, ta có nên đào và lắp đặt trước một hệ thống ống để chuyển hết các dây cáp xuống, và cùng với đó là một hệ thống chứa nước thải chưa qua xử lý, hoặc mới xử lý sơ bộ? Tất cả những hệ thống này, ta cứ lắp đặt trước, rồi sau này cho thuê lại và thu hồi vốn sau. Có lẽ, như vậy sẽ tránh được phần nào hiện trạng của thủ đô hiện nay.
3. Nguyễn Hồng Hải – Đường thành, Hà Nội
Được nhất là hành lang xanh, đảm bảo về tỷ lệ không gian xanh, quan trọng là sau này chúng ta cần quyết liệt thực hiện. Trục Thăng Long là một tầm nhìn chiến lược. Bây giờ chúng ta thấy mơ hồ, nhưng 50 năm nữa, và lâu hơn thế, thì đây có lẽ là một trục đường đầy ý nghĩa.
Băn khoăn là dự án thành phố hai bên sông Hồng. Các nhà khoa học cũng đã tranh cãi nhiều về hành lang thoát lũ. Rõ ràng, sông Hồng khác nhiều sông Hàn của Hàn Quốc : chế độ thủy văn, lưu lượng phù sa ở sông Hồng rất lớn. Nếu lập thành phố hai bên sông, kè đê… dòng chảy sẽ bị kiên cố hóa, và hàng năm nạo vét lòng sông rất tốn kém , liệu có thể làm tốt và thưòng xuyên?
4. Ngô Thế Trường – Tôn Đức Thắng, Hà Nội
Chưa để ý tới tính chất phong thủy. Trục Thăng Long tốn rất nhiều tiền của dân mà không giải quyết được vấn đề gì. Đồ án không đạt được mục tiêu tạo lực hút từ hoạt động kinh tế, xã hội để hấp dẫn , giãn dân ra khỏi nội đô. Lãng phí vào giao thông không mang lại hiệu quả. Tiền làm trục đường ấy , chắc phải đời cháu chúng ta mới trả hết nợ.
Trục chính của Thủ đô vẫn là trục về phía Nam, đó là QL1 , đi Phủ Lý, Ninh Bình. Trục phát triển tốt thì không đầu tư, hay trục Gia Lâm – Hải Phòng cũng không chú trọng. Một số đô thị vệ tinh, vẽ cho đẹp thôi chứ không giải quyết được vấn đề gì.
Những đô thị quanh trung tâm là những đô thị hiện hữu, đã phát triển hết sức tự nhiên, như vậy nên phát triển thành các đô thị xanh quanh trung tâm. Chúng ta phải lấy cái đang sống làm cái nhân, để mà phát triển. Khi chưa thể phát triển được kinh tế ở các đô thị vệ tinh, thì sẽ không bao giờ có thể giãn dân được. Vì vậy, đồ án này thực chất chỉ gợi ra cho nhân đân Hà Nội việc cần nghiên cứu, phát triển Thủ đô ta như thế nào thôi, còn định hướng lớn cần phải xem lại, không phải vẽ vời ra làm gì nhiều, vừa tốn kém, vừa khó thực hiện.
Ngày xưa các cụ đã chọn sông Hồng là trục phát triển, vậy ta hãy cứ bám theo sông Hồng, cứ phát triển trục giao thông theo hai bên sông Hồng.
5. Nguyễn Nam Trung – Khương Trung, Hà Nội, 73 tuổi
Đây là một bước tiến lớn của đất nước nói chung , thủ đô Hà Nội nói riêng . Mục đích của triển lãm đồ án là tham khảo ý kiến của nhiều người dân, đây cũng là một cách tốt nhưng lại có nhiều hạn chế. Đó là vì triển lãm quá đông, thường phải chen lấn, không có điều kiện đọc kỹ từng vấn đề , khó góp ý hơn.
Theo tôi, triển lãm có thể kéo dài hàng tháng chứ không chỉ trong vòng 11 ngày. Những người đã đến đây đều xác định đóng góp ý kiến, đi bàn thảo chứ không phải xem hội, theo lối “cưỡi ngựa xem hoa”. Để chắt lọc ý kiến, cần phải mất rất nhiều công. Người đến, có lẽ sẽ không chỉ đến một lần, tôi cũng cần phải quay lại lần thứ hai, vào đầu tuần để đỡ đông. Để tiện lợi cho người dân cũng như tư vấn, hãy đưa những thông tin này lên mạng internet , chúng tôi tìm hiểu ở nhà, chưa rõ thì đến đây : chủ động hơn rất nhiều. Không có điều kiện đến tận nơi thì xem trên mạng cũng rõ hơn.
Điều tôi quan tâm nhất là việc đặt Trung tâm hành chính ở đâu. Theo trong đồ án sẽ đặt ở Ba Vì, nhưng những lý lẽ chưa đủ thuyết phục, vì vậy tôi đề nghị cần xem xét lại. Vì sao lại phải phân biệt trung tâm hành chính, trung tâm chính trị?
6. Người dân dấu tên
Tôi đến với triển lãm này với mục đích xem rằng Hà Nội của chúng ta trong thời gian tới sẽ được quy hoạch như thế nào, và hướng sử dụng đất đai khu vực phía Tây thành phố trong tương lai sẽ ra sao.
Hiện nay, khu trung tâm Hà Nội rất chật chội, do vậy việc di dời bớt trung tâm hành chính lên Ba Vì cũng là một ý kiến hay, bởi nếu cứ để như hiện nay thì nội đô sẽ quá tải. Tôi được biết có nhiều ý kiến phản đối vấn đề này, nhưng riêng tôi lại thấy ý tưởng này khá tốt. Như bên Malaixia người ta đã làm điều này từ rất lâu rồi, người ta vẫn giữ lại trung tâm thủ đô cũ, nhưng những cơ quan hành chính thì đã chuyển sang một khu vực mới cách trung tâm cũ 30km.
Chúng ta vẫn giữ được một Hà Nội xưa, nhưng vẫn có một trung tâm hành chính đạt tầm cỡ quốc tế. Việc dự tính đặt trung tâm mới ở Ba Vì là một vị trí tốt, nhưng có lẽ nếu đặt ở chân núi Ba Vì thì có thể chưa hợp lý lắm, mà nên lùi lại một chút thì hợp lý hơn. Chúng tôi hiện nay, việc đi làm xa cũng không quan trọng lắm, nhưng quan trọng là giao thông tốt, không bị tắc đường. Đó là điều mà ai cũng mong mỏi.
7. Chị Nghĩa – Khu đô thị Việt Hưng, Gia Lâm, Hà Nội
Tôi đến triển lãm thứ nhất là muốn biết về định hướng của nhà nước về việc quy hoạch sử dụng đất đai sau này, mặc dù cũng biết rằng bản đồ án này mới chỉ là ý tưởng, chưa được thủ tướng thông qua. Thứ hai, xuất phát từ lòng yêu Hà Nội, muốn biết về Hà Nội trong tương lai như thế nào. Đặc biệt là các khu phố cổ. Để Hà Nội vừa giữ được nét cổ xưa, lại vừa hiện đại là một điều rất khó ,bao lâu nay chúng ta chưa làm được, vì vậy cũng không dễ gì trong thời gian ngắn các nhà tư vấn lại có thể đưa phương án tối ưu. Tôi không muốn các khu phố cổ Hà Nội cải tạo lại giống nhau, các nhà đều như nhau. Như vậy, sẽ không còn là cổ nữa rồi.
KTS Trần Huy Ánh