(Kienviet.net) – Băn khoăn, mong chờ và hi vọng vào những thành công trong kỳ ĐH lần này, đó là những cảm xúc chung của rất nhiều KTS trẻ trước thềm ĐH VIII Hội Kiến trúc sư Việt Nam mà Kienviet.net đã ghi nhận được.
Trẻ hóa con người, hiện đại trong hoạt động
Ths.KTS. Nguyễn Quốc Tuân
Phó chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – công trình, Trường đại học Phương Đông
Trước thềm ĐH VIII lần này, tôi trông đợi Ban chấp hành Hội KTSVN nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều gương mặt mới, trẻ hơn và đổi mới hơn. Mong BCH mới với độ phủ rộng khắp cả nước sẽ bao gồm những KTS thật sự có nhiều thời gian và tâm huyết dành cho hoạt động của hội cơ sở và hội Trung ương.
Nhiều năm qua, chúng ta còn thấy có nhiều KTS tham gia BCH nhưng ít thấy vai trò của họ trong đời sống kiến trúc nước nhà. Nhiều KTS quá bận bịu công việc quản lý tại địa phương, hay do tuổi cao mà ít thể hiện vai trò là cánh tay nối dài của Hội KTSVN tới giới kiến trúc sư cả nước và xã hội. Trong khi đó các KTS trẻ còn nhiều người ngại không muốn tham gia vào BCH do ngại vướng bận công việc hay sáng tác, hoặc cũng có thể do chưa có được sự tin tưởng của các KTS lớp trước, chưa khẳng định được vai trò kết nối và sự lan toả của mình.
Tôi mong rằng, BCH nhiệm kỳ này, cũng như nhiệm kỳ sau nữa, độ tuổi trung bình của BCH sẽ giảm xuống, để chúng ta có một BCH Trung ương ở độ tuổi sung mãn hơn. Dù theo đặc thù đánh giá Kiến trúc sư gọi là trẻ nhưng cũng đã là già với nhiều ngành nghề khác – như có lần tôi đã được ai đó đọc cho nghe câu này: Ba lăm toan bước sang già, vào nghề Kiến trúc mới là trẻ trai.
Tôi cũng mong Hội KTSVN sẽ có nhiều hoạt động “hiện đại” hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và liên lạc một cách chủ động hơn. Hãy mở thêm nhiều cánh cửa để các KTS Việt Nam đến với Hội, với các hoạt động của Hội dễ dàng và thuận lợi hơn.
KTS trẻ không chỉ đóng vai “người giúp việc”…
KTS Lã Toàn Thắng – Viện Thiết kế, Bộ Quốc Phòng
Trong những năm gần đây, công tác phát triển Hội ngày càng sâu – rộng. Hội KTS Việt Nam đã có những định hướng, khuyến khích phát triển nghề nghiệp thông qua tổ chức các hội thảo nghề nghiệp, các hoạt động mang tính học thuật, tổ chức thường xuyên các Giải thưởng kiến trúc hai năm một lần… Hội cũng đã phát huy rất tốt vai trò cầu nối giữa giới kiến trúc sư với cộng đồng.
Tuy nhiên, vai trò là cầu nối liên kết chưa thấy rõ hiệu quả thực tế. Các hội viên chưa thực sự liên kết với nhau trong hoạt động nghề, nhiều KTS giỏi nghề nhưng không mặn mà với các hoạt động của Hội – Đây là điểm yếu trong môi trường hành nghề cạnh tranh hiện nay.
Theo quan điểm của tôi, thành phần chính của BCH Đại hội lần thứ VIII của Hội KTS Việt Nam vẫn phải là các KTS đã hoạt động lâu năm, kinh nghiệm, có tên tuổi và thương hiệu, thực sự có tâm huyết với sự phát triển của nền kiến trúc nước nhà. Bên cạnh đó, không thể thiếu một vài KTS trẻ có khả năng kế thừa phát huy, có ý tưởng, như “những làn gió mới” mang sức trẻ cống hiến cho nền kiến trúc vì sự phát triển chung của đất nước.
Nhưng… KTS trẻ phải được công nhận như các bậc đi trước và bình đẳng trong các công việc của Hội chứ ko chỉ đóng vai “người giúp việc”.
Tin tưởng trong kỳ ĐH này chúng ta sẽ có một BCH mới – không hẳn là mới hoàn toàn phần ruột – mà là mới trong các ý tưởng, các kế hoạch triển khai.
Những việc Hội cần làm ngay
Ths. KTS Hồ Thế Vinh – Công ty CP Kiến trúc Xây dựng Kiến Văn
Những vấn đề mà Hội cần làm ngay, theo tôi là:
– Nỗ lực bằng các phương pháp, các hoạt động để nhanh chóng định hướng, đưa kiến trúc Việt Nam phát triển đúng hướng, bền vững.
– Thực hiện tích cực và đa dạng hơn nữa các hoạt động và các hình thức sinh hoạt có liên quan của Hội để nâng cao chất lượng, tạo thêm sự mở rộng và liên kết cũng như nâng tinh thần yêu nghề, tính trách nhiệm của các KTS như: các hoạt động phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền sâu rộng các tài năng kiến trúc; các hình thức phổ biến các thông lệ, luật pháp kinh doanh trong thị trường hiện nay; công tác phê bình, phản biện; các hoạt động văn hoá, vui chơi….
– Xây dựng cơ sở pháp lý để tạo dựng môi trường hành nghề KTS lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi.
Ngoài ra, dù hoạt động theo quy luật của thị trường nhưng nền kiến trúc nước nhà cũng cần có những chính sách hỗ trợ nhất quán và toàn diện từ các hiệp hội ngành nghề kiến trúc và xây dựng, từ các cơ quan quản lý. Như thế, đội ngũ KTS mới có thể đảm trách được những công trình kiến trúc có quy mô tầm cỡ, chiến lược và qua đó có thể bắt nhịp với xu hướng kiến trúc của thế giới và khu vực.
Trước nhất cần tạo điều kiện để đội ngũ KTS nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thông qua khả năng hợp tác với các đơn vị nước ngoài hay các đơn vị lớn đã có kinh nghiệm khác trong nước… để các KTS một mặt tự thực hiện tốt công việc của mình mà lại có thể học hỏi và ngày càng trưởng thành hơn.
Đồng thời cũng cần có những chính sách hỗ trợ các đơn vị tư vấn về mặt tài chính như cho vay với lãi suất ưu đãi để thực hiện dự án, miễn giảm một số loại thuế trong thời gian đầu đối với một số đơn vị tư vấn… nhằm khắc phục những hạn chế về mặt tài chính thường gặp cũng như kích thích năng lực hoạt động.
Đây là những vấn đề, những nhiệm vụ được đặt ra. Hy vọng các anh chị em KTS góp sức cùng với Hội KTS VN trên tinh thần yêu nghề, trách nhiệm và đoàn kết vì nền kiến trúc VN hiện đại và bản sắc.
Khơi dậy lòng tự ái của KTS
Ths.KTS. Nguyễn Thu Phong – Phó Chủ tịch Hội KTS TP. HCM
Trong những năm qua, phong trào phát triển Hội, nhận thức về Hội ngày càng sâu rộng, từ trung ương đến địa phương. Có thể thấy rõ sự trông mong vào sự dẫn dắt của Hội ở các Hội KTS địa phương. Đây cũng là thành công chung của Hội KTS. Hầu hết các phát động, các phong trào của Hội KTS Việt Nam đều được các hội viên nhiệt tình đón nhận như: các buổi Hội thảo, tọa đàm nghề nghiệp, các chương trình giao lưu gặp gỡ, các chương trình sáng tác của sinh viên, các trại hè KTS trẻ, triển lãm KT mới được thành lập gần đây… Đó chính là sự sáng tạo trong việc lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của Hội nghề nghiệp của mình.
Như vậy là Hội cũng đã có hàn lâm, có giao lưu, có sinh hoạt giải trí, tuy nhiên thì vẫn còn quá nhiều việc phải làm trong thời gian tới, đặc biệt là việc cầm cương các vị thế chủ chốt của nền Kiến trúc nước nhà. Đây là việc vĩ mô, không phải một cá nhân lãnh đạo hay Ban chấp hành có thể làm được.
Theo tôi, đó cần như một hồi chuông cảnh báo, dấy lên niềm tự tôn, niềm tự ái khi chúng ta thua trên sân nhà, trong nguy cơ bị loại bỏ trong các cuộc thi kiến trúc, nguy cơ bị tụt hậu, nguy cơ đứng bên lề kiến trúc. Khi mà mọi người đều phải nhận thức, phải thấy căng thẳng, thôi thúc điều mình cần làm cho cơ quan, cho sự nghiệp, cho vùng đất nơi ta sinh sống, cho Hội địa phương và cho Hội Việt Nam.
Chỉ khi nào thành công trong việc khơi dậy lòng tự ái, chủ động phát triển trong từng hội viên, từng văn phòng kiến trúc thì khi đó Hội mới tạo ra được một tổng thể trong việc xây dựng các chiến lược. Hiện tại, Hội làm việc đơn giản hơn, đó là xây dựng Cương lĩnh phát triển, tầm nhìn phát triển. Đó phải là những giá trị, những đúc kết trong vòng 5 năm một, cô đọng, có tác dụng, chứ không phải là một nghị quyết dài. Tôi nghĩ, điều đó không quá khó, nếu chúng ta nỗ lực.
Kiến Xinh thực hiện